Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang
Đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ, công chức cơ sở nói riêng là một trong những khâu quan trọng của công tác cán bộ
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng và xây dựng Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quan tâm đặc biệt đến công tác cán bộ. Bác Hồ đã từng khẳng định: “ cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “ công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém". Là một tỉnh miền núi, trong những năm qua, cùng với cả nước, Tuyên Quang đã và đang từng bước đổi mới toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội. Đối với công tác cán bộ, nhận thức rõ tầm quan trọng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn), Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chủ trương đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói chung, đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị nói riêng với những chủ trương, giải pháp đồng bộ. Đến nay, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn) đã có bước tiến bộ đáng kể, là nhân tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng ở địa phương.
Trường Chính trị tỉnh có chức năng tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cấp cơ sở, cán bộ, công chức của tỉnh về lý luận chính trị - hành chính; đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; chuyên môn, nghiệp vụ về công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; kiến thức về pháp luật, quản lý nhà nước và một số lĩnh vực khác mà Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao. Trong những năm qua, thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, nhiệm kỳ 2010 - 2015 đề ra về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của tỉnh, Trường Chính trị tỉnh đã đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính cho 2.271 học viên, bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, cán sự cho 2.075 học viên. Ngoài ra còn thực hiện các nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng khác do Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao như: Bồi dưỡng tiếng dân tộc Mông, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố; bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Đảng cho Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy và người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cơ sở; bồi dưỡng phương pháp giảng dạy lý luận chính trị và bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc đối tượng 4 (theo Kế hoạch số 79-KH/TU ngày 24/7/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy) với hơn 3.947 học viên. Song song với nhiệm vụ đào tạo, nhà trường còn có sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I quản lý 03 lớp cao cấp lý luận chính trị - hành chính với tổng số 326 học viên
Kết quả đào tạo, bồi dưỡng của nhà trường đã đóng góp vào kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh: Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã trên toàn tỉnh hiện nay có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên chiếm 95,4% (trong đó đại học, cao đẳng 52%, trên đại học 0,3%); có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên 95,8% (trong đó cao cấp, cử nhân 0,6%)* Để có được kết quả trên, trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà trường luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Nhà trường cũng luôn chủ động tham mưu với các cấp có thẩm quyền trong xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và có sự phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành có liên quan như Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ và các huyện ủy, thành ủy để đảm bảo tính khả thi. Trình độ chuyên môn, năng lực công tác của đội ngũ giảng viên dần đáp ứng yêu cầu công tác giảng dạy. Đảng ủy, Ban Giám hiệu đã quan tâm đúng mức và tập trung lãnh đạo đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng "Cơ bản, thiết thực, gắn với thực tiễn" nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, nghiên cứu thực tế phục vụ có hiệu quả công tác dạy và học; sự đoàn kết, nhất trí và nỗ lực cố gắng vượt qua mọi khó khăn của tập thể cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập được đầu tư, nâng cấp.
Thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW, ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý” và Kết luận số 117-KL/TW ngày 20/11/2015 của Ban Bí thư “về công tác đào tạo, bồi dưỡng tại các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương”, trong thời gian tới, Trường Chính trị tỉnh tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:
- Tiếp tục thực hiện Quyết định số 184-QĐ/TW ngày 03/9/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa X “về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
- Tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; xây dựng chương trình hành động, kế hoạch, biện pháp cụ thể để tổ chức thực hiện nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao hằng năm. Chủ động tham mưu, đề xuất kịp thời với các cấp lãnh đạo trong quá trình thực hiện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhà trường
- Tổ chức triển khai và nghiêm túc thực hiện các quy chế, quy định quản lý đào tạo do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh ban hành; hướng dẫn của Bộ Nội vụ về nội dung, chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; các quy định của Đảng về đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ, đảng viên. Chủ động phối hợp tốt với các Học viện, các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố trong tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng .
- Tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn. Chú trọng công tác quản lý chuyên môn, sinh hoạt chuyên môn, rút kinh nghiệm về nội dung, phương pháp giảng dạy. Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, phấn đấu 100% giảng viên áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, chú trọng tính tích cực, chủ động của học viên; tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, xây dựng đề án đưa giảng viên đi nghiên cứu thực tế tại cơ sở trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy phê duyệt và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt
- Phối hợp chặt chẽ với cơ quan công tác của học viên trong quản lý học viên, gắn đào tạo với rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, tác phong của cán bộ, đảng viên trong thời gian học tập tại trường.
- Tăng cường công tác quản lý và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được trang bị, tiếp tục bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện dạy học để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Phát huy những kết quả đã đạt được, cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường quyết tâm khắc phục khó khăn để phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng mà Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh giao, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
* Nguồn : Tạp chí Xây dựng Đảng, số 8/2015
Lượt xem: 1134
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"