Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV15/8/2018 14:28
"Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ" không phải chịu trách nhiệm hình sự
Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm một số tình tiết mới thuộc trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự , trong đó có tình tiết "Rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ"
Ngày 27 tháng 11 năm 2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 và ngày 21 tháng 6 năm 2017 tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13. Việc Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự số 100 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 là sự kiện đánh dấu một bước tiến quan trọng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm có hiệu quả; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay ở nước ta.
Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 0 giờ ngày 1/1/2018. Về cơ cấu, Bộ luật gồm có 26 chương với 426 điều, được thiết kế thành 3 phần. Về nội dung, có rất nhiều điểm mới; nhìn tổng thể thì Bộ luật Hình sự năm 2015 được xác định là sửa đổi cơ bản và toàn diện so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Trong tổng số 426 điều thì có 72 điều mới được bổ sung, 363 điều được sửa đổi, bổ sung, chỉ giữ nguyên có 16 điều và bãi bỏ 7 điều hoặc tách ra thành những tội khác; đặc biệt là bổ sung mới 2 chương ở Phần những quy định chung đó là Chương IV "Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự" và Chương XI "Quy định đối với pháp nhân thương mại".
Trong Chương IV "Những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự", ngoài việc kế thừa các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sự kiện bất ngờ; Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự; Phòng vệ chính đáng và Tình thế cấp thiết) thì Bộ luật Hình sự năm 2015 bổ sung thêm một số tình tiết mới như "Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên".
Như vậy, những "Rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ" là một trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự kể từ 0 giờ ngày 1/1/2018. Tại điều 25, Bộ luật quy định: "Hành vi gây thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.
Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự".
Đây là trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự mới được bổ sung trong Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ. Đặc thù của lĩnh vực này là chứa đựng nhiều rủi ro, cần thí nghiệm nhiều lần, phải chấp nhận xác suất rủi ro…trong đó có những rủi ro nằm ngoài khả năng khắc phục cũng như mong muốn của con người. Để phù hợp với tính chất nghề nghiệp và khuyến khích việc sáng tạo, nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học, Điều luật quy định nếu trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ gây ra rủi ro thì không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa. Thực ra, đây là một dạng gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết, bởi vì khi chủ thể gây thiệt hại trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ sẽ gây một thiệt hại nhỏ nhằm đạt đến một lợi ích lớn hơn. Điều kiện người gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới không phải chịu trách nhiệm hình sự là họ phải tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa. Ví dụ: một bác sĩ thú y áp dụng kỹ thuật và một loại thuốc mới để chữa bệnh cho gia súc. Trong quá trình chữa bệnh, bác sĩ đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa và thí nghiệm nhiều lần đều cho kết quả tốt, nhưng trong một lần thí nghiệm bác sĩ đã làm chết một con gia súc, gây thiệt hại cho người nuôi. Hành vi gây thiệt hại của bác sĩ thú y không phải chịu trách nhiệm hình sự.
Thực tế, chúng ta đang sống trong một thời đại bùng nổ khoa học kỹ thuật, công nghệ. Công nghệ được con người áp dụng vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong sản xuất kinh doanh. Việc áp dụng và phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ mới là một chức năng của doanh nghiệp và các nhà khoa học. Các công nghệ mới ra đời là một bước đột phá to lớn trong lịch sử loài người, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang hiện hữu với cuộc sống số đang lan tỏa khắp toàn cầu. Bản chất của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn nhất như công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy... là xu hướng hiện tại của tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Nó bao gồm các hệ thống mạng vật lý, mạng Internet kết nối vạn vật (IoT) và điện toán đám mây. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các "nhà máy thông minh" hay “nhà máy số”. Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với IoT, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, thông qua IoT thì người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị thông qua việc sử dụng các dịch vụ này.
Như vậy, trong điều kiện cả thế giới đang sống trong thời đại công nghệ số, việc các nhà khoa học và các doanh nghiệp thường xuyên tiếp cận với kỹ thuật và công nghệ mới sẽ góp phần thúc đẩy tính chủ động sáng tạo, tạo khả năng cải tiến chất lượng và tính năng sản phẩm, sức lao động sử dụng vào việc tạo ra một sản phẩm được giảm xuống, giúp hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất lao động. Song, bên cạnh những thuận lợi thì việc nghiên cứu, thử nghiệm áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ mới vẫn tiềm ẩn những rủi ro nhất định, có thể gây nên những thiệt hại cho chủ thể ứng dụng. Do đó việc quy định chế định "Rủi ro trong nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ" là một trong những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự có thể được coi là một tiến bộ trong hoạt động lập pháp của Nhà nước, bởi nó phù hợp với thực tế hiện tại của đời sống xã hội ở nước ta và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Bộ luật Hình sự quy định: Hành vi gây thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới không phải chịu trách nhiệm hình sự với điều kiện khi các chủ thể gây thiệt hại đó dù "đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa" nhưng thiệt hại vẫn cứ xảy ra, thì hành vi gây thiệt hại đó không bị coi là tội phạm. Quy định trên đây đòi hỏi các chủ thể phải thận trọng trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, phải tính toán, cân nhắc mọi tình huống có thể xảy ra và xây dựng được các biện pháp phòng ngừa; phải luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và bảo vệ tính mạng con người lên trên hết.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ hành vi nào gây thiệt hại trong nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới đều được loại trừ tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.
Bộ luật Hình sự cũng quy định: nếu chủ thể có hành vi gây thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới khi không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.
Chúng ta biết rằng, trong lĩnh vực khoa học, việc đi tiên phong là rất quan trọng, bởi có như vậy mới có thể thúc đẩy khoa học phát triển nhằm đưa ra các kết luận khoa học được áp dụng trên thực tế. Việc bổ sung quy định đối với các chủ thể phải chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi gây thiệt hại trong quá trình thực hiện việc nghiên cứu thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mà không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa là để nhằm mục đích phòng ngừa việc thực hiện áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật thiếu sự thận trọng cần thiết, không tuân thủ đầy đủ quy trình, quy phạm trong nghiên cứu thử nghiệm khoa học. Do đó, việc bổ sung quy định trên vào Bộ luật Hình sự năm 2015 là rất cần thiết và cấp bách trong điều kiện hiện nay ở nước ta.
Nguyễn Thị Hiên, Tổng Thư ký Liên hiệp Hội
Lượt xem: 571