• Tin tiêu điểm
› Giới thiệu8/5/2020 15:59

Một số tư liệu về trí thức Tuyên Quang trước năm 1945

Qua các tài liệu lưu trữ khá ít ỏi còn lại và một số công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa … có thể thấy dù ở thời kỳ nào, lịch sử địa phương cũng ghi nhận những trí thức là người Tuyên Quang, hoặc sinh sống, làm việc tại Tuyên Quang; Đó là những nhà nho, nhà thơ, nhà văn, quan lại trong bộ máy chính quyền...

        Là một tỉnh miền núi phía bắc của Tổ quốc Việt Nam; từ xa xưa, Tuyên Quang được biết đến là vùng đất biên viễn, cách xa các trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của đất nước. Vì vậy, thời kỳ phong kiến và Pháp thuộc, so với các tỉnh đồng bằng Tuyên Quang không phải là địa phương có nền giáo dục, thi cử phát triển, không có nhiều người thi cử đỗ đạt, danh nhân hay những người học rộng tài cao nổi tiếng. Tuy nhiên, qua các tài liệu lưu trữ khá ít ỏi còn lại và một số công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa … có thể thấy dù ở thời kỳ nào, lịch sử địa phương cũng ghi nhận những trí thức là người Tuyên Quang, hoặc sinh sống, làm việc tại Tuyên Quang. Đó là những nhà nho, nhà thơ, nhà văn, quan lại trong bộ máy chính quyền...
          Theo nội dung tấm bia  Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi  được phát hiện và lưu giữ tại thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa; thời nhà Lý, Tuyên Quang có Hà Di Khánh là danh thần đời vua Lý Nhân Tông. Hà Di Khánh sinh năm Kỷ Dậu (năm 1069), ông tổ họ Hà là Hà Đắc Trọng vốn là Châu chủ châu Vị Long (nay là vùng Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình), đến Hà Di Khánh là đời thứ sáu của dòng họ thế tập này. Thời kỳ này, triều đình thực hiện chính sách dùng hôn nhân để ràng buộc, thu phục các tù trưởng vùng biên ải, giữ yên bờ cõi; vì vậy, năm lên 9 tuổi, Hà Di Khánh được vua Lý Nhân Tông cho vời về kinh gả công chúa Khâm Thánh cho. Năm sau, ông được phong làm Tả đại liêu ban, nhưng vì tuổi còn nhỏ, ông được cho trở lại quê hương. Năm 1082, ông được rước cô dâu về Vị Long. Trong cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt (năm 1076), cha của ông đem quân truy kích giặc lập công lớn. Năm Hà Di Khánh 18 tuổi, cha mẹ mất nên ông được nối chức cha coi giữ châu Vị Long. Năm 1086, vua giao cho ông giữ chức Tiết độ sứ Kim tử Quang lộc Đại phu, hiệu Thái phó, vẫn giữ chức cũ là Tả đại liêu ban. Sau đó, ông còn được thăng làm Phó ký lang Đô tri Tả vũ vệ Đại tướng quân, Đông trùng Thủ môn hạ Bình chương sự, kiêm Quân nội khuyến nông sự Thái bảo, Thái phó Thượng trụ quốc, hưởng thực ấp 3.900 hộ, thực lộc 900 hộ.
 Năm Đinh Hợi (1007) ông xây dựng chùa Bảo Ninh Sùng Phúc, tấm bia đá của chùa còn lưu lại đến ngày nay khắc bài văn bia viết về giáo lý nhà Phật và công đức của họ Hà cũng như công việc kiến thiết văn hoá của ông tại châu Vị Long. Tác giả của bài văn bia này là Lý Thừa Ân, quê quán chưa rõ, sống vào khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII, làm quan đến chức Triều thỉnh đại phu, Đông thượng cáp môn hậu, Thượng thư viên ngoại lang. Năm Nhâm Tý (1132), được vua cử đi sứ nhà Tống. Việc một vị quan như Lý Thừa Ân trực tiếp soạn văn bia theo ý của Hà Di Khánh cho thấy quan Thái phó họ Hà là người có học thức, vị thế và  mối quan hệ mật thiết với vương triều nhà Lý.

 

Chùa Bảo ninh Sùng phúc tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa. Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam


 
Thời Trần, có ông Quang Bưu người Tuyên Quang, tổ tiên làm quan trải qua các triều Lý, sang triều Trần vẫn được trọng dụng. Con cháu đều được phong hầu. Đến đời vua Trần Thuận Tông (1389 - 1398), ông làm quan đến chức Hành khiển (tương đương chức Tể tướng sau này). Cuối đời vua Trần Thiếu Đế (1398 - 1400), Hồ Quý Ly làm phản, Trần Quang Bưu lập mưu giết Quý Ly nhưng không thành, nên bị hại chết,
Đời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV), có ông Tạ Thông ở xã Yên Hưng, huyện Sùng Yên (nay thuộc huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) nổi tiếng thần đồng, thi đình đỗ Tiến sĩ khoa Ất Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (năm1475), làm quan đến chức Đô Ngự sử đứng đầu Ngự sử đài, là một chức quan rất trọng thời phong kiến.
Năm 1537, Tiến sĩ Ngô Hoành[1] hiệu là Trinh Súc soạn bài ký chữ Hán Hương Nghiêm tự bi ký, bài ký được khắc trên vách đá cửa chùa Hương Nghiêm, còn gọi chùa Hang được xây dựng ở xã An Khang, thành phố Tuyên Quang.  
 Văn học Việt Nam thế kỷ XVI có những tác giả nổi tiếng: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Hàng, Nguyễn Dữ. Thơ văn và tên tuổi các danh nho đã tạo nên “thế chân vạc” trên văn đàn thuở ấy.  Nguyễn Bỉnh Khiêm từ quan về dựng am Bạch Vân bên sông Tuyết Hàn (Hải Dương) ; Nguyễn Dữ tìm vào chốn lâm tuyền Thanh Hoá náu mình; Nguyễn Hàng[2] lấy trấn Đại Đồng, Tuyên Quang làm quê hương, sáng tác nên Đại Đồng phong cảnh phú, Tịch cư ninh thể phú, Tam Ngung động phú và bộ Thiên Nam vân lục liệt truyện… Năm 1565 - 1566, chúa Bầu mời các nho sĩ trong vùng đến dinh thự của mình, mở cuộc thi ngâm vịnh thơ phú nhằm kén dụng nhân tài trong đó có Nguyễn Hàng. Bài Đại Đồng phong cảnh phú của Nại Hiên Nguyễn Hàng giành giải nhất. Họ Vũ muốn mời ông cộng tác, nhưng vì không hám lợi danh, ông trở về nơi vườn ruộng, đọc sách, bàn luận đạo nghĩa. 
Đặng Xuân Bảng (18-7-1828 – 7-2-1910) tự Hy Long, hiệu Thiện Đình và Văn Phủ, quê xã Hành Thiện, phủ XuânTrường, huyện Xuân Thủy, tỉnh Nam Định, đỗ Tiến sĩ năm 1857. Năm 1861, ông là Tri phủ Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang; năm 1864, làm Án sát Quảng Yên. Từ năm 1865 đến năm 1868, ông làm Bố chính Tuyên Quang; năm 1870, làm Tuần phủ Hưng Yên; năm 1872, làm Tuần phủ Hải Dương; năm 1888, làm Đốc học Nam Định. Ông là nhà Nho có khối lượng tác phẩm lớn; kiến thức uyên bác về nho, lý số, binh thư; là cây bút lịch sử, giáo dục, khảo cứu phong tục, địa danh và văn học. Trong thời kỳ sống và làm việc ở Tuyên Quang, ông có tác phẩm Tuyên Quang tỉnh phú và tập thơ  Như Tuyên thi tập. Tác phẩm Tuyên Quang tỉnh phú là một bài bút ký về địa chí bao gồm thiên nhiên, khí hậu, dân cư, phong tục, tập quán, văn hoá, kinh tế, chính trị, quốc phòng của Tuyên Quang được viết vào năm 1861, khi ông đang giữ chức Tri phủ Yên Bình. Bằng sự quan sát con người và cuộc sống cùng những kiến thức lịch sử, văn hóa, người viết đã tạo nên một bức tranh sinh động về đất và người xứ Tuyên gần 200 năm trước.
Năm 1920,  Án sát sứ tỉnh Tuyên Quang là Nguyễn Văn Bân ( một trong 4 quan cấp tỉnh thời Nguyễn, tham mưu  các vấn đề về an ninh, tư pháp, kiện tụng, kỷ cương và trạm dịch cho Tổng đốc) có Bài ký về phong thổ tỉnh Tuyên Quang viết bằng chữ Quốc ngữ  in trên tạp chí Nam Phong. Bài ký là một bức tranh thiên nhiên và phong tục của tỉnh Tuyên Quang  
 Từ năm 1928, với tác phẩm đầu tiên Nước hồ Gươm, nhà văn Lan Khai (1906 - 1945  tên thật là Nguyễn Đình Khải; bút danh: Huệ Khai, Lâm Tuyền Khách, ĐKG, Lan. Sinh tại Bản Luộc, xã Vĩnh Lộc, châu Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang)  đã sáng tác  khá nhiều tác phẩm: Tiểu thuyết tâm lí xã hội (Cô Dung, Lầm than, Tội và thương, Mực mài nước mắt …); tiểu thuyết lịch sử: Ai lên phố Cát, Gái thời loạn, Chiếc ngai vàng, Cái hột mận …); những chuyện ly kỳ nơi rừng núi (Lô Hnồ, Rừng khuya; Tiếng gọi của rừng thẳm, Chiếc nỏ cánh dâu…). Truyện ngắn (Tiền mất lực, Ma thuồng luồng, Con bò dưới thủy tề, Khảm Khắc); kí (Biệt ly, Đèo heo hút gió); lý luận phê bình (Tài hoa…cái lụy ngàn đời, Thiên chức của văn sĩ Việt Nam, Tính cách Việt Nam trong văn chương…).
      
                                  
  Tài liệu tham khảo
  1. Địa chí Tuyên Quang. Nxb Chính trị quốc gia.H. 2015
  2. Từ điển Tuyên Quang. Nxb Chính trị quốc gia.H.2018
  3. Đại Nam nhất thống chí. Nxb Khoa học xã hội, H. 1971
  4. Lê Quý Đôn toàn tập. Nxb Khoa học xã hội, H. 1977, tập 2: Kiến văn tiểu lục,
  5. Việt sử lược.NxbThuận Hóa và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây 1959.
  6. Lịch sử cận đại Việt Nam. Nxb Giáo dục. 1961.
  7. Lịch triều hiến chương loại chí. Nxb Khoa học Xã hội.1992.  
  8. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb Khoa học Xã hội.1993.
 
 
 
[1]Theo tài liệu Các nhà khoa bảng Việt Nam,  Ngô Hoành sống thời Lê, đỗ Tiến sĩ; về sáng tác chỉ còn bài văn bia chùa Hương Nghiêm ở Tuyên Quang.
 
[2] Theo Lê Quý Đôn: Nguyễn Hàng đậu Hương tiến niên hiệu Hồng Thuận khoảng (1509-1516), triều Lê Tương Dực, sau đó theo học ở Quốc tử giám. Sắp thi Hội thì có sự cố Mạc Đăng Dung cướp ngôi vua Lê, lập ra nhà Mạc. Bỏ thi, không cộng tác với “Nguỵ triều”, vị nho sĩ này lui về ở ẩn tại làng Đại Đồng phủ Yên Bình - Tuyên Quang, lấy hiệu là Nại Hiên. Nguyễn Hàng sống và sáng tác ở xứ Tuyên cho đến cuối đời, khi già yếu về mất ở quê cũ tại làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vi, phủ Lâm Thao (Phú Thọ).
Lê Thị Thanh Hiền, Tổng Thư ký LHH

Lượt xem: 1045

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 988778- Đang online : 59