Những trí thức Việt Nam tiêu biểu: NGUYỄN PHI KHANH (1356-1429)
Tiếp tục loạt bài về trí thức Việt Nam tiêu biểu, xin giới thiệu với độc giả bài viết về Nguyễn Phi Khanh, cha của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi có làm bài thơ ngẫu thành như sau:
Thế thượng hoàn lương bất mộng dư,
Giác lai vạn sự tổng thành hư,
Như kim chỉ ái sơn trung trú,
Kết ốc hoa biên độc phụ thư.
(Nghĩa: Cuộc đời là một giấc mộng hoàn lương, tỉnh dậy thấy mọi sự là hư không. Bây giờ chỉ thích ở trong núi làm nhà bên khóm hoa mà đọc “sách cha”).
Ấy là vào khoảng sau chiến thắng quân Minh, hòa bình lập lại, Lê Lợi (Thái Tổ) giết một số công thần như Trần Nguyên Hãn (1429), Phạm Văn Xảo (1430); bản thân Nguyễn Trãi cũng bị ngồi tù một thời gian. Đến khi Lê Nguyên Long (Thái Tông) lên ngôi, mâu thuẫn lại xẩy ra giữa bọn quyền thần hết sức gay gắt. Nhà thơ cảm thấy mọi chuyện danh vọng ở đời chỉ là giấc mộng “nồi kê”, muốn lui về núi nhà Côn Sơn, noi theo cái đạo sử thế của ông ngoại (Trần Nguyên Đán) và của cha mình (Nguyễn Phi Khanh): Lúc đời cần thì ra giúp (hành), lúc đời không cần thì ẩn (chỉ). “Sách cha” nói trong bài thơ tức là cuốn Nhị Khê thi văn tập của Nguyễn Phi Khanh.
Vậy Nguyễn Trãi muốn tìm hiểu điều gì trong tập sách này để an ủi mình?
Nguyễn Phi Khanh là một danh sỹ nổi tiếng đương thời. Hồ Tông Thốc, vị trạng nguyên nổi tiếng thời ấy, bậc cha chú nhận xét:
Tài thức như quân thượng thiếu niên,
Văn chương ta ngã lão vô duyên,
Dĩ tương đắc táng di hình ngoại,
Bất phục công dành đáo chẩm biên,
Biến báo chỉ kham nhàn ẩn vụ,
Tiền ngư hà tất khổ lâm tuyền,
Hạnh năng nhật nhật tần lai phỏng,
Hưu quái Đông Đình tự khánh huyền
(Nghĩa: Anh còn trẻ mà quả là người có tài. Ta than thở cho ta theo đuổi văn chương đến già mà vẫn không ra gì. Chuyện được mất ta bỏ ngoài tai, cũng như chuyện công danh, ta không hề mơ tưởng nữa. Chỉ nên như con báo lúc ẩn, lúc hiện trong lớp sương mù, hà tất phải đến vực sâu mà khen cá. Mong anh ngày ngày đến nhà chơi đừng ngại Đông Đình nghèo, nhà rỗng không. Chỉ có 2 mái chống lên như chiếc bánh treo).
Đông Đình là nơi chắc nhà thơ Hồ Tông Thốc ở.
Hồ Tông Thốc là người huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An, đỗ Trạng nguyên đời Trần Nghệ Tông (1370-1372), sinh khoảng năm 1320, cùng tuổi Trần Nguyên Đán (1320-1390). Về tài thơ của ông, sử chép: Trong một bữa tiệc, ông làm xong 100 bài thơ liền một mạch, tiếng dậy kinh sư, được người đời quí trọng. Hai con trai là Hồ Tông Lại, Hồ Tông Thành đều đỗ Trạng nguyên. Người như thế mà khen Nguyễn Phi Khanh có tài, quên tuổi tác, xem nhau như bạn, đủ thấy Nguyễn Phi Khanh có một chỗ ngồi xứng đáng trên thi đàn hồi đó.
Nguyễn Phi Khanh sinh năm nào? Không sách nào ghi. Tuy nhiên có thể căn cứ vào câu thơ sau này của Nguyễn Phi Khanh để biết năm sinh của ông: Hoạn đồ tứ thập ngũ niên thân (Bốn mươi lăm tuổi mới bước lên con đường hoan lộ). Bài thơ có câu đó là vào năm 1401 khi ông ra làm quan với nhà Hồ, vậy tính lui lại là ông sinh năm Bính Thìn (1356).
Về gia thế, những tài liệu gốc như: Khảo thân thế và sự nghiệp Nguyễn Trãi của Dương Bá Cung cũng như Nhị Khê Nguyễn tộc thế phả do Dương Bá Cung biên chép ghi: “Nguyễn Phi Khanh là vị tổ đầu họ Nguyễn này”; trở về trước, chỉ ghi tổ tiên, quê quán ở xã Chi Ngại, huyện Phượng Sơn (nay là huyện Chí Linh, Hải Dương). Tuy nhiên Dương Bá Cung có ghi một đoạn nói về gốc họ Nguyễn như sau:
“Bản ghi chép cũ: Theo các đời truyền lại thì người ông nội của Nguyễn Phi Khanh sinh được 2 người con trai, nhà rất nghèo, đến vùng này (tức là Ngọc Ổi, sau lấy hiệu là Nhị Khê của Nguyễn Phi Khanh mà đổi tên). Người anh (tức thân phụ Nguyễn Phi Khanh) ngụ ở Nhị Khê, làm thuê cho một nhà bán tương…”
Nguyễn Ứng Long (tên cũ của Nguyễn Phi Khanh) xuất thân nghèo hèn như vậy và đó chính là tấn bi kịch gần như suốt cuộc đời ông.
Khác cha mình, Úng Long được đi học, biết làm thơ từ năm 11 tuổi, nổi tiếng hay chữ, được quan tư đồ Trần Nguyên Đán đón về dinh dạy học. Cùng với Ứng Long còn có một thư sinh khác người Hồng Châu, Hải Dương, cũng được Trần Nguyên Đán mời đến và cùng làm việc như thế, người đó là Nguyễn Hán Anh.
Hai người trên đến đây dạy học là sau khi Trần Nguyên Đán đã cùng với Cung Tuyên vương Kính (em Nghệ Tông, sau này lên làm vua, tức Duệ Tông) và công chúa Thiên Ninh, Ngọc Tha dấy binh dẹp được Dương Nhật Lễ (tháng 11năm 1370). Nghệ Tông lên ngội, Trần Nguyên Đán lên chức tư đồ (thámg 2 năm 1371). Bấy giờ Trần Nguyên Đán 45 tuổi, Ứng Long 18 tuổi.
Úng Long được quan tư đồ gả con gái là cô Ngọc Điền, tức Trần Thị Thái. Tháng 2 năm 1374, Ứng Long thi đỗ Thái học sinh.
Điều mà quan tư dồ cũng như Ứng Long không ngờ tới là dù Ứng Long thi đỗ nhưng không được ra làm quan. Người cản trở không ai khác chính là Thượng Hoàng. “Bọn ấy lấy vợ con nhà phú quí, là kẻ dưới phạm người trên, bỏ không dùng”. Ông ta không nể mặt Trần Nguyên Đán là người có công dẹp loạn năm trước và phò ông ta lên làm vua. Ông ta cũng chẳng chú ý đến tài năng của Ứng Long.
Suốt 27 năm trời, kể từ khi thi đỗ đến hết đời Trần, Ứng Long sống đời nhà nho nghèo, mở trường dạy học nuôi thân và bầy con cái. Bà Trần Thị Thái lấy Úng Long mấy lần sinh nở không nuôi được, mãi đến năm 1380 mới sinh được Nguyễn Trãi và sau đó còn sinh được 3 người con nữa là Báo, Hùng, Ly. Không bao lâu sau, Bà Thái mất và chỗ dựa của gia đình là ông ngoại Trần Nguyên Đán cũng mất nốt.
Khi còn sống, Trần Nguyên Đán hết sức thông cảm với người con rể, nhiều lần tìm lời an ủi và tin ở tương lại xán lạn của Ứng Long. Hãy nghe bài thơ Trần Nguyên Đán gửi tặng con rể Ứng Long thì rõ:
Sắc phong tế vũ chuyển thê lương,
Khách sá tiêu tiêu khách tứ trường.
Ly hạ u tư tồn văn tiết,
Khê biên tố diễm thí tân trang.
Hồ nhi vị khoán Hoa môn tái,
Bùi lão tư qui Lục dã đường.
Điếu nguyệt canh vân hà thái tảo?
Thiên chung vạn vũ tử huy lang.
(Gió bấc mưa phùn, cảnh vật trở nên thê lương. Trong quán khách buồn bã, khách càng nghĩ ngợi xa xôi. Khóm hoa ủ rũ dưới bờ dậu, cố giữ lấy cái tiết về già. Bông hoa bên dòng suối đang ướm thử bộ cánh mới. Rợ Hồ chưa gõ cửa ải Hoa môn, thì ông già họ Bùi có thể nghĩ đến chuyện lui về ngôi biệt thự Lục dã. Làm sao anh lại muốn cày mây cuốc nguyệt sớm như thế? Tương lai nhất định anh sẽ làm nên sự nghiệp huy hoàng).
Ít thấy ông bố vợ nào mà đánh giá cao chàng rể như Trần Nguyên Đán đánh giá Nguyễn Ứng Long.
Nhưng Ứng Long rất biết thân phận mình, huống chi Trần Nghệ Tông, người định đoạt số phận đang sống sờ sờ đấy. Vậy nên bài thơ trả lời bố vợ, Úng Long vẫn bi quan, chán nản:
Thành trung kỷ độ dấu viêm lương,
Mạn tống du du tuế nguyệt trường.
Tấn chí khởi kham tì thế dụng,
Kiều tâm tu bả đố tân trang.
Hàn tùng vãn cúc Uyên Minh kinh,
Độc thụ cô thôn Tử Mỹ đường.
Hiền tướng thả lân môn hạ sĩ,
Khẳng dung biện tác bạch đầu lang.
(Mấy độ con ở kinh đô đua đòi với anh em bạn lứa, để năm tháng vùn vụt trôi qua. Con nghĩ tư chất tản mạn của con không đem ra dùng được, riêng lòng con thấy xấu hổ được khoác bộ cánh mới. Con đã làm quen với cây tùng lạnh khóm trúc muộn trong vườn ông Đào Uyên Minh, cũng như làm quen với cây cổ thụ cô đơn trước nhà Ông Đỗ Phủ trong xóm vắng rồi. Nếu như quan tể tướng còn thương đến kẻ tiện sỹ này, thì xin để cho anh ta làm một người bình thường, đến khi về già chỉ hơn người cái đầu bạc.)
Quả như vậy, dần dần Ứng Long tìm cho mình thú vui trong cảnh nông thôn đạm bạc.
Tư tưởng “vui nhàn theo lẽ trời” của chàng rể cũng là tư tưởng của ông bố vợ, chỉ có điều, tuổi tác của người này thì thích hợp, ở người kia thì không hợp. Nhiều bài thơ Nguyễn Ứng Long làm tặng Trần Nguyên Đán đều ca tụng ông “biết làm theo lẽ trời”, có khi ra giúp đời, có khi lại ở nhà, từng làm rường cột cho xã tắc mà chí khí ở chỗ núi sông. Tháng 7 năm Ất Sửu (1385), Trần Nguyên Đán nghỉ quan về Côn Sơn, trước đó một năm ông đã cho người đến xây dựng cảnh trí để yên nghỉ, vui chơi gọi là động Thanh Hư. Nguyễn Ứng Long liền làm một bài văn xuôi ghi lại sự việc ấy, gọi là Thanh Hư động ký, ca ngợi ông bố vợ là “kẻ quân tử, bậc hiền đạt”.
Rõ ràng tư tưởng này của Nguyễn Ứng Long có làm ảnh hưởng tới Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi trong thơ chữ Hán cũng như chữ Nôm, lúc cuối đời cũng nói đến chữ “nhàn”. Ông chỉ khác cha ở chỗ: Cha chưa “xuất” mà đã “xử”, chưa “hành” mà đã “chỉ”, còn ông thì sau lúc tích cực tham gia kháng chiến, giải phóng Tổ quốc, nhất là sau khi vấp phải thế lực phản động to lớn trong triều đình mà một mình mình bất lực, không làm gì được mới nghĩ đến chuyện “nhàn”, mà cũng chỉ mới nghĩ đến thôi chứ chưa thực sự rút khỏi cuộc đời. Nguyễn Trãi còn khác cha ở chỗ “ hoài tài bất ngộ”, còn ông lại là người quân tử không muốn sống với bọn tiểu nhân, tạm thời lánh sang một bên. Cho nên năm 60 tuổi, đã lui về Côn Sơn như ý muốn rồi, thế mà khi Thái Tông trưởng thành, muốn mời ông ra giúp sửa sang việc nước, thì ông không từ chối, mà nhận nhiệm vụ một cách hết sức phấn chấn. Xem tờ biểu tạ ơn thì biết”
Thương thân như ngựa đến tuổi già còn rong ruổi,
Cho thần như thông qua năm rét, càng dạn tuyết sương,
Quần ngôn mặc kệ dèm pha,
Chánh ý cứ bền tín nhiệm.
Khiến cho say nát trở lại phong hoa,
Chức giữ Đông đài, thực việc triều đình rất trọng,
Việc kiêm tam quán, ấy điều nho giả cực vinh.
Huống ban quốc tính để rạng tông môn,
Lại với công thần xếp cùng hạng liệt.
Cảm thấy mà chảy nước mắt, mừng mà sợ trong lòng.
Nhưng nói cho cùng, tư tưởng nhàn của Nguyễn Ứng Long cũng là bất đắc dĩ mà thôi. Khi có dịp, ông lại ra giúp đời, ấy là lúc nhà Hồ lên, Hồ Hán thương lấy ông làm Hàn lâm học sỹ, giữ chức tư nghiệp Quốc tử giám (tháng 2 năm Tân Tỵ 1401), cũng từ đấy ông đổi tên thành Nguyễn Phi Khanh, bấy giờ ông 45 tuổi.
Khi Nguyễn Ứng Long về làng dạy học, ông sống giữa những người dân thường, vui buồn cùng họ. Trong một số bài thơ, ông hay nói đến tình cảm người dân, như bài gửi trình Trần Nguyên Đán:
Đạo huề thiên lý xích như thiêu,
Điền dã hư ta ý bất liêu.
Hậu thô sơ hà phương dịch dịch,
Hoàng thiên vũ lộ chính thiều thiều.
Lại tư võng cổ hồ đa kiệt,
Dân mệnh cao chi bán dị tiêu.
Hảo bả tân thi đương tấu độc,
Chí kim ngọa bệnh vị năng triều.
(Hàng vạn dặm lúa cháy xém như bị thiêu đốt; ở chốn thôn dã, dân than thở không còn cách sống nữa, núi sông đồng ruộng đều khô không khốc, mưa móc thì ở trên cao xa xôi, không tới. Bọn quan lại ra sức vơ vét, máu thịt của dân hao hơn một nửa. Con làm bài thơ này thay lời trình, hiện con còn ốm, chưa lên hầu được).
Bài thơ không chỉ nói đến hạn hán mà còn tố cáo bọn quan ô lại, chỉ trích triều đình không biết tình dân, cũng không lo cho dân.
Trong bài Trung thu hữu cảm cũng nêu lên sự tương phản giữa cảnh thiên nhiên tươi đẹp với cuộc sống đau khổ của dân:
Kim ba tự hải mạn không lưu,
Hà hán vi van đạm đạm thu.
Vũ hậu đài trì đa trữ nguyệt,
Khách trung tình tự bất thăng thu,
Nguyệt bằng thiên lượng thanh quang dạ,
Biến chiếu nhân gian tật khổ sầu.
Trường sử quốc gia đa hạ nhật,
Ngũ hồ qui mộng đáo biên châu.
(Áng vàng chảy trên trời cao bát ngát như biển cả; dải ngân hà mây lăn tăn màu mận nhạt. Sau cơn mưa ao hồ đều chứa đầy trăng. Tâm tình của khách lữ thứ dạt dào trước cảnh thu. Ước gì ông trời kia đem trăng trong sáng này mà soi chiếu khắp cõi trần đang khổ đau. Ví thử nước nhà được hưởng nhiều ngày thanh bình để trong mộng ta sẽ chiêm bao đi dạo thuyền trên cảnh năm hồ).
Ở đây nói lên cảnh tương phản giữa cảnh đêm thu đẹp với cuộc sống đau khổ nơi nhân gian, hay còn ám chỉ sự tương phản trong xã hội, giữa bọn thống trị sống xa hoa và nhân dân đang nghèo đói.
Qua Nhị Khê thi văn tập, ta còn thấy một khía cạnh khác trong tư tưởng Nguyễn Ứng Long và Nguyễn Trãi. Hai cha con ông không một chút gắn bó với nhà Trần. Đáng lẽ Nguyễn Ứng Long con rể Trần Nguyên Đán thì phải cúc cung tận tụy với nhà Trần; nhà Trần mất thì phải dấy lên chống kẻ tiếm vị để giữ ngôi cho nhà Trần, nhưng không, chính nhà Trần đã đẩy ông về địa vị hèn kém; nhà Trần còn thì ông suốt đời không thi thố được tài năng, thực hiện được hoài bão của mình. Vậy nên khi họ Hồ cướp ngôi nhà Trần, chẳng những ông thờ ơ mà còn tìm thấy con đường thoát. Ông ra giúp họ Hồ, cho con là Nguyễn Trãi ra ứng thi. Nguyễn Trãi đỗ Thái học sinh, bổ chức Ngự sử đài chánh trường, thế là 2 cha con đồng triều. Nhưng không phải vì vậy mà quan hệ giữa 2 cha con ông với họ Hồ mật thiết, bởi vì chí của 2 cha con ông không phải là bảo vệ họ này, họ kia. Sau này khi quân Minh sang xâm lược, Nguyễn Phi Khanh bị bắt ngay, còn Nguyễn Trãi thì không đứng về phía họ Hồ, cũng không đứng về họ Trần mà lần mò vào Lam Sơn hưởng ứng cuộc khởi nghĩa của Lê Lợi.
Về việc Nguyễn Trãi tham gia kháng chiến, tưởng cũng nhắc đến câu dặn dò đầy lòng yêu nước của Nguyễn Phi Khanh ở ải Nam Quan. Câu nói khảng khái ấy được truyền tụng bao đời nay, nhưng không rõ xuất xứ từ đâu. Nay xem Nhị Khê Nguyễn tộc thế phả do Dương Bá Cung soạn, thì thấy ghi ở phần cước chú, tức là rút ra từ Thế Biên có từ trước, đoạn ấy như sau:
Xét trong tập Thế Biên có nói: Tướng công (tức Nguyễn Phi Khanh) biết con trưởng có tài lớn, nên ông mới khuyên rằng: Ta tuổi già rồi, nay gặp việc này, cho em con (Phi Hùng) đi theo. Ta bình sinh rất yêu cảnh núi non vùng Bác Vọng, sau khi ta mất, sẽ xin đem hài cốt về chôn tại chỗ ấy là thỏa lòng ta. Con nên trở về quyết chí rửa nhục cho nước, trả thù cho cha, là cho chí cha được thành, tổ tiên được vinh quang, như thế mới là đại hiếu, há chỉ bo bo dưới gối không rời mới là hiếu ư?. Câu nói đó đã có tác dụng nhiều đến Nguyễn Trãi và soi sáng cho ông trên các nẻo đường kháng chiến.
Tập Nhị Khê thi văn cung cấp cho ta nhiều tài liệu cụ thể, chính xác về Nguyễn Phi Khanh, làm sáng tỏ nhiều điều trước đây có nghe nói đến nhưng không lấy gì làm chắc. Những tài liệu ở đây có thể nói là bằng chứng không thể chối cãi được, do người trong cuộc cung cấp, từ đó ta hiểu thêm về Nguyễn Trãi vị anh hùng dân tộc, giải thích một cách có tình, có lý vì sao ông vượt hẳn bao nhiêu nhà Nho cùng lớp ấy như : Lý Tử Tân, Nguyễn Mộng Tuân, Vũ Mộng Nguyên, Lý Tử Cấn… Họ cũng đỗ đạt cao, cũng tham gia kháng chiến như Nguyễn Trãi nhưng không thể có được vai trò tích cực như Nguyễn Trãi
Lượt xem: 1633
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"