Vụ nổ bình gas làm chết 3 người ở Hà Nội: Cách dập lửa gas chuẩn nhất không gây nổ
Trước nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại về người và tài sản mà nguyên nhân chủ yếu do chập điện, rò rỉ khí gas trong cả nước những ngày gần đây, cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) đã cảnh báo và đưa ra kỹ năng xử lý khi người dân gặp tình huống cấp bách.
Những ngày vừa qua tại Hà Nội cũng như một số tỉnh thành trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ cháy lớn gây thiệt hại nặng nề về cả về người và tài sản. Đơn cử như vụ cháy nổ khiến 3 người trong cùng gia đình tử vong tại khu nhà trọ ngách 79, ngõ 18 phố Định Công Thượng, phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội tối ngày 3/1, Công an TP Hà Nội thông tin nguyên nhân được xác định do hở bình gas.
Toàn cảnh vụ cháy gần chợ Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội tối ngày 30/12/2021 vừa qua. Ảnh: Gia Khiêm
Hay mới trước đó không lâu, tối ngày 30/12/2021, vụ hỏa hoạn ở kho chứa vải cạnh chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), khiến lực lượng chức năng phải mất hơn 4 tiếng đồng hồ mới có thể dập tắt được vụ cháy. Ngoài ra, một số vụ liên quan đến chập điện, cháy nổ khác dẫn tới hỏa hoạn đã khiến không ít người lo ngại trong công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán đang đến gần.
Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, Đại tá, PGS.TS Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy (PCCC) cho hay, vụ nổ do hở bình gas ở những khu nhà trọ, nhà ở tại nhiều khu tạm bợ không đảm bảo quy chuẩn phòng cháy chữa cháy.
Vụ cháy do hở bình gas ở phường Định Công quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Người dân cung cấp
"Vụ nổ ở khu nhà trọ ngõ 18 Định Công Thượng vừa qua liên quan đến sử dụng bếp gas trong đun nấu. Gas không phải không an toàn nhưng khi sử dụng người dân phải hết sức chú ý, phải thường xuyên kiểm tra, rà xét những điều kiện bình, bếp gas xem có đảm bảo an toàn không", Đại tá Ngô Văn Xiêm thông tin.
Theo Đại tá Xiêm, rò rỉ khí gas trong môi trường khép kín, điều kiện trao đổi không khí bên ngoài bị hạn chế. Khi gas thoát ra khuếch tán vào thể tích không khí trong phòng, trộn lẫn tạo thành hỗn hợp khí nguy hiểm nổ.
Người dân cần khóa van bình gas an toàn sau đun, nấu. Ảnh: Công an TP Hà Nội
"Khi phát hiện rò rỉ khí gas, người dân không được phép dùng bất kỳ một thiết bị gì liên quan tạo ra tia lửa, nguồn nhiệt nhỏ thôi cũng làm phát nổ hỗn hợp đó. Chú ý không đóng hoặc ngắt các công tắc, thiết bị điện để tránh phát sinh tia lửa. Đóng ngay van bình gas sau khi nấu xong. Thông gió để phát tán làm giảm nồng độ hơi gas. Có thể bằng việc mở các cửa, thông gió nhân tạo an toàn hoặc sử dụng bình khí CO2, N2 để làm loãng.
Tìm chỗ rò bằng cách dùng nước xà phòng (cấm dùng ngọn lửa). Bịt chặt chỗ rò, có thể bằng cách trát xà phòng vào chỗ rò sau đó quấn băng keo, hoặc dùng dây cao su buộc chặt lại. Nếu không khắc phục được rò rỉ, cần mang ngay bình ra nơi trống, thoáng gió, xa cống rãnh, xa nguồn lửa và khu dân cư", Đại tá Xiêm nhấn mạnh.
Không bật/tắt công tắc/thiết bị điện trong nhà khi ngửi thấy mùi gas. Ảnh: Công an Hà Nội
Chuyên gia PCCC cũng đưa ra khuyến cáo, người dân chọn bếp gas có chất lượng tốt, rõ nguồn gốc xuất xứ, nên sử dụng các loại bếp có các bộ phận an toàn như: Rơle an toàn khi tắt lửa, Rơle an toàn khi quá nhiệt…
"Có nhiều người dân chủ quan mở van bình gas xong cứ thế nấu, sau tắt van ở bếp chứ không vặn van ngay sát miệng bình gas. Như vậy sẽ rất dễ bị rò rỉ gas. Chính vì vậy phải thường xuyên chú ý những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng này. Thường xuyên kiểm tra dây dẫn gas có bị chuột cắn, rò rỉ không. Bếp gas sau thời gian sử dụng cần kiểm tra, xem xét lại độ an toàn, độ kín của bếp", Đại tá Xiêm lưu ý.
Hiện trường tan hoang sau vụ nổ gây cháy nhà ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm
Ngoài ra, ông cho rằng cần lắp đặt bếp gas ở nơi thông thoáng, nhưng tránh gió lùa trực tiếp, không đặt ở nơi ẩm ướt hoặc nơi có môi trường ăn mòn. Bếp đặt cách mặt tường các bên 15cm, các vật treo phía dưới tối thiểu 1,5m.
Cảnh sát PCCC chữa cháy khu nhà kho gần chợ Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội tối ngày 30/12/2021. Ảnh: Gia Khiêm
Hạn chế việc dùng nồi có đáy quá lớn đun nấu trên bếp gas mini vì ngọn lửa sẽ trùm xuống bình gas rất nguy hiểm. Không dùng bếp quá cũ vì rỉ sét và cặn thức ăn lưu lại trong quá trình đun nấu dễ gây tắc nghẽn ống dẫn gas, van, miệng phụt lửa…
Không nên dùng bình gas san, chiết lại (bếp mini) vì hiện nay các loại bình chứa khí nén ít được kiểm soát một cách đầy đủ, các cơ sở sản xuất lậu mua bình chứa khí trôi nổi kém chất lượng rồi bán cho người tiêu dùng. Nên đặt bình thấp hơn bếp, không đặt bình úp hoặc nằm ngang. Sau 3 - 5 năm sử dụng nên thay ống, dây dẫn gas.
Về các vụ cháy do chập điện gây ra, thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho rằng, người dân cần tuân thủ đầy đủ các quy tắc để dây dẫn điện cách xa vật dụng dễ cháy, hàng hóa cách xa ít nhất 0,5 m, thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong nhà, kho hàng... Đấu nối điện theo đúng quy cách để tránh gây chập điện. Ngoài ra, người dân không nên sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện vượt quá mức tải của đường dây.
Cảnh sát dập lửa ngôi nhà trên đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội trưa ngày 22/12/2021. Ảnh: Gia Khiêm
Theo thượng tá Quyến: "Dịp Tết Nguyên đán đang cận kề, việc người dân tổ chức ăn uống, tập kết hàng hóa tăng cao sẽ dễ gây ra tình trạng cháy nổ lớn. Chính vì vậy, mỗi người cần phải tự nâng cao ý thức của bản thân trong công tác phòng cháy chữa cháy. Đối với các hộ gia đình nên tạo lối thoát thứ 2, việc thắp hương thờ cúng nên có người trông coi và đặc biệt nên hạn chế đồ vàng mã ở những nơi gần lửa trong gia đình".
Về vấn đề này, trung tá Phạm Thế Vĩnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn Cứu hộ, Công an quận Tây Hồ, Hà Nội cho rằng, nguyên nhân cháy nổ có cả khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là vào những ngày cuối năm thời tiết hanh khô, kèm với người dân sử dụng các thiết bị điện nhiều, tập trung ăn uống đông, nhưng vấn đề chính vẫn là một phần do ý thức của người dân trong việc phòng chống chữa cháy là chưa cao.
Theo trung tá Vĩnh, để tránh xảy ra những vụ hỏa hoạn làm chết người thương tâm, việc thứ nhất cần làm đó là người dân phải tự nâng cao ý thức chấp hành các quy định của nhà nước về công tác phòng cháy chữa cháy, kèm với đó là những kiến thức cơ bản về việc sử dụng và đảm bảo an toàn các thiết bị gas.
Thứ hai, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy cho các hộ dân. Theo ông Vĩnh, tại Hà Nội việc tuyên truyền này rất sâu sát, tới từng hộ dân ở cơ sở, tuy nhiên người dân vẫn còn khá chủ quan và ý thức vẫn chưa cao.
Thứ ba, ở các hộ gia đình sản xuất kinh doanh và đặc biệt là ở các gia đình kiểu chuồng cọp thì phải có lối thoát thứ 2, vì khi xảy ra cháy nổ, có thể hàng hóa của chính gia đình đó sẽ là lối cản tại lối thoát duy nhất dẫn tới hậu quả thương tâm, khó lường.
Thứ tư, phát huy tốt 4 tại chỗ gồm: Lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ và hậu cần tại chỗ là người dân phải tự trang bị kiến thức về phòng cháy chữa cháy, sơ cứu ban đầu trong các trường hợp bị thương nhẹ, để khi xảy ra hỏa hoạn họ có thể tự xử lý, ứng cứu ban đầu.
Theo danviet.vn
Lượt xem: 370
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"