• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Kỹ thuật và Công nghệ5/1/2017 16:6

Vài suy nghĩ về xây dựng Chính quyền điện tử ở Tuyên Quang

Ngày 14/10/2015, Chính phủ ra Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử trong đó yêu cầu các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Vậy Chính phủ điện tử là gì? Có nhiều khái niệm về Chính phủ điện tử, tuy nhiên có thể khái quát lại là Chính phủ điện tử (CPĐT) là Chính phủ hiện đại, đổi mới, vì dân, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông.
Trong khái niệm trên, ta chú ý tới 2 đặc trưng của CPĐT là:
-  Ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông trong mọi mặt hoạt động của mình
-  Đổi mới mọi mặt hoạt động của mình
Ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông sẽ tạo ra các giao diện tương tác điện tử giữa các cơ quan nhà nước với nhau (thường gọi là G2G); giữa chính phủ với công dân (G2C) và giữa chính phủ với doanh nghiệp (G2B); làm cho các hoạt động của cơ quan nhà nước trở nên minh bạch, hiệu quả cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng công nghệ thông tin và truyền thông chỉ đóng vai trò là công cụ của Chính phủ điện tử, nó không quyết định đến việc xây dựng thành công Chính phủ điện tử. Để phát huy hiệu quả của công cụ đó, bản thân chính phủ (gồm các tổ chức, các cá nhân công chức) phải đổi mới cho phù hợp với việc sử dụng công cụ hiện đại. Những cái "đổi mới" có tính quyết định bao gồm:
Thứ nhất: Đổi mới về nhận thức, đây là cái đổi mới quan trọng nhất. Phải thấy rõ việc xây dựng Chính phủ điện tử là yêu cầu tất yếu và cấp thiết. Đất nước muốn phát triển, muốn hội nhập quốc tế và hưởng lợi từ sự hội nhập đó thì phải nâng cao tính cạnh tranh của mình trên trường quốc tế, từ đó phải cải cách hành chính, phải ứng dụng công nghệ thông tin, phải rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính…Do đó mỗi cán bộ công chức, mỗi cơ quan nhà nước phải thấy rõ việc ứng dụng công nghệ thông tin là nhiệm vụ của chính mình chứ không phải của ai khác, phải mạnh dạn chấp nhận từ bỏ "văn hóa phong bì".
Thứ hai: Đổi mới phong cách làm việc, phải có phong cách làm việc công nghiệp hiện đại, bởi vì khi ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của cơ quan, việc giải quyết các yêu cầu của công dân, doanh nghiệp (và cả của cơ quan khác) được tổ chức thành những "dây chuyền công nghệ", một người chậm sẽ làm cả cơ quan chậm theo. Các quy định hành chính phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Việc sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh phải trở thành nhu cầu thiết yếu.
Thứ ba: Thường xuyên học tập nâng cao kiến thức và kỹ năng công nghệ thông tin. Mỗi khi ta có một công cụ mới, ta đều phải học, ít nhất là cách sử dụng. Ví dụ, muốn sử dụng ô tô, ta phải học lái, học khắc phục những sự cố kỹ thuật thông thường…
Công nghệ thông tin và truyền thông là những lĩnh vực phát triển rất nhanh, liên tục đổi mới công nghệ, do đó mỗi cán bộ công chức phải thường xuyên học hỏi cập nhật kiến thức để vận hành tốt các hệ thống thông tin, biết cách bảo mật dữ liệu.
   Tuyên Quang cũng đang xây dựng chính quyền điện tử, (là Chính phủ điện tử ở địa phương), theo khung kiến trúc chính quyền điện tử do Bộ TTTT hướng dẫn.
   Tuy nhiên có một số vấn đề mà thực tiễn Tuyên Quang yêu cầu chúng ta cần cân nhắc.
   Về kinh phí:
   Để xây dựng thành công chính quyền điện tử, cần một khoản kinh phí khổng lồ so với ngân sách của tỉnh. Quảng Ninh thí điểm xây dựng chính quyền điện tử, vẫn chưa phải là hoàn thiện, đã tốn hơn 600 tỷ đồng, bằng non nửa thu ngân sách 1 năm trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang. Vì vậy tốc độ xây dựng chính quyền điện tử ở Tuyên Quang không thể ngang bằng với các tỉnh phát triển khác được nếu không có sự trợ giúp của Chính phủ. Trong điều kiện hiện nay, cách làm tốt nhất là lựa chọn một vài ứng dụng có tác dụng thiết thực nhất đối với cải cách hành chính để xây dựng trước, tạo ra "cú hích" nhằm thay đổi nếp làm việc cũ. Các ứng dụng còn lại phải tùy vào điều kiện kinh phí và nhân lực để làm dần sau. Tuy nhiên khi làm như vậy rất dễ mắc phải lỗi là các ứng dụng thiếu đồng bộ, do đó cần có sự chuẩn bị chu đáo về định hướng công nghệ, về khả năng kết nối, tích hợp các ứng dụng trong điều kiện công nghệ biến đổi rất nhanh.
Có một biện pháp đã được khuyến khích sử dụng  để khắc phục việc thiếu kinh phí là thuê các hệ thống thông tin của các doanh nghiệp. Việc thuê doanh nghiệp giúp cho tỉnh chỉ phải trả những khoản tiền nhỏ, từ từ nhiều năm, thay vì phải bỏ ra một khoản đầu tư lớn để tự xây dựng các hệ thống thông tin. Nhưng việc thuê cũng đang gặp khó khăn:
- Chưa có quy định về giá thuê, mà việc tính giá thuê cũng không hề dễ dàng, bởi có rất nhiều ứng dụng, rất nhiều công nghệ khác nhau được sử dụng để làm ra ứng dụng, cùng một ứng dụng nhưng mỗi doanh nghiệp có một cách xây dựng theo quan điểm khác nhau, cách thức phục vụ khác nhau, mức độ thuận tiện cho người dùng cũng khác nhau… chưa nói đến tính bảo mật, an toàn dữ liệu, tính dễ kết nối, tích hợp với ứng dụng khác, tính dễ nâng cấp…
- Rất khó để đánh giá rằng thuê doanh nghiệp nào tốt hơn doanh nghiệp nào bởi ngoài ứng dụng hiện tại, còn phải tính đến chế độ hậu mãi: bảo trì, nâng cấp… và vòng đời của ứng dụng, vòng đời của chính doanh nghiệp…
-  Khi đã thuê một doanh nghiệp là hầu như chấp nhận sống "chung thân" với doanh nghiệp đó, bởi khi đã có nhiều dữ liệu, việc chuyển sang dùng ứng dụng của doanh nghiệp khác sẽ rất tốn kém cho việc chuyển đổi dữ liệu.
- Tâm lý ngại doanh nghiệp cho thuê sẽ nắm được dữ liệu của mình (không bảo mật).  
Bởi những lý do trên, tại Tuyên Quang trước tiên chỉ nên triển khai 2 ứng dụng:
- Quản lý văn bản và điều hành: Đây là ứng dụng giúp tăng năng suất xử lý công việc của các cơ quan nhà nước đồng thời tạo ra khối dữ liệu lưu trữ lớn và rất có ích về lâu dài. Mặt khác nó giúp tiết kiệm được rất nhiều giấy, mực in…bởi các giao dịch của các công chức với nhau, của các cơ quan với nhau đều thực hiện trên môi trường mạng máy tính.
 - Một cửa điện tử (và một cửa điện tử liên thông): Đây là ứng dụng để quản lý việc giải quyết thủ tục hành chính, làm cho việc giải quyết thủ tục hành chính trở nên công khai, đúng quy định của pháp luật. Các bước giải quyết thủ tục hành chính được mô hình hóa bằng phần mềm, do đó được lưu giữ lại trong cơ sở dữ liệu. Từ đó kiểm soát được việc giải quyết mỗi hồ sơ có chậm trễ ở khâu nào hay không? Còn hồ sơ được luân chuyển giữa các bộ phận bằng 2 hình thức là chuyển thủ công đối với hồ sơ giấy và chuyển qua mạng đối với hồ sơ điện tử.
   Ở đây cũng nên bàn thêm về một cửa điện tử và dịch vụ công mức độ 3 (và 4). Dịch vụ công mức độ 3 là việc giải quyết thủ tục hành chính gần như hoàn toàn bằng điện tử, chỉ có bước nhận kết quả và/hoặc nộp phí là bằng thủ công. Một phần mềm dịch vụ công mức độ 3 chỉ giải quyết một hay một nhóm nhỏ thủ tục hành chính, nên để thực hiện dịch vụ công mức độ 3 cho tất cả thủ tục hành chính là rất tốn kém.
   Một cửa điện tử lại là phần mềm giải quyết tất cả thủ tục hành chính cho 1 cơ quan, trong đó dịch vụ công mức độ 3 (nếu có) là một nguồn thu nhận hồ sơ. Dễ thấy rằng, làm một cửa điện tử tốn ít chi phí hơn dịch vụ công mức độ 3, tuy nhiên mức độ tự động hóa (trước mắt) lại kém hơn, bù lại thì một cửa điện tử phục vụ đuợc cho tất cả công dân, trong khi để sử dụng dịch vụ công mức độ 3 thì người dân cần thông thạo máy tính (và có máy tính để sử dụng), biết số hóa hồ sơ và có chữ ký điện tử. Mặt khác, có thể nâng cấp một cửa điện tử thành tự động hóa hoàn toàn khi mà ta chuyển tất cả dịch vụ công sang mức độ 3, 4. Đây cũng chính là lý do Tuyên Quang chưa nên làm rầm rộ dịch vụ công mức độ 3, mà chỉ nên làm một cửa điện tử cho tất cả các cơ quan. (Tuy rằng việc làm như vậy sẽ khiến cho chỉ số ICT Index của Tuyên Quang kém các tỉnh khác có nhiều dịch vụ công mức độ 3, nhưng ta nên thống nhất với nhau rằng, ICT Index là quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc phục vụ cho nhân dân tốt hay không tốt trên diện rộng.)
   Về nhận thức:
   Ngoài việc nhận rõ tầm quan trọng của chính quyền điện tử như đã nêu ở phần trên, chúng ta còn cần khắc phục một nhận thức chưa đầy đủ về phần mềm, đó là đòi hỏi phần mềm phải thỏa mãn tất cả yêu cầu của mình. Nhiều người vin vào cớ này để tránh không ứng dụng phần mềm. Rõ ràng là không có một công cụ nào thỏa mãn đầy đủ yêu cầu của con người, nó chỉ thỏa mãn những yêu cầu cơ bản thôi và theo thời gian và sự đầu tư, nó sẽ hoàn thiện dần. Ô tô chỉ chạy được và chạy nhanh khi đường thông thoáng, khi đường tắc nó cũng không bay được.
   Cuối cùng, một vấn đề rất quan trọng, đã nêu ở trên, là bản thân chính quyền, các thủ tục hành chính, các quy trình làm việc, phong cách, thói quen làm việc của công chức phải thay đổi cho phù hợp với yêu cầu tin học hóa hoạt động của cơ quan nhà nước. Để ứng dụng được các phần mềm hoặc phát huy hết hiệu quả của phần mềm, có thể chúng ta phải sửa đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi tác phong, thói quen làm việc.
   Về việc sửa đổi quy trình, có thể ví dụ, trong quy trình xử lý văn bản đến, thông thường chỉ thủ trưởng cơ quan mới là người phân công xử lý. Nhưng trong trường hợp thủ trưởng tạm thời không thực hiện được việc này vì lý do nào đó, văn bản phải được phân công xử lý bởi cấp phó. Phần mềm xử lý văn bản xây dựng theo hướng đó sẽ không để ùn tắc văn bản. Do đó ta không nên khăng khăng chỉ có thủ trưởng mới được phân công xử lý. Tên của người phân công xử lý sẽ được lưu thành thuộc tính của văn bản, do đó không sợ chối bỏ trách nhiệm khi có sai sót.
   Về việc thay đổi thói quen, mỗi khi có công cụ, phương tiện mới ta đều phải thay đổi thói quen để phù hợp với nó. Chẳng hạn như khi làm việc trong phòng điều hòa nhiệt độ thì ta phải bỏ thói quen hút thuốc lá, điều khiển xe cơ giới thì không uống rượu... Khi ứng dụng công nghệ thông tin  thì ta phải bỏ thói quen đọc văn bản trên giấy, thay vào đó là đọc trên màn hình máy tính…
 Về Trung tâm hành chính công:
   Hiện có vài tỉnh, thành phố đang xây dựng Trung tâm hành chính công. Trung tâm này là một tòa nhà, trong đó có đủ công chức các ngành, nghề, để có khả năng giải quyết tất cả các thủ tục hành chính hiện có. Như vậy, công dân và doanh nghiệp chỉ cần đến một địa điểm để yêu cầu giải quyết các nhu cầu dịch vụ công của mình, không phải đến các sở ngành khác nhau, mà thậm chí có khi không biết với nhu cầu của mình thì cần đến sở ngành nào để giải quyết. Tuy nhiên cần xem xét đến tương quan giữa kinh phí đầu tư và lợi ích đạt được.Trước mắt thì có vẻ có hiệu quả, nhưng khi một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông, dịch vụ công mức độ 3, 4 được xây dựng hoàn chỉnh, ngồi đâu cũng làm việc được, thì Trung tâm này trở nên vô nghĩa. Có thể nói, việc xây dựng trung tâm này đi ngược với xu hướng "điện tử hóa", "mạng hóa" chính quyền mà ta đang gắng sức xây dựng. 
  Tóm lại, trong điều kiện xuất phát điểm về ứng dụng công nghệ thông tin còn thấp và kinh phí eo hẹp hiện nay, để xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn, chúng ta cần lựa chọn những ứng dụng thích hợp và quyết tâm thay đổi mình để đưa các ứng dụng vào cuộc sống.
   Trên đây là một vài suy nghĩ về xây dựng chính quyền điện tử ở Tuyên Quang, rất mong được bạn đọc nghiên cứu đóng góp ý kiến thảo luận, phản biện để tìm ra con đường tốt nhất xây dựng chính quyền điện tử ở Tuyên Quang.

Nguyễn Đăng Dung, BTV

Lượt xem: 539

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 1980627- Đang online : 1364