Giáo dục, đào tạo Tuyên Quang thời Pháp thuộc (1884-1945)
Bài tiếp theo bài Tìm hiểu Giáo dục Tuyên Quang thời kỳ phong kiến
1.Giáo dục phổ thông
Dưới thời Pháp thuộc, dân số Tuyên Quang khoảng 75.900 người. Để bảo vệ ách thống trị, thực dân Pháp thực hiện chính sách ngu dân, không coi trọng phát triển văn hóa, giáo dục mà tập trung xây dựng hệ thống đồn bốt, xây dựng bộ máy cai trị, thẳng tay đàn áp phong trào nổi dậy của nhân dân để đảm bảo ách thống trị của chúng. Chúng cho quân phá Văn miếu Ỷ La(2) vì chúng cho rằng nơi đây không chỉ là nơi thờ Khổng Phu Tử mà còn là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm. Chính vì chính sách không coi trọng phát triển giáo dục của thực dân Pháp mà dẫn đến tỷ lệ người dân Tuyên Quang thất học và mù chữ rất cao, chiếm trên 99% dân số. Cho tới trước cách mạng Tháng 8 năm 1945, toàn tỉnh mới có 1 trường chuyên nghiêp (Trường Nông nghiệp thực hành Tuyên Quang)(2), 1 trường dành cho con em người Pháp, 6 trường tiểu học ở các huyện.
Nội dung, chương trình giáo dục cũng mang tính chất nô dịch rõ rệt, không xuất phát từ truyền thống dân tộc, quyền lợi của người dân địa phương mà tập trung phục vụ cho chính sách nô dịch của Pháp với 3 mục đích chính: Đào tạo những người bản xứ phục vụ bộ máy cai trị của chúng; gây tâm lý tự ty, vong bản trong những người đi học, trong thanh thiếu niên, hướng họ trở thành những người ngoan ngoãn phục tùng sự thống trị của chúng; truyền bá tư tưởng phục tùng chính sách nô dịch trong nhân dân. Các tầng lớp nhân dân và ngay cả nhiều người đi học rất phẫn uất khi phải học những bài học nội dung ghi “tổ tiên ta là người GôLoa(3).
2. Giáo dục chuyên nghiệp
Năm 1918, thực dân Pháp cho xây dựng tại Thị xã Tuyên Quang một trường chuyên nghiệp gọi là Trường Nông nghiệp thực hành Tuyên quang (Ecole pratique dagriculture) hay còn gọi là trường Canh nông trực thuộc Sở Canh nông Bắc Kỳ. Đây là trường cao đẳng duy nhất ở Đông Dương lúc đó.
Trường tuyển sinh liên tục các khóa, mỗi khóa học 2 năm. Đối tượng tuyển vào trường là học sinh toàn cõi Đông Dương đã tốt nghiệp tiều học, mỗi khóa chỉ lấy 10 học viên và tuyển chọn rất chặt chẽ, tuy nhiên những năm đầu có những người đã tốt nghiệp thành chung hay tú tài cũng dự tuyển vào học.
Học sinh trúng tuyển lớp chính qui được cấp học bổng toàn phần, được học một nghề chắc chắn, được nghỉ ngơi theo nông lịch (tương đương nghỉ hè).
Ngoài lớp chính qui còn có lớp học sinh tự do. Học sinh lớp này phải nộp tiền ăn, ở.
Về học tập, học sinh học bằng tiếng Pháp do giáo viên người Pháp dạy. Học thực hành do giáo viên người Việt dạy. Trường vừa dạy kỹ thuật, vừa dạy cách quản lý và thực hành kỹ thuật để thông thạo nghiệp vụ sau này có thể truyền bá được nghề nông gọi là học sinh khuyến nông. Thông thường có một buổi học lý thuyết ở trên lớp, một buổi thực hành trên đồng ruộng, mỗi học sinh phụ trách khoảng 20 công nhân
Trường Nông nghiệp thực hành Tuyên Quang khi thành lập do người Pháp lãnh đạo. Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng kiêm luôn Giám đốc, Phó Giám đốc đồn điền thực hành. Hiệu trưởng đầu tiên là ông Amblet, Phó Hiệu trường là ông Moulherat. Cuối năm 1944, người Việt Nam đầu tiên được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng là ông Nguyễn Ngọc Châu. Nhà trường cũng cử các Giám thị, Quản đốc người Việt. Ông Vũ Quốc Chinh là Tổng Giám thị, nhà gần trường; Ông Lê Văn Oanh là Quản đốc ở ngay trong trường.
Một số cán bộ, học sinh của trường sớm giác ngộ và tham gia phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo. Thông qua hoạt động hướng đạo sinh, tổ chức đá bóng… để quyên tiền làm việc thiện. Học sinh còn tổ chức các đêm lửa trại, tổ chức diễn các vở kịch mang đậm tinh thần yêu nước như: Lam Sơn tụ nghĩa, Hội nghị Diên Hồng.
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, Phó Hiệu trưởng người Pháp là Moulherat bỏ trốn, một số học sinh bỏ về quê, một số vào khu giải phóng tham gia cách mạng.
Trước tình hình đó, Châu ủy Hồng Thái (bí danh của Việt Minh phủ Yên Sơn) cử ông Ký Tuyết (tức Nguyễn Văn Tuyết), quê tỉnh Thái Bình, nguyên là học sinh cũ của trường về bắt liên lạc với phong trào Việt Minh tại trường. Ông gặp các viên chức tiến bộ như Nguyễn Khắc Trung, Lê Văn Oanh, Nguyễn Văn Đào, Lê Văn Mai, Nguyễn Chí Nhì… thỏa thuận lập Hội Nông dân cứu quốc trong trường, đặt bí danh là xã Thượng Trứ. Tổ chức Việt Minh tại đây đã trực tiếp lãnh đạo quần chúng trong trường đoàn kết chống phát xít Nhật.
Thời gian đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, một số cơ quan của Trung ương đã đặt trụ sở tạm thời tại trường như Bộ Canh nông do ông Cù Huy Cận làm Bộ trưởng. Đến năm 1947, Bộ Canh nông mới chuyển vào làng Chanh, xã Thái Bình, huyện Yên Sơn. Ngoài bộ Canh nông còn có xưởng vũ khí Z1 đã đóng, sản xuất vũ khí tại đây từ năm 1946-1947, Nha Thông tin do ông Trần Văn Giầu làm Giám đốc đã đóng tại đồn điền của trường từ cuối năm 1950 đến đầu năm 1951.
Qua tư liệu trên, chúng ta thấy Trường Canh nông Tuyên Quang là một trường chuyên nghiệp đầu tiên được thành lập trên đất Tuyên Quang. Mặc dù là trường do thực dân Pháp thành lập nhưng học sinh và công chức người Việt tại đây luôn mang trong mình tinh thần yêu nước, chống thực dân xâm lược, sớm giác ngộ đi theo phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo, một số trở thành những cán bộ cốt cán của Đảng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Lượt xem: 795
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"