Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV26/7/2018 14:46
Vai trò của đội ngũ trí thức tỉnh Tuyên quang trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, cùng với nhân dân các dân tộc, đội ngũ trí thức tỉnh đã có đóng góp quan trọng và ngày càng khẳng định vai trò nòng cốt, là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, phát triển tỉnh.
Tuyên Quang là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tổ quốc. Dân số (tính đến cuối năm 2017) có trên 80 vạn người, với 22 dân tộc.
Theo số liệu thống kê, tính đến 31/12/2016, đội ngũ trí thức của tỉnh (chỉ tính những người có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên, đang làm
việc tại các lĩnh vực trên địa bàn tỉnh) có trên 13,8 vạn người, trong đó 1.027 người có trình độ thạc sỹ và tương đương (bằng 7,42%), 26 người có trình độ tiến sỹ, (bằng 0,187%). Ngoài số đang làm việc tại tỉnh, còn có hàng ngàn người có trình độ đại học trở lên đang làm việc ở các tỉnh bạn, trong đó có người là giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ đang làm việc tại các trường đại học, trung tâm khoa học lớn của quốc gia.
Đóng góp và ảnh hưởng của đội ngũ trí thức đối với quá trình xây dựng, phát triển của tỉnh là rất quan trọng và to lớn, thể hiện:
1. Trên lĩnh vực phát triển kinh tế:
Đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực kinh tế: (chỉ có tính chất tương đối vì có nhiều trí thức hoạt động trong các lĩnh vực khác nhưng cũng có đóng góp rất quan trọng trong lĩnh vực phát triển kinh tế). Đóng góp của trí thức hoạt động trong lĩnh vực này là đã góp phần đưa kinh tế của tỉnh ra khỏi khủng hoảng (1990) và liên tục đạt mức tăng trưởng khá, góp phần mang tính quyết định ổn định và cải thiện đời sống nhân dân. Tính từ năm 1995 đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh liên tục tăng với mức khá cao: thời kỳ 1996- 2000 là 8,78%/ năm; từ 2001-2005 là 11,04%/ năm; từ 2006 đến 2010 là 13,53%/năm và từ 2011 đến 2015 là 14,08 %/năm. Tỉnh đã ra khỏi tình trạng kém phát triển (năm 2015) và đang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực Miền núi phía Bắc.
Sau đây là những đóng góp nổi bật của đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực này:
Trong lĩnh vực nông lâm nghiệp đội ngũ trí thức đã chọn lọc, đưa các giống cây trồng, vật nuôi năng suất cao, chất lượng tốt, đưa kỹ thuật canh tác tiên tiến vào sản xuất. Kết quả làm thay đổi căn bản nền nông nghiệp của tỉnh từ sản xuất tự cấp, tự túc, quảng canh, năng suất, hiệu quả thấp sang sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, hiệu quả cao hơn. Lấy một số kết quả đạt được để minh chứng cho nhận định trên: Năm 1990, năng suất lúa bình quân toàn tỉnh 2,23 tấn ha; năng suất ngô bình quân 1,5 tấn/ha; sản lượng lương thực (lúa, ngô) 9,914 vạn tấn; lương thực (lúa, ngô) sản xuất ra bình quân/người đạt 175 kg/người/năm (chưa đủ cân đối nhu cầu lương thực tại chỗ cho dân số trong tỉnh) thì đến 2016, năng suất lúa bình quân 5,855 tấn/ha, gấp 2,62 lần; năng suất ngô 4,38 tấn/ha, gấp 2,92 lần; sản lượng lương thực (lúa, ngô) 34,465 vạn tấn, gấp 3,47 lần; bình quân lương thực (lúa, ngô) 440 kg/người, gấp 2,52 lần, đủ cân đối nhu cầu lương thực tại chỗ cho người, có dự trữ và phục vụ chăn nuôi.
Các loại cây trồng, vật nuôi khác đều đạt được tiến bộ rất lớn về giống, năng suất, chất lượng, kỹ thuật canh tác, tăng mạnh về giá trị và chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa.
Những tiến bộ về sản xuất nông lâm nghiệp đã thay đổi căn bản sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống nông dân và là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh chuyển dịch sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn nói riêng, nền kinh tế của tỉnh nói chung sang hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp đã góp phần đề xuất, lập các phương án chuyển đổi mô hình quản lý, dự án đầu tư phát triển. Các khu, cụm công nghiệp bước đầu hình thành, cơ sở sản xuất công nghiệp tăng nhanh, đưa sản xuất công nghiệp chuyển hẳn sang mô hình sản xuất hàng hóa theo cơ chế thị trường, có sự định hướng, quản lý của nhà nước với nhiều thành phần kinh tế tham gia. Giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 1996 – 2000 tăng bình quân 12,95% /năm, từ 2001-2005 tăng bình quân 16%/năm, từ 2006 đến 2010 tăng bình quân 21,5% /năm và từ 2011-2015 tăng bình quân 25%/năm, góp phần chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế của tỉnh sang hướng công nghiệp - dịch vụ.- nông lâm ngiệp. Chỉ tính năm 2016 so với năm 2010, giá trị sản xuất công nghiệp đã tăng 2,5 lần.
2. Trên lĩnh vực văn hóa-xã hội.
Đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực này đã góp phần quan trọng nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thông tin, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo đã góp phần có tính quyết định vào sự phát triển nền giáo dục tỉnh nhà. Nhận thức sâu sắc giáo dục - đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là nhân tố quyết định tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội, đầu tư cho giáo dục đào tạo là đầu tư cho phát triển nên tuy kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng cấp ủy, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh rất quan tâm đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Tính đến nay, đội ngũ giáo viên có khoảng 12.730 người, chiếm khoảng 2,6% số lao động đang làm việc trong các khu vực của tỉnh. Tỉnh đã có đầy đủ các bậc học từ mầm non đến đại học với 454 cơ sở giáo dục - đào tạo cơ bản được kiên cố hóa, đáp ứng được nhu cầu học tập văn hóa và một phần nhu cầu đào tạo nghề, đào tạo bậc đại học của con em các dân tộc trong tỉnh. Tuyên Quang là tỉnh miền núi đầu tiên và là tỉnh thứ 9 trong toàn quốc hoàn thành phổ cập bậc tiểu học (năm 1995), là tỉnh thứ 20 trong toàn quốc hoàn thành phổ cập bậc trung học cơ sở .
Đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực y tế ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật, lao động, trong đó lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên phát triển về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tính đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có 170 cơ sở y tế, tăng 38 cơ sở so với năm 1990; số cán bộ y tế (chưa kể ngành dược) có 1743 người, tăng 863 người so với năm 1990, trong đó bác sỹ có 513 người, tăng 291 người so với năm 1990. Nhiều tiến bộ khoa học và kỹ thuật cao, chuyên sâu đã được áp dụng thành công, tạo đột phá trong chẩn đoán, điều trị bệnh như thực hiện các ca phẫu thuật khó, phức tạp ngay tại tuyến tỉnh; thực hiện thành công kỹ thuật điện di truyền huyết sắc tố, định nhóm máu trước khi truyền máu, tách tiểu cầu, xét nghiệm sinh học phân tử, kỹ thuật xét nghiệm HbeAg miễn dịch tự động, chụp cắt lớp vi tính 128 dãy mạch máu, điều trị tiêu sợi huyết trong nhồi máu não, phẫu thuật cắt thùy phổi, phẫu thuật mở thận Bivale có hạ nhiệt lấy sỏi, phẫu thuật nội soi khớp, thay khớp háng
(1)…
Đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Văn hóa, văn học, nghệ thuật, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, thông tin tuyên truyền văn hóa…Những đóng góp nổi bật mà các trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn hóa là đã góp phần quan trọng giáo dục truyền thống, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, đất nước, qua đó góp phần quan trọng xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng con nguời có trách nhiệm và khát vọng vươn lên xây dựng quê hương, đất nước. Ngày càng có nhiều tác phẩm sáng tạo văn học, nghệ thuật không chỉ có tính nghệ thuật tốt mà còn có sức lan tỏa giáo dục tư tưởng, đạo đức sâu sắc, được công chúng ghi nhận; có những tác phẩm đạt các giải thưởng cao trong nước và quốc tế.
3. Đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh đã tham mưu và trực tiếp tổ chức triển khai hiệu quả nhiệm vụ xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đó là cơ sở quan trọng để có môi trường ổn định phát triển kinh tế xã hội.
4. Đội ngũ trí thức làm công tác quản lý, lãnh đạo đã phát huy tốt tri thức được đào tạo, kinh nghiệm hoạt động tực tiễn, đã và đang là nòng cốt quan trọng trong hoạch định, lãnh đạo, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, thể hiện trên các mặt:
Đã tham gia tư vấn, hoạch định và trực tiếp lãnh đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả, chất lượng các các dự án qui hoạch, kế hoạch, chương trình; hoạch định, ban hành các quyết sách lớn về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh như: Qui hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội, qui hoạch ngành, vùng, các khu cụm công nghiệp… Trên cơ sở các qui hoạch, cơ chế, chính sách lớn nêu trên, đã lãnh đạo, tổ chức xây dựng các vùng chuyên canh, các khu cụm công nghiệp, dịch vụ du lịch lớn như vùng cây nguyên liệu giấy, vùng trồng cây gỗ lớn, vùng cây công nghiệp dài ngày (cây chè), vùng trồng cây công nghiệp ngắn ngày (mía, lạc), vùng chăn nuôi bò sữa, các khu, cụm công nghiệp ở các huyện, các khu du lịch lịch sử, sinh thái, định hướng kế hoạch phát triển kinh tế xã hôi hàng năm …
Cùng với tham gia hoạch định, định hướng phát triển mang tính chiến lược, đội ngũ trí thức hoạt động trong lĩnh vực quản lý, lãnh đạo đã trực tiếp soạn thảo các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế xã hội như: khuyến khích đầu tư, khuyến công, khuyến nông, phát triển kinh tế nông thôn, các vùng sản xuất hàng hóa, phát triển giáo dục- đào tạo, xóa đói giảm nghèo… Các chủ trương, chính sách, kế hoạch trên sau khi ban hành đã góp phần cụ thể hóa các định hướng chiến lược, nguồn lực được huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả hơn, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, …
Những thành tựu đạt được của tỉnh trong những năm qua là công sức của toàn hệ thống chính trị, của nhân dân trong đó có đóng góp to lớn và quan trọng của đội ngũ trí thức.
Tuyên Quang đã từng là Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến. Để xứng đáng với truyền thống và quê hương cách mạng, đưa Tuyên Quang tiến mạnh lên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành vùng đất giầu về kinh tế, vững mạnh về chính trị, quốc phòng, an ninh, cùng với việc nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, mở rộng hợp tác liên kết, cần tiếp tục rà soát, bổ sung chủ trương, chính sách, cơ chế để huy động, khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý hơn mọi nguồn lực; cần chú trọng xây dựng đội ngũ trí thức có số lượng, cơ cấu hợp lý, đặc biệt quan tâm đào tạo về chất lượng, gắn liền là chính sách sử dụng, đãi ngộ hợp lý. Trong hoàn cảnh hiện nay khi điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn chưa giải quyết ngay được điều kiện vật chất tương xứng với cống hiến của trí thức thì việc đặt lên hàng đầu là động viên về tinh thần, tư tưởng, tạo môi trường dân chủ đối với trí thức. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết về cách ứng xử:
“Xử thế từ xưa không phải dễ
Mà nay, xử thế khó khăn hơn(2).
Việc xử thế chính là cốt lõi của công tác tư tưởng, tâm lý đối với con người, trong đó có trí thức.
Cũng phải đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm của trí thức đối vớí sự nghiệp xây dựng tỉnh, mảnh đất sinh ra và nuôi dưỡng mình trưởng thành. Vì vậy, đội ngũ trí thức phải đồng cảm với hoàn cảnh quê hương, phải nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí, trách nhiệm đối với sự phát triển của quê hương, từ đó không ngừng học tập, rèn luyện, quyết vượt mọi khó khăn để vươn lên nâng cao trình độ mọi mặt; phải thật tự giác làm việc, làm việc với trách nhiệm cao, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công cuộc xây dựng tỉnh. Chỉ có như vậy mới là người trí thức chân chính, mới xứng đáng là trí thức của quê hương cách mạng, quê hương Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến.
(1) Theo trang tin điện tử của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tuyên Quang
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.3, Tr. 311
Giang Văn Huỳnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật
Lượt xem: 1040