Một nghiên cứu của PGS.TS Bạch Ngọc Thắng từ Đại học Kinh tế Quốc dân và cộng sự đã cho thấy, những hạn chế trong tiếp cận tín dụng cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả nộp thuế của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam năm 2018, các DNNVV chiếm khoảng 40% GDP và 60% việc làm trong nền kinh tế quốc gia. Thế nhưng, những doanh nghiệp này, đặc biệt là các hộ kinh doanh cá thể, thường không có báo cáo tài chính rõ ràng, minh bạch, khiến các cơ quan thuế khó xác định và thu thuế với nhóm doanh doanh nghiệp này.
Trước hiện trạng đó, nhiều người tin rằng các doanh nghiệp đang này đang cố tình gian lận để làm giảm nghĩa vụ thuế. Ví như câu chuyện nhiều cửa hàng, hộ kinh doanh hiện nay đề nghị khách chỉ thanh toán bằng tiền mặt mà không nhận chuyển khoản, đang làm dấy lên nghi ngờ rằng “phải chăng đây là một hành động nhằm trốn, tránh thuế?”. Tuy nhiên, liệu động cơ đằng sau của những hộ kinh doanh này nói riêng, hay DNNVV nói chung, có phải chỉ vì “lòng tham” muốn thu được nhiều lợi nhuận hơn hay còn lý do nào khác?
Một nghiên cứu mới được công bố vào tháng ba vừa qua trên tạp chí Economic Systems do PGS. TS Bạch Ngọc Thắng tại Đại học Kinh tế Quốc dân và cộng sự thực hiện đã góp phần trả lời câu hỏi này.
Khó khăn tín dụng và nghĩa vụ thuế
PGS. TS Bạch Ngọc Thắng từ lâu đã quan tâm nghiên cứu vấn đề của các DNNVN, vốn “dễ bị tổn thương bởi các tác động kinh tế, gặp phải hạn chế khi tiếp cận tài chính, tín dụng… cũng vì thế mà nhiều doanh nghiệp có ý tưởng kinh doanh tốt nhưng không triển khai được”. Chính điều này đã khiến anh đặt câu hỏi về mối liên kết giữa nghĩa vụ đóng thuê và tình trạng tài chính bấp bênh của các DNBVN.
Kết quả từ nghiên cứu của PGS. TS Bạch Ngọc Thắng cho thấy rằng một trong những nguyên nhân quan trọng nhưng khiến doanh nghiệp giảm nộp thuế đó là bị ràng buộc tín dụng - tức gặp khó khăn trong việc vay vốn từ ngân hàng.
Cũng cần nói thêm rằng, “nghiên cứu không tập trung vào hành vi trốn hay tránh thuế của doanh nghiệp vì xác định điều này rất khó, mà chỉ đơn giản là xác định xem doanh nghiệp có giảm nộp thuế hay không”- PGS.TS Bạch Ngọc Thắng cho biết. Trong đó, “giảm nộp thuế” sẽ không chỉ bao gồm các hành vi phi pháp mà cả hợp pháp thông qua việc tận dụng mọi quy định của pháp luật như giảm thuế, miễn thuế, khấu trừ thuế, hoãn thuế…để đóng thuế ít đi.
Nghiên cứu của PGS. TS Bạch Ngọc Thắng sử dụng dữ liệu từ Khảo sát Doanh nghiệp vừa và nhỏ (khảo sát SMEs), được thực hiện định kỳ hai năm một lần trong giai đoạn 2009- 2015. Giải thích về bộ dữ liệu này, PGS. TS Bạch Ngọc Thắng cho biết “Giai đoạn này có thể hơi cũ nhưng là giai đoạn mà các DNNVV tại Việt Nam rất phát triển, đặc biệt là sự kiện thắt chặt tín dụng năm 2011 có thể có ảnh hưởng lớn tới khả năng tiếp cận của các DNNVV”. Ngày 24/2/2011, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về “Những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”. Theo đó, ngân hàng nhà nước phải điều tiết để tốc độ tăng trưởng tín dụng dưới 20%, ưu tiên tín dụng cho một số ngành kinh doanh như nông nghiệp, xuất khẩu.. Và hạn chế tín dụng cho một số ngành như chứng khoán, bất động sản…
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có hai loại DNNVV chịu ràng buộc về tín dụng là doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn nhưng bị từ chối và doanh nghiệp “e dè”, không nộp hồ sơ vay vốn. “Với những doanh nghiệp bị từ chối, họ có thể bị từ chối hoàn toàn, hoặc muốn vay năm khoản nhưng chỉ được phê duyệt hai khoản, muốn vay 10 tỷ nhưng chỉ được phê duyệt 2-3 tỷ… Có nhiều lý do khiến họ bị từ chối tùy theo đánh giá dựa trên nghiệp vụ của các ngân hàng, nhưng dễ thấy nhất là do các doanh nghiệp này không có báo cáo tài chính rõ ràng và không có tài sản thế chấp. Nhóm doanh nghiệp thứ hai thì không nộp hồ sơ vay vốn do nghĩ rằng hồ sơ sẽ không được duyệt, họ cũng là nhóm doanh nghiệp chịu ràng buộc tín dụng” PGS. TS Bạch Ngọc Thắng cho biết.
Thông qua phân tích, nghiên cứu đã chỉ ra rằng có mối quan hệ ngược chiều giữa ràng buộc tín dụng đối với nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp, nghĩa là, doanh nghiệp càng bị ràng buộc tín dụng, doanh nghiệp càng có xu hướng trì hoãn nộp thuế hoặc nỗ lực nhằm nộp mức thuế thấp nhất có thể “bởi vì số thuế phải nộp giảm đi nghĩa là số vốn doanh nghiệp có thể sử dụng cho các chi tiêu khác sẽ tăng lên” - PGS.TS Bạch Ngọc Thắng chia sẻ. Trong đó, những doanh nghiệp bị từ chối thể hiện mức độ ảnh hưởng lớn hơn so với những doanh nghiệp e dè.
Để có được cái nhìn chi tiết hơn, nghiên cứu còn so sánh tác động của khó khăn tín dụng đến nghĩa vụ thuế của các nhóm doanh nghiệp khác nhau: như giữa doanh nghiệp trưởng thành và doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh chính thức so với hộ kinh doanh, doanh nghiệp có đầu tư so với doanh nghiệp không có đầu tư, doanh nghiệp được kiểm toán và doanh nghiệp không kiểm toán. Kết quả khá bất ngờ, khi khó tiếp cận vốn, chính các doanh nghiệp trưởng thành, có đăng kí kinh doanh, có đầu tư và được kiểm toán lại có xu hướng giảm nghĩa vụ nộp thuế nhiều hơn các doanh nghiệp trẻ và hoạt động “ít bài bản”.
Lý giải về kết quả này, PGS. TS Bạch Ngọc Thắng nói: “Nếu phân loại doanh nghiệp theo ràng buộc tín dụng, nhóm các doanh nghiệp trưởng thành, có đầu tư, có đăng ký kinh doanh chính thức sẽ thuộc loại bị từ chối (thay vì e dè). Những doanh nghiệp này thường có nhu cầu về vốn cao hơn, do vậy, khó khăn tín dụng sẽ ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế của họ lớn hơn”. Tuy nhiên, sự khác biệt trong ảnh hưởng lên nhóm doanh nghiệp được kiểm toán và doanh nghiệp không kiểm toán vẫn chưa được giải thích trong nghiên cứu. PGS. TS Bạch Ngọc Thắng hy vọng rằng có thể có những nghiên cứu bổ sung trong tương lai để giải đáp kết quả này.
Ý nghĩa về chính sách
Những hiểu biết mà nghiên cứu này đem lại cho thấy một hướng đi mới cho những hoạch định chính sách về thu thuế doanh nghiệp về sau. Có thể thấy, những hoạch định thuế của DNNVV có thể không xuất phát từ “lòng tham”, muốn giữ lại được nhiều lợi nhuận hơn mà có thể do gặp khó khăn khi tiếp cận tín dụng và muốn có được nguồn vốn để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Chính vì vậy, thay vì chỉ tập trung vào những chính sách, hoạt động nhằm siết thu thuế với doanh nghiệp, các cơ quan nên có thêm những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn tín dụng. Một chính sách liên thông, có sự kết hợp của cả ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan thuế sẽ giúp giải quyết được tận gốc vấn đề và đem đến hiệu quả lâu dài. Nếu có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, họ sẽ bớt bị ràng buộc tín dụng và từ đó, giảm xu hướng hoạch định thuế để giảm nghĩa vụ thuế. “Nếu cứ nghĩ doanh nghiệp cố tình trốn tránh nghĩa vụ thuế rồi tìm cách siết thuế mà không hiểu được nguyên nhân sâu xa thì các chính sách, biện pháp đưa ra sẽ không đem đến hiệu quả lâu dài được”- PGS. TS Bạch Ngọc Thắng nhận xét.
PGS. TS Bạch Ngọc Thắng cũng cho biết, trong tương lai ông sẽ tiếp tục thêm các nghiên cứu liên quan đến các DNNVV, để có được cái nhìn chi tiết hơn, tổng quan hơn về khối doanh nghiệp này, sau đó, đưa ra những khuyến nghị giúp họ phát triển. “Không chỉ tín dụng, còn có nhiều khó khăn mà DNNVV còn gặp phải trong quá trình phát triển như văn hóa doanh nghiệp, cách thức quản trị, quản lý dòng tiền…” PGS. TS Bạch Ngọc Thắng nói.
Theo khoahocphattrien.vn