Làm công việc không phù hợp với chuyên ngành được đào tạo hoặc/và công việc dưới trình độ đều ảnh hưởng đến mức thu nhập của người lao động.
Sau khi Việt Nam bắt đầu mở rộng giáo dục sau phổ thông từ những năm 1990, tỷ lệ nhập học vào các cơ sở đại học, cao đẳng, trung cấp trên tổng số người trong đội tuổi học sau phổ thông đã tăng lên đáng kể - từ 10,30% lên khoảng 29% trong giai đoạn 2000 đến 2009. Sự phát triển này đặt ra câu hỏi, liệu sinh viên tốt nghiệp có tìm được công việc phù hợp với trình độ và chuyên ngành của họ hay không.
Để góp phần tìm câu trả lời, nhóm tác giả đến từ Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đã tiến hành một nghiên cứu về hai tình trạng không phù hợp giữa học vấn và công việc: người lao động có học vấn cao hơn so với yêu cầu của công việc (sự không phù hợp theo chiều dọc), và người lao động làm công việc trái với lĩnh vực được đào tạo (sự không phù hợp theo chiều ngang).
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu về hơn 139.000 người tốt nghiệp đại học, có độ tuổi dưới 61 và làm việc ở vị trí nhân viên (không làm việc ở vị trí quản lý hay chủ doanh nghiệp), trích từ Khảo sát Lực lượng Lao động (LFS) 2018- 2021, do Tổng cục Thống kê thực hiện.
Công việc của những người tham gia được chia thành 12 nhóm ngành, bao gồm: Giáo dục/ Sư phạm; Nghệ thuật/ Nhân văn; Khoa học xã hội; Báo chí/ Thông tin; Kinh doanh/ Quản trị; Luật; Khoa học/ Toán/ Khoa học máy tính; Kỹ thuật; Nông nghiệp/ Thú y; Y học/ Sức khỏe; Quốc phòng/ An ninh; Các dịch vụ khác.
Kết quả, nghiên cứu cho thấy, 10,63% lao động thể hiện sự không phù hợp theo chiều dọc. Sự không phù hợp theo chiều dọc cũng có sự khác nhau giữa các nhóm ngành nghề. Các nhóm ngành như sư phạm, nghệ thuật và nhân văn, khoa học/toán học/khoa học máy tính thể hiện tỷ lệ không phù hợp thấp nhất - khoảng 0,11% đến 3,4%. Các lĩnh vực dịch vụ và khoa học xã hội thể hiện tỷ lệ không phù hợp cao nhất - lần lượt là 26% và 21%.
Sự mất cân bằng giữa học vấn và công việc của người lao động có xu hướng tăng lên. Ảnh minh hoạ: istock
Tỷ lệ không phù hợp theo chiều ngang trung bình là 16,71%. Lĩnh vực quốc phòng và an ninh có tỷ lệ lao động tốt nghiệp không phù hợp theo chiều ngang cao nhất (khoảng 66,11%), tiếp theo là các dịch vụ khác (khoảng 52,7%). Ba nhóm ngành thể hiện tỷ lệ thấp nhất là giáo dục và sư phạm, kinh doanh và quản lý, y học và sức khỏe, với tỷ lệ dao động từ hơn 6% đến dưới 8%.
Đặc biệt, có khoảng 8,84% người lao động trong toàn bộ mẫu thể hiện sự không phù hợp hoàn toàn, nghĩa là, không phù hợp theo cả chiều ngang lẫn chiều dọc. Nông nghiệp và khoa học thú y là lĩnh vực có tỷ lệ không phù hợp hoàn toàn cao nhất, khoảng 27,6%; tiếp theo là nghệ thuật và nhân văn với khoảng 23,5%.
Đồng thời, các tỷ lệ này cũng có xu hướng tăng lên trong giai đoạn 2018-2021. Tỷ lệ lao động làm công việc trái với lĩnh vực được đào tạo tăng từ 13,75% lên 16,71%; trong khi tỷ lệ lao động thừa trình độ tăng từ 9,77% lên 10,63%. Tỷ lệ những người không phù hợp hoàn toàn cũng tăng từ 7,86% lên 8,84%.
Sự không phù hợp giữa học vấn và công việc ảnh hưởng đến mức lương của người lao động. Những người làm công việc dưới trình độ có thu nhập ít hơn 14,6% so với những người phù hợp hoàn toàn - những người làm công việc phù hợp với cả học vấn lẫn chuyên môn đào tạo. Những người làm công việc không phù hợp hoàn toàn có thu nhập ít hơn 12,4% so với người phù hợp hoàn toàn. Trong khi đó, chênh lệch mức lương giữa những người làm việc trái với lĩnh vực được đào tạo không thể hiện ý nghĩa thống kê.
Từ kết quả trên, nghiên cứu đề xuất một số biện pháp để giảm thiểu sự mất cân bằng như đầu tư vào các chương trình đào tạo tại chỗ, giúp người lao động lấp đầy khoảng cách kỹ năng; xem xét lại việc mở rộng tuyển sinh ở những ngành có tỷ lệ không phù hợp cao, tránh lãng phí nguồn lực…
Bên cạnh đó, nhóm tác giả cũng chỉ ra những công cụ sử dụng trong nghiên cứu này vẫn chưa ước tính tiền lương trọn đời và chưa xem xét đến công việc đầu tiên sau tốt nghiệp của người lao động và đề xuất rằng đây có thể là hướng đi cho những nghiên cứu khác trong tương lai.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí International Journal of Educational Development.
Theo khoahocphattrien.vn