• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV18/3/2025 14:54

Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam

Được xuất bản vào cuối thế kỷ 19, "Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam" của Gustave Dumoutier (1850-1904) đem đến cho chúng ta cái nhìn khái quát và tương đối đầy đủ về quá trình người Việt tạo dựng và sử dụng các biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ trong không gian thờ cúng của mình.

Trong dòng chảy văn hóa Việt Nam, tín ngưỡng thờ cúng giữ vai trò quan trọng, thể hiện lòng hiếu nghĩa và sự tri ân của con cháu đối với tổ tiên, các bậc tiền nhân. Một phần không thể thiếu trong tín ngưỡng này là các biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ, góp phần tạo nên không gian thờ tự linh thiêng, trang trọng. Mỗi món đồ, mỗi biểu tượng đều mang ý nghĩa riêng, truyền tải những thông điệp sâu sắc về tinh thần và truyền thống dân tộc.
 
Hơn 130 năm trước, vào năm 1891, học giả người Pháp Gustave Dumoutier đã xuất bản cuốn sách nhỏ độc đáo “Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam” (tựa gốc: Les Symboles, Les Emblèmes Et Les Accessoires Du Culte Chez Les Annamites: Notes d’Ethnographie Religieuse), mở ra cánh cửa giúp người Pháp hiểu hơn về đời sống tinh thần và văn hóa của người An Nam.



Cuốn sách được dịch sang tiếng Việt và xuất bản vào cuối tháng 2/2025. Ảnh: NN
 
Trước đó, Gustave Dumoutier đã xuất bản một cuốn sách về những bài hát và truyền thống dân gian của người An Nam (1890). Sau đó, ông xuất bản thêm cuốn sách quan trọng về các nghi thức trong tang lễ của người An Nam (1904). Tác phẩm cuối cùng - cuốn sách về các tôn giáo, tín ngưỡng của người An Nam (1907) được xuất bản sau khi ông mất. Có thể nói, Dumoutier là một trong những học giả đam mê văn hóa An Nam và là một trong những người đặt nền móng cho nghiên cứu dân tộc học, phong tục học và văn hóa học ở Việt Nam.
 
Chúng ta biết rằng vào cuối thế kỷ 19, xung đột quân sự giữa Pháp và Việt Nam đã lắng xuống, nhường chỗ cho không gian hiểu biết về văn hóa. Đây cũng là thời điểm người Pháp bắt đầu thiết lập hệ thống hành chính ở Đông Dương, và từ đó, củng cố quá trình cai trị của mình tại thuộc địa.
 
Khi Dumoutier mất vào năm 1904, đó cũng là thời điểm kết thúc nhiệm kỳ đầu tiên của Paul Doumer – người có thể nói đã định hình toàn bộ Liên bang Đông Dương. Vì vậy, việc vượt qua những rào cản văn hóa và mở rộng sự hiểu biết về Việt Nam chính là một trong những động cơ cốt lõi khiến các học giả phương Tây bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu văn hóa Việt Nam.
 
Cuốn sách Biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Dumoutier về Việt Nam, nhờ vào những quan sát tỉ mỉ và cách tiếp cận tôn trọng đối với văn hóa Việt, điều không phổ biến trong số những người cùng thời với ông lúc bấy giờ. Nhiều học giả và quan chức thực dân Pháp thời đó thường nhìn nhận văn hóa Việt Nam (và các thuộc địa khác) như “lạc hậu”, “kỳ lạ”, “kém văn minh”, và cần được “khai hóa” theo mô hình văn minh Pháp, dẫn đến việc áp đặt văn hóa và tư tưởng thực dân lên người Việt. Trong khi đó, Dumoutier lại thể hiện sự đánh giá cao và tôn trọng tiếng Hán cũng như những giá trị văn hóa bản địa, tạo nên một sự khác biệt đáng kể. Trong lời dẫn nhập, tác giả bày tỏ quan điểm một cách khảng khái: “Đừng hòng hiểu biết sâu sắc một tộc người nếu không lãnh hội được đời sống tinh thần và những truyền thống tôn giáo của họ, cũng như không thể nào đánh giá đúng một hành vi hay sự kiện nếu không hiểu gì về động cơ và chủ ý của nó.”
 
Cuốn sách được trình bày như một cuốn từ điển nhỏ, giúp người đọc dễ tra cứu. Thông qua 38 biểu tượng, Dumoutier đã phác họa một bức tranh rộng nhất có thể về những đồ vật gắn liền với đời sống tâm linh của người Việt từ cấp quốc gia đến cấp làng xã, cấp nhà. Ông không có tham vọng diễn giải quá sâu, mà chủ yếu tập trung vào mô tả. Mỗi biểu tượng sẽ có một đoạn văn ngắn kể về nguồn gốc, ý nghĩa của nó, kèm theo hình ảnh minh họa được vẽ theo kiểu ký họa đen trắng. Ấn bản của Nhã Nam gần như trung thành với nguyên tác - các đồ án, biểu tượng như rồng, long mã, hà đồ, lạc thư, ngũ phúc, ngũ hổ, chuông, khánh, bài vị và nhiều hiện vật khác đều được trình bày cẩn thận.
 
Với độ lùi hơn 100 năm, nhiều biểu tượng trong cuốn sách vẫn quen thuộc với độc giả ngày nay, trong khi một số đã bị thất truyền, trở nên xa lạ, chẳng hạn như Hà Đồ, Lạc Thư, Bát Tiên, Ngọc kỷ v.v.


Hà Đồ (trái) và Lạc Thư (phải) là những biểu đồ kỳ bí, thể hiện thuyết âm-dương, trời-đất, tượng trưng cho trật tự vũ trụ và sự cân bằng giữa các yếu tố tự nhiên. Tuy nhiên, người An Nam đã hoàn toàn đánh mất ý nghĩa triết học nguyên thủy của những biểu tượng này, và dùng chúng như một biểu tượng xua đuổi tà ma. Nguồn: "Biểu tượng, phù hiệu..."
 
Dumoutier dành một mục dài để nói về biểu tượng rồng. Ông phân tích nhiều ý nghĩa của rồng, nhưng đáng chú ý nhất là khái niệm “Long Hổ Đấu”. Trong sách, ông kể lại một cuộc đối thoại giữa rồng và hổ với một bậc tu sĩ ở Hải Dương. Ẩn sau đó là một cuộc đối thoại liên văn hóa giữa các tư tưởng và tôn giáo, giữa một bên là Nho sĩ và một bên là Đạo sĩ, phản ánh sự giao thoa tư tưởng trong xã hội xưa.
 
Dumoutier tiếp cận các biểu tượng một cách khoa học. Với mỗi biểu tượng hay phù hiệu, ông trước hết truy tìm nguồn gốc của nó, rồi mới phân tích cách chúng được sử dụng trong đời sống. Nhờ vào việc rất giỏi cổ văn và đọc được Hán văn, Dumoutier đã tham khảo rất nhiều tài liệu của Trung Hoa và Ấn Độ. Cho nên, trong cảm quan của Dumoutier, ông nhận thấy rằng gốc gác xa xưa của các biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam đến từ văn hóa Trung Hoa.
 
Tuy nhiên, khi sử dụng chúng, người An Nam lại có độ linh hoạt khá cao. Trong các sinh hoạt tín ngưỡng, người An Nam đã pha trộn với nhiều hệ thống tín ngưỡng khác, bao gồm cả Phật giáo và một số yếu tố có tính chất bản địa. Kết quả là, đời sống tinh thần của người An Nam có một sự phong phú đáng kể. Ví dụ, nếu coi các câu chuyện về Tứ Linh (Quy, Phượng, Long, Lân) là một sự nhập khẩu văn hóa khá rõ từ Trung Hoa, thì các câu chuyện liên quan đến đám rước, cờ phướn và đồ thờ lại có rất nhiều yếu tố thuộc về đời sống xã hội của riêng người Việt. Dumoutier cũng có một chương thú vị về biểu tượng sư tử, khi ông đặt câu hỏi tại sao trên nắp đỉnh hương thờ và trên các cột tháp nơi chùa chiền đều có hình ảnh sư tử, trong khi con vật này “không hề có vết tích nào trong các truyền thuyết hoặc truyền thống dân gian của người An Nam.”
 
Dumoutier kể một câu chuyện thú vị về cách chính quyền thực dân Pháp học hỏi các biểu tượng văn hóa của An Nam để thiết kế một hệ thống huân chương dành cho quan lại và sĩ quan, gọi là Đại Nam Long Tinh. Trong văn hóa phương Tây, rồng thường gắn liền với cái ác và quỷ dữ, nhưng ở An Nam, nó lại là biểu tượng thiêng liêng, được người dân tôn kính tuyệt đối. Sự thay đổi ý nghĩa của biểu tượng rồng trong huân chương Đại Nam Long Tinh có thể tạo ra kỳ vọng về việc củng cố quyền lực - một quyền lực mang dáng dấp phương Đông nhưng thực chất lại nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền phương Tây.


Ngọc kỷ là một món đồ thờ trong nhà người giàu An Nam, gồm năm vật được bày trên kệ uốn lượn theo thứ tự cố định: bầu rượu, lọ hoa, lư hương, ống bút và mâm ngũ quả. Nguồn: "Biểu tượng, phù hiệu..."
 
Bản chất của biểu tượng nằm ở quá trình cấp nghĩa. Một đồ thờ bằng đồng hay gỗ có thể vô nghĩa, nhưng khi được cấp nghĩa, nó trở thành một biểu tượng, một điều gì đó linh thiêng, trang trọng hoặc có ý nghĩa. Dumoutier đã làm được một việc khó khăn khi nhìn vào các biểu tượng là truy ra nguồn gốc của chúng và lý do chúng được sử dụng cho mục đích nhất định. Công việc của ông - đi tìm lại gốc nghĩa - chính là quá trình mà trong ngành biểu tượng học gọi là “giải nghĩa”. Một biểu tượng đã được cấp nghĩa, nhiệm vụ của người nghiên cứu chính là làm sáng tỏ ý nghĩa của nó.
 
Tất nhiên, quá trình giải nghĩa luôn có những giới hạn. Dumoutier, giống như mọi học giả ngày nay, đều có thể vấp phải những giới hạn đó và không thể nào giải nghĩa hoàn toàn một biểu tượng, vì đằng sau mỗi biểu tượng luôn tồn tại vô số cách diễn giải và tầng nghĩa khác nhau. Nhưng, chúng ta có thể coi những khảo cứu của Dumoutier về các biểu tượng, phù hiệu và đồ thờ của người An Nam như một nguồn tham khảo chi tiết và quý giá. Đặc biệt, việc ông thuê họa sĩ vẽ lại chúng một cách chân thực cũng giúp độc giả ngày này có thêm cơ sở để đối chiếu, góp phần làm sáng tỏ tính xác thực của các biểu tượng khi so sánh với những tư liệu và hiện vật còn lưu giữ.
Theo khoahocphattrien.vn

 

 

 

Lượt xem: 18

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 2135490- Đang online : 1777