Nguyễn Trãi (1380-1442), khí phách và tinh hoa của dân tộc
Tiếp theo loạt bài giới thiệu về những trí thức Việt Nam tiêu biểu, BBT gửi tới độc giả bài trích lược tác phẩm của giáo sư Vũ Khiêu viết về Nguyễn Trãi
1.Vinh dự và khổ đau của người trí thức
Cuộc đời Nguyễn Trãi là cuộc đời đầy ưu hoạn. Lên 5 tuổi, Ông mất đi người mẹ dòng dõi anh hùng. Năm 10 tuổi, Ông mất đi người Ông ngoại kính yêu: Trần Nguyên Đán, người đã luôn bên Ông, nuôi dạy Ông bằng truyền thống dân tộc và đạo lý làm người.
Trần Nguyên Đán mất đi cũng là thời kỳ một dòng họ anh hùng (Nhà Trần) đi tới suy tàn. Ông theo cha (Nguyễn Phi Khanh) trở lại quê hương làng Nhị Khê, sống những ngày cơm không đủ no, áo không đủ ấm.
Năm 20 tuổi, Ông đỗ tiến sỹ và cùng cha vào làm quan cho nhà Hồ, Ông lại trải qua những ưu hoạn của người trí thức trước nguy cơ đất nước bị xâm lược. Năm 27 tuổi, cha và em bị giặc bắt đem đi, Ưu hoạn lại theo đuổi Ông trong những năm tháng xa nhà, chiến đấu gian khổ chống giặc Minh xâm lược.
Đất nước được giải phóng, nhưng vua quan của triều đại mới lại chuyển vào cuộc sống xa hoa, không quan tâm tới nỗi đau khổ của dân. Ông thấu nỗi khổ của dân như ưu hoạn của mình.
Bọn xiểm nịnh gièm pha đã đưa Ông vào nhà tù rồi gạt Ông ra khỏi việc nước. Nỗi ưu hoạn lớn nhất, nỗi oan tày trời của đời Ông là vụ án Lệ Chi Viên đã giết hại Ông và cả gia đình, để lại cho đời sau nỗi xót thương không bao giờ nguôi đối với người trí thức của dân tộc.
Từ cuộc đời ưu hoạn của mình, Nguyễn Trãi đã liên tưởng đến những ưu hoạn của Tô Đông Pha, người trí thức xuất sắc thời nhà Tống đã từng sống cuộc đời thường xuyên bị đày ải. Nỗi long đong của ông đã thường xuyên thể hiện ở những bài thơ chua chát và bù đắp cho nỗi ưu hoạn của mình bằng những cuộc hành lạc, uống rượu, ngâm thơ, cùng bạn bè rong ruổi tiêu dao trên sông, hồ, biển.
Nhưng ở Nguyễn Trãi thì khác. Ưu hoạn của Nguyễn Trãi là ưu hoạn của người gắn bó với nhân dân, là ưu hoạn của bản thân nhân dân, là ưu hoạn đã tạo nên chính sự nghiệp của người trí thức.
Sao có thể gọi là trí thức những kẻ chỉ lo lắng cho bản thân mình và chỉ băn khoăn trước sự mất còn nhỏ nhặt của cuộc sống riêng tư.
Sao có thể gọi là trí thức những kẻ không ra khỏi cái vỏ ốc của thân phận mình, không thấy được lẽ sống của nhân loại, không xác định được trách nhiệm của người trí thức trước vận mệnh của Tổ quốc, nhân dân.
Trần Hưng Đạo “ngày quên ăn, đêm quên ngủ, nước mắt đầm đìa” thì
ưu hoạn của Ông là ưu hoạn của người trí thức anh hùng trước sự tàn bạo của
quân thù và nguy cơ diệt vong của cả dân tộc.
Khi Ngô Thì Nhậm sống lẫn với nông dân Thái Bình thì Cao Bá Quát nhìn sao suốt đêm chẳng ngủ; khi Nguyễn Đình Chiểu muốn mù đôi mắt thì ưu hoạn của người trí thức ấy chính là nỗi đau khổ của nhân dân.
Đau khổ của người trí thức chân chính là đau khổ được nhân lên gấp đôi, bởi đó là đau khổ của nhân dân cộng thêm những suy tư của người trí thức.
Trí thức là người biết rộng hơn, sâu hơn, nhìn xa hơn những người không phải là trí thức. Chính vì thế mà người trí thức đã lo trước khi người khác chưa lo. Anh ta thấy rõ con đường phải đi khi người khác chưa thấy. Anh ta tin tưởng tuyệt đối vào tương lai khi người khác còn chưa tin tưởng. Vì thế ưu hoạn của người trí thức chính là định mệnh của anh ta.
Nguyễn Trãi suốt đời ưu tư trước nỗi đau khổ của nhân dân. Biết bao bài thơ đã phản ảnh trước nỗi khổ đau của nhân dân, trước cảnh nước mất, nhà tan, quân thù bạo ngược; “Bình sinh độc bão tiên ưu niệm, Tọa ủng hàn khâm dạ bất niên”. Nghĩa là: “Suốt đời ôm mãi lòng lo trước, Chăn lạnh choàng vai thức suốt đêm”.
Nỗi lo dân dã thường xuyên day dứt Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi đã đêm đêm chẳng ngủ, có đêm thức mãi bên ngọn đèn mờ, có đêm ngồi mãi dưới vành trăng lạnh, có đêm tựa mãi bên song cửa suốt ba canh mưa gió, có đêm thức thổn nỗi nhớ quê hương, có lúc nửa đêm bỗng xô ngồi dậy: “Quốc phú, binh cường chăng có chước, Bằng tôi nào thử ích chung dân”
Làm gì đây để có ích cho nhân dân, giúp nhân dân? Nhân dân còn sống dưới nanh vuốt quân thù, bao giờ được giải phóng, bao giờ hết nỗi sầu than, oán giận? Những ưu hoạn của nhân dân ngày đêm thôi thúc Nguyễn Trãi tìm ra con đường cứu nước. Ông đã đem hết trí tuệ, tâm huyết, tài năng cùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn giành lại đất nước. Sự nghiệp lẫy lừng của Ông trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, văn hóa gắn liền với lòng yêu nước mãnh liệt của Ông, gắn với những suy tư, sáng tạo của người trí thức.
Người trí thức ấy đã trở thành anh hùng bởi người ấy gắn bó với nhân dân trong sự nghiệp đánh đuổi quân thù, xây dựng đất nước: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược, Có nhân, có trí, có anh hùng”.
Câu thơ của Ông vừa khái quát qui luật của chủ nghĩa anh hùng, vừa nêu lên trách nhiệm của người trí thức. Có hòa mình trong cuộc chiến đấu vĩ đại của nhân dân (nhân) thì nhất định có mưu trí sáng tạo (trí), nhất định sẽ thành công rực rỡ (anh hùng).Từ xưa đến nay, nhân dân ta vẫn suy tôn Nguyễn Trãi như một vị anh hùng. Tên tuổi Ông mãi sáng ngời bên tên tuổi Lê Lợi, các tướng lĩnh và nghĩa quân Lam Sơn nhưng mỗi người lại có những cống hiến khác nhau từ góc độ riêng biệt. Không thể đề cao Nguyễn Trãi mà gắn cả sự nghiệp Lê Lợi cho Ông. Sự nghiệp Nguyễn Trãi dù lớn lao đến đâu cũng không thể che mờ Lê Lợi. Lê Lợi là vị anh hùng kiệt xuất của Lam Sơn, ông đã có sức hấp dẫn kỳ diệu, tập hợp được cả “bốn phương manh lệ” và toàn thể nhân dân. Ông đã có cái nhìn sắc bén của lãnh tụ để hiểu được địch, hiểu mình, để quyết định mọi việc mau lệ và quả cảm. Ông đã hiểu được Nguyễn Trãi và sử dụng Nguyễn Trãi như một mưu sỹ tài giỏi dưới trướng của mình. Về mặt đó, Nguyễn Trãi không thể bằng Lê Lợi nhưng Nguyễn Trãi cũng không vì thế mà giảm bớt vinh quang. Nguyễn Trãi vĩ đại ở chỗ đã nhận ra được vị lãnh tụ anh hùng, đã nhất trí với Lê Lợi về mọi chủ trương và đã biến tài năng bẩm sinh của Lể Lợi thành những nhận thức sâu sắc từ đỉnh cao trí tuệ đương thời.
Chúng ta có thể coi Nguyễn Trãi là nhà quân sự thiên tài, nhưng không vì thế mà mờ đi những công lao tuyệt vời của các tướng lĩnh Lam Sơn, hạ thấp chiến lược tiến công của Nguyễn Chích; cách bài binh, bố trận của Lê Sát, Lê Ngân; tài đánh viện, diệt đồn của Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo. Đối với Nguyễn Trãi, chiến lược “tâm công” đã là cống hiến cực kỳ vẻ vang của ông. Chiến lược ấy có tác dụng quyết định, làm tan rã tinh thần quân địch và đập tan ý chí xâm lược của triều đình nhà Minh. Chúng ta kỷ niệm Nguyễn Trãi là kỷ niệm một vị anh hùng nhưng cũng kỷ niệm một vị anh hùng ấy từ góc độ ông là một rí thức. Là trí thức, ông đã đem hết khối óc và trái tim phục vụ sự nghiệp chung. Ông cũng tìm ra đường đi cho cả dân tộc và bản thân. Ông đã đầy sáng tạo trong suy nghĩ và hành động. Ông xứng đáng là đỉnh cao của trí tuệ thời đại, là tinh hoa của dân tộc, là con đẻ của nhân dân, là tấm gương sáng mãi của người trí thức.
2. Từ đỉnh cao của trí tuệ đương thời.
Nguyễn Trãi luôn luôn tự nhận mình là một nhà nho. Điều này có nghĩa ông chỉ nhận mình là trí thức.
Ở thời đại ông, có ai không qua cửa Khổng, sân Trình mà trở thành trí thức? Mọi người trí thức cùng thời đều đội chiếc khăn nhà Nho, cùng nói một thứ ngôn ngữ giống nhau, cùng giương cao lá cờ “Tam cương, ngũ thường” “trung, hiếu, tiết, nghĩa”.
Tuy nhiên, sau những câu chữ mà nhà Nho thường dùng, lại có biết bao ý nghĩa và hành động khác nhau, thậm chí đối lập nhau.
Tìm hiểu một nhà Nho, không thể dừng lại ở caí vẻ bề ngoài của từ Nho giáo mà phải đi sâu vào cuộc đời, vào tâm tư, vào những cống hiến của người trí thức mang danh nhà Nho ấy.
Nho giáo từ Đông Chu đến thời Nguyễn Trãi trải qua nhiều bước thăng trầm đã được bổ sung bởi nhiều lưu phái khác nhau, nhất là từ Hán nho, Tống nho, Nho giáo đã du nhập vào Việt Nam cùng gót giầy quân xâm lược.
Nho giáo đã thâm nhập vào đời sống chính trị, văn hóa, góp phần đề cao địa vị của vua quan và củng cố trật tự phong kiến. Mặt khác, Nho giáo đã phá hoại không ít những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và ngày càng bộc lộ những yếu tố tiêu cực trong đời sống xã hội, nhất là khi đất nước trải qua những thử thách hiểm nghèo.
Tuy nhiên trong hàng ngũ Nho giáo, có những người trí thức lỗi lạc, gắn bó chật chẽ với Tổ quốc và nhân dân, đã vượt qua khỏi khuôn khổ thông
thường của Nho giáo để góp phần vào sự nghiệp chung. Đó là trường hợp Nguyễn Trãi.
Nguyễn Trãi ra đời trong một gia đình nhà Nho. Bố đẻ là Nguyễn Phi Khanh, đỗ tiến sỹ. Ông ngoại là Trần Nguyên Hãn, người từng đọc “vạn quyển sách”. Họ đều là những trí thức uyên bác.
Nguyễn Phi Khanh rất vui mừng trước thái độ rất thông minh và chăm chỉ của con: “Lục tuế nhi đồng phả ái thư” (Nguyễn Phi Khanh: Gia viên lạc). Trần Nguyên Hãn cũng tác động sâu sắc vào tuổi thơ của Nguyễn Trãi bằng hình ảnh một con người “ nếp nhà thi lễ, nòi giống thần minh, có hoài bão một lòng vì nước”.
Trong khi ông và cha giảng văn, dạy chữ, Nguyễn Trãi cũng học được ở hai người đó tâm hồn cao đẹp của nhà Nho. Học ở ông tấm lòng thương nhân dân đến bạc đầu “Bạch đầu không phụ ái nhân tâm” (Ttrần Nguyên Hãn: Nhân dân lục nguyệt tác). Học ở cha trong ngày rét buốt “Muốn thổi cơn gió ấm vào lòng mọi người” (Nguyễn Phi Khanh: Xuân hàn).
Với quan niệm học để “trọn niềm trung hiếu”, để biết “lo trước, vui sau”, để giữ tâm hồn “thanh cao trong sáng”, Nguyễn Trãi say mê trong “vườn chư tử, bể lục bình” và sớm nổi danh trong rừng Nho: “Thanh niên phương dự ái Nho lâm” (Mạn thanh I).
Năm 20 tuổi đỗ tiến sỹ, Nguyền Trãi vẫn tiếp tục học tập, nghiên cứu.
Ông luôn nói đến trách nhiệm của nhà Nho. Sống thì làm thế nào cho đúng “Nho phong”, làm quan thì nghĩ đến tư cách của “Nho thần”, được ơn vua thì mừng cho “chiếu nhà Nho ấm”.
Nguyễn Trãi không chỉ dừng lại ở Nho giáo. Bộ óc vĩ đại của nhà trí thức ấy đã tiếp thu toàn bộ kiến thức đương thời. Ông đã đọc và nghiên cứu các loại sách có thể có trong tay: Từ giáo lý nhà Phật đến tư tưởng Lão Trang, từ các tác giả thời Tiên Tần cho đến những sách mới nhất được du nhập.
Người trí thức không chỉ học tập qua sách vở mà còn học tập trong chính cuộc sống hàng ngày. Nguyễn Trãi thuở nhỏ đã sống gần gũi với nhân dân lao động, lớn lên lại qua 10 năm lưu lạc hết nơi này đến nơi khác. Ông đã công phu nghiên cứu đất nước mình về mọi mặt: Lịch sử, địa lý, phong tục tập quán, nghề nghiệp, thổ sản. Những hiểu biết sâu sắc của ông về xã hội Việt Nam đã làm cơ sở vững chắc để sau này ông định chế ra đường lối và mưu lược trong sự nghiệp giải phóng nhân dân. Những hiểu biết ấy đã thể hiện phong phú biết chừng nào trong Dư địa chí mà ông viết chỉ trong có 10 ngày, khi có lệnh vua.
Với vốn hiểu biết sâu sắc ấy, Nguyễn Trãi Luôn luôn suy nghĩ về trách nhiệm và vinh dự của người trí thức: “Đầu tiếc đội mòn khăn Đỗ Phủ, Tài còn lọ hái cúc uyên minh. (Mạn thuật).
Cũng đội cái khăn ấy, có người vốn mơ tưởng thi đỗ làm quan, đạt tới vinh hoa phú quí, có người lại mong làm một điều gì ích quốc, lợi dân.Cùng một mục tiêu “tu tề trị bình”, có người mong ước được cai quản đất nước, thống trị nhân dân, có người lại hiểu rằng phải rèn luyện bản thân, xây dựng gia đình tốt đẹp, góp phần đem lại cuộc sống thanh bình cho Tổ quốc và nhân loại. Cùng ham mê đọc sách, có người chỉ biết thuộc lòng câu chữ rồi lặp lại, có người lại suy nghĩ và sáng tạo từ những vấn đề do đất nước đặt ra.
Đọc nhiều, biết rộng thực ra chưa đủ để thành người trí thức chân chính. Nguyễn Trãi khác hẳn các nhà Nho khác là ông không những đọc rộng, biết nhiều mà còn suy nghĩ sáng tạo. Giữa cảnh hoạn nạn của gia đình và Tổ quốc, trước những vấn đề phức tạp do cuộc sống đặt ra, trong những lúc gian nguy thử thách đối với sống chết con người, Nguyễn Trãi đã tìm ra được hướng đi của lịch sử, hiểu được đâu là đúng, sai, mạnh, yếu để từ đó xác định thái độ và hành động của mình. Đó chính là điểm nổi bật của Nguyễn Trãi khiến ông vượt lên hẳn các nhà Nho đương thời, trở thành người trí thức tiêu biểu cho khí phách và tinh hoa dân tộc.
3. Từ truyền thống anh hùng của dân tộc.
Nguyễn Trãi đã trăm lần nói về trung hiếu, về nghĩa quân thần và đạo phụ tử: “Bui có một niềm trung hiếu cũ, Chẳng nằm thức dậy nẻo ba canh,” (Báo cảnh phi giới). Trung hiếu là phẩm chất của ông, là phẩm chất “mài chẳng khuyết, nhuộm chẳng đen” của người trí thức.
Là cháu ngoại của dòng họ anh hùng, từ ngày còn thơ, Nguyễn Trãi đã sống giữa những truyền thuyết và di tích anh hùng: “Đoạt sáo Chương Dương độ, cầm Hồ Hàm Tử quan”. Câu thơ đầy khí phách ấy của cụ ngoại Trần Quang Khải đã vang trong đầu ông trước khi ông đọc sách thánh hiền.
Còn đây, sông Bạch Đằng và bến Vạn Kiếp, nơi hàng ngàn chiến thuyền giặc bị đánh đắm giữa lòng sông. Cách đây không lâu, nhân dân ta đã ba lần đánh thắng quân Nguyên Mông và vũ khí của chúng vẫn còn xếp lại như núi bên bờ (xem Bạch Đằng hải khẩu).
Với khí phách anh hùng ấy, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo, áng “thiên cổ hùng văn” vừa phản ảnh sự nghiệp lẫy lừng của Lê Lợi và nghĩa
quân Lam Sơn, vừa nối tiếp Lý Thường Kiệt và Trần Hưng Đạo thể hiện tâm hồn và dũng khí Việt Nam.
Không nhận ra ý chí quật cường của ông cha, không cảm thấy tự hào về truyền thống của dân tộc, không ngẩng cao đầu nhận lấy trách nhiệm của mình trước lịch sử, sao có thể gọi là trí thức. Nguyễn Trãi không những kết tinh truyền thống yêu nước của dân tộc, ông còn là người đầu tiên ý thức sâu sắc về khái niệm yêu nước. Nước của ông là nước Đại Việt “vốn xưng nền văn hiến từ lâu”. Nước của ông là một lãnh thổ riêng biệt với “cõi bờ sông núi đã chia” và “phong tục Bắc Nam cũng khác”. Nước của ông có nền chính trị riêng biệt “cùng Hán Đường, Tống, Nguyên, mỗi đàng làm đế một phương”. Nước của ông là một đỉnh cao trí tuệ tài năng với “hào kiệt đời nào cũng có”.
Chính với ý thức sâu sắc ấy về Tổ quốc mình mà Nguyễn Trài đã quan niệm sâu sắc thế nào là trung và hiếu.
Nguyễn Trãi, với truyền thống dân tộc không bao giờ quan niệm trung là trung với một dòng họ. Tổ quốc, theo ông không bao giờ là của riêng một triều đại, mà là của toàn thể nhân dân. Nhân dân bảo vệ Tổ quốc mình và ủng hộ bất cứ ai chiến đấu cho sự nghiệp vì Tổ quốc, dù người ấy là Thục Phán ở Cao Bằng xuống, Đinh Bộ Lĩnh ở Hoa Lư ra nhân dân đều rất ủng hộ nếu như họ chiến đấu vì Tổ quốc. Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, các dòng họ ấy đã nối tiếp nhau xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ đã tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của toàn thể nhân dân.
Khi Lê Hoàn thay thế nhà Đinh, nhân dân ta đã chẳng phàn nàn về sự “chiếm đoạt” mà ngược lại đã chiến đấu quên mình dưới sự lãnh đạo của Lê Hoàn để đánh tan quân xâm lược nhà Tống.
Khi nhà Trần “cướp ngôi” nhà Lý, nhân dân ta cũng chẳng hề trách nhà Trần mà ngược lại đã khắc chữ “ Sát Thát” trên tay để chống quân Nguyên dưới sự lãnh đạo của các vua Trần.
Khi nhà Hồ thay thế nhà Trần thì tình hình lại khác. Các nhà Nho chịu giáo lý sâu sắc của Khổng Tử đã khư khư bảo vệ nhà Trần và lên án Hồ Quí Ly. Thậm chí có nhà Nho như Bùi Bá Kỳ đi cầu cứu nhà Minh và đón chúng về để đánh nhà Hồ và xâm lược đất nước.
Cùng với quan niệm ấy, sau này đại bộ phận nhà Nho thời cuối Lê đã trung thành mù quáng với Lê Chiêu Thống, cùng với hắn đón quân Thanh về và nhiều người đến phút cuối cùng vẫn chống lại Quang Trung.
Khác hẳn với các nhà Nho ấy, Nguyễn Trãi đã suốt đời phục sự cho Tổ quốc, nhân dân chứ không bao giờ chỉ chiến đấu riêng cho một dòng họ.
Khi nhà Trần ngày một suy yếu, các vua bạc nhược, không đủ đức tài để bảo vệ và xây dựng đất nước nữa thì sự thay thế các vua Trần bằng những ngườì có tài đức hơn là một tất yếu lịch sử. Nguyễn Trãi theo quan niệm này nên khi Hồ Quí Ly phế bỏ nhà Trần để lên ngôi vua, ông cũng chẳng tiếc thương gì cho triều đại cũ mà còn cùng cha mình ra cộng tác với Hồ Quí Ly ngay từ buổi đầu.
Tiếc rằng, những cải cách to lớn của Hồ Quí Ly đã không được nhân dân ủng hộ. Nhà Hồ nhanh chóng thất bại vì đất nước đã bị quân Minh xâm chiếm. Vấn đề trung, hiếu lại được đặt ra với Nguyễn Trãi. Giặc Minh đã bắt vua và cha của ông giải về Trung Quốc. Theo đạo thờ vua cha, ông phải sống chết theo vua, cha. Nhưng ông đã không làm thế. Theo lời dạy của cha, ông đã quay trở về tìm đường cứu nước, cứu dân, coi đó mới thật là đại trung, đại hiếu.
Khác hẳn với các nhà Nho đương thời, mà một bộ phận đã theo giặc,
1 bộ phận đi với các vua hậu Trần, Nguyễn Trãi tìm đến Lê Lợi, một người áo vải ở Lam Sơn. Người ấy chẳng phải thuộc dòng họ vua chúa nào, nhưng có khả năng tập hợp quảng đại nhân dân để giải phóng đất nước. Chẳng ngạị mình là cháu ngoại nhà Trần, lại đỗ tiến sỹ và làm quan ngự sử của triều cũ, Nguyễn Trãi đã tình nguyện suốt đời, chiến đấu trung thành dưới cờ Lê Lợi.
4. Từ sức mạnh của nhân dân.
Nguyễn Trãi suốt đời gắn bó với nhân dân. Ở ông, Tổ quốc và nhân dân là một.
Trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi đã phác lên bức tranh cực khổ của nhân dân “lên núi đào vàng, ra khơi mò ngọc” hàng ngày, “đuổi bắt hươu đen, đi tìm trả biếc”. Bao người đã vùi thân đáy biển, chết vì lam chướng ở rừng sâu, bao cảnh nheo nhóc con bỏ cha, vợ mất chồng.
Trong hoàn cảnh ấy, Nguyễn Trãi, Lê Lợi, những người anh hùng thời đại đã cùng toàn thể nhân dân “đau đầu, nhức óc” “nếm mật, nằm gai” “ngày quên ăn, đêm quên ngủ” đã tìm ra kế sách giết giặc.
Nguyễn Trãi vĩ đại không chỉ ở tình cảm sâu sắc với nhân dân mà còn ở chỗ ông nhận thức được sức mạnh to lớn của nhân dân. Con đường cứu nước chính là con đường nhân dân tự cứu. Sức mạnh của nhân dân như sức mạnh của nước. Nứoc có thể đẩy thuyền di, nhưng nước có thể làm lật thuyền.
Chiến thắng vĩ đại của nhân dân ta trong rthời kỳ chống quân Nguyên là do Trần Quốc Tuấn và các vua Trần đã biết dựa vào dân và động viên toàn thể nhân dân chống giặc.
Nguyễn Trãi đã phân tích sâu sắc sự thất bại của nhà Trần sau này, của nhà Hồ và của cả quân xâm lược nhà Minh đều ở chỗ đã để mất lòng dân và không được nhân dân ủng hộ.
Nhận rõ sức mạnh của nhân dân, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã tập hợp nhân dân lao động nghèo khổ trong toàn quốc, gắn bó với nhau cùng giết giặc. Dựng gậy làm cờ, tụ họp bốn phương đánh giặc. Rượu hòa nước lã, dưới trên
một dạ cha con. Chính vì vậy mà một khi nghĩa binh đã dấy, bốn phương kéo đến như mây.
Nhìn rõ sức mạnh của quần chúng, Nguyễn Trãi một mặt tập hợp, động viên quân dân, mặt khác thực hiện chiến luợc “tâm công” đánh vào lòng qưuân địch. Chiến đấu chống giặc Minh trong điều kiện lực lượng rất chênh lệch, quân đông, dân đông gấp 20 lần dân nước ta thuở ấy.
Trong tình hình trên, Lam Sơn không thể lấy việc chiếm lại thành trì làm mục tiêu chủ yếu, không chỉ tiêu diệt sinh lực địch, mà còn hơn thế nữa, phải vĩnh viễn đè bẹp ý chí xâm lược của kẻ thù. Đây là công việc khó khăn mà chỉ riêng lực lượng quân sự không làm nổi. Công việc khó khăn thuộc về Nguyễn Trãi và từ công lao ấy Nguyễn Trãi trở thành người có tầm nhìn xa, thấy rộng và nổi bật lên giữa những tướng lĩnh của Lê Lợi.
Tâm công đánh vào lòng người. Đối với tướng lĩnh địch, tâm công vạch ra nhận thức mơ hồ, tình cảm xấu xa, hành động đê hèn của chúng, làm cho chúng thấy sự thất bại mà sớm phải rút quân. Đối với binh lính địch, tâm công làm cho chúng nhận ra chính nghĩa và sức mạnh của ta, đi đến phản chiến và đầu hàng. Cuối cùng tâm công phải nhằm dập tắt được ý chí xâm lược của kẻ thù.
Đối với nhân dân, thì làm sao cho mọi người no ấm, không còn tiếng “oán giận, sầu than” đó là điều vốn đã theo đuổi ông từ nhỏ, đến nay vẫn tiếp tục day dứt tới già. Có lúc ông mơ có một phép lạ nào đó giúp ông đem lại đới sống giầu đủ cho nhân dân: “Lẽ có Ngu cầm đàn một tiếng, Dân giầu đủ khắp đòi phương” (Bảo kính cảnh giới).
Mơ ước của ông đã chẳng thành hiện thực. Nhân dân khó lòng giầu đủ dưới chế độ phong kiến. Ưu hoạn của nhân dân tiếp tục là ưu hoạn lớn nhất của Nguyễn Trãi, con người đã sống một đời “coi công việc của quốc gia là công việc của mình, lấy điều lo của dân sinh làm điều lo thiết kỷ” (Chiếu cấm các đại thần, tổng quản, cùng các quan ở Viện, Sảnh, Cục tham lam, lười biếng).
5. Tấm gương sáng mãi.
Không được giao phó những công việc thiết thực ở triều đình, ông đành quay vào viết sách, làm thơ, nghiên cứu lịch sử, phong tục tập quán của đất nước... Khó lòng sống giữa triều đình, ông thường mơ tưởng trở về Côn Sơn để sống giữa núi sông, trời mây, hoa, cỏ, nơi ông đã sống những ngày thơ ấu, nơi ông đã gửi vào đấy biết bao tâm tinh, nơi ông dừng chân sau bao năm lưu lạc...
Triều đình cứ ngày một thối nát với sự tranh giành nhau giữa các phe phái. Những thủ đoạn nham hiểm nhất đã được sử dụng để sát hại nhau... Cuối cùng, để thỏa mãn nguyện vọng của ông và cũng để gạt ông ra khỏi việc nước, triều đình đã cho ông về nghỉ tại Côn Sơn. Ông như người trút được gánh nặng. Từ đây không ai quấy rầy ông nữa: “Trúc hữu thiên can tục khách, Trần vô bán điểm đáo sơn ca (Trúc có nghìn cây để ngắm, Bụi không nửa điểm bợn đến căn nhà trên núi”)
Nguyễn Trãi đã làm hàng trăm bài thơ ca ngợi cuộc sống xa cảnh phồn hoa, với tâm hồn thanh cao không “bận bụi đời”. Nhưng càng đọc thơ ông, ta càng thấy những lời lẽ đó hoàn toàn trái ngược với trạng thái thực sự của ông. Đằng sau những câu chữ, chúng ta đã thấy nổi dần lên tấm lòng của một con người không bao giờ nguôi trước cuộc sống diễn biến phức tạp trên đất nước yêu quí của mình: “Bui một tấc lòng ưu ái cũ, Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng” (thuật hứng).
Việc tất yếu phải xẩy ra, đã xẩy ra. Bi kịch lớn nhất của ông đã kết thúc bằng vụ án Trại Vải. Đối với vụ thảm án này, Đồng chí Phạm Văn Đồng đã nhận định: “Nguyễn Trãi nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá.
Nguồn gôc sâu xa của thảm án vô cùng đau thương của Nguyễn Trãi bị tru di ba họ là ở đó”
Ông nhân nghĩa quá, trung thực quá, thanh liêm quá khi xung quanh ông mọi người đã không còn nhân nghĩa, trung thực, thanh liêm như ông nữa. Ông đã một mình tỉnh khi mọi người đã say. Bạn ông là Nguyễn Mộng Tuân đã từng nhắc nhở ông điều này: “Giai quí tùy thân, vật độc tinh”.
Ông không muốn say như mọi người, nhưng thực ra ông cũng không thể tỉnh hơn người khác. Ông không thể vượt qua được thời đại của ông để suy nghĩ như chúng ta ngày nay. Ông không thể hiểu được những nguyên nhân nào đã dẫn đến sự tàn bạo của chế độ phong kiến và nỗi đau khổ của nhân dân. Ông mơ tưởng những “vua thánh, tôi hiền”, những “ngày Nghiêu, tháng Thuấn”, những cái không bao giờ còn trở lại. Ông đã không nhìn xã hội từ phía trước mà quay lại đằng sau, chán ghét cái xấu xa của con người mà không hiểu được rằng bản thân con người trên con đường trút bỏ cái lốt động vật của mình nhất định phải chứng kiến những hành động chưa xứng đáng với con người. Chúng ta không thể trách ông, vì hạn chế của ông chính là hạn chế của thời đại.
Chúng ta càng xót thương và kính phục Nguyễn Trãi bởi Nguyễn Trãi, trong phạm vi của thời đại ông đã vươn lên đến đỉnh cao nhất của thời đại và làm đầy đủ nhất những việc mà người trí thức trong hoàn cảnh ông có thể làm. Trong lúc nước nhà trải qua những ngày đen tối và đau khổ nhất, Nguyễn Trãi đã tìm thấy ánh sáng và đường đi. Ông đã đưa sự nghiệp của dân tộc đến những thắng lợi huy hoàng nhất. Ông gắn bó suốt đời với Tổ quốc và nhân dân, bất chấp gian nan, thử thách.
“Khi Linh sơn lương cạn mấy tuần. Lúc Khôi huyện quân không một lữ”…Ông vân kiên trì giữa những người kiên trì nhất, tin tưởng tuyệt đối vào thắng lợi cuối cung.
Trong lúc là vị đại phu của triều đình, ông vẫn sống giản dị trong túp lều tranh và cơm rau, áo vải, thông cảm với mọi thiếu thốn của nhân dân.
Gánh vác công việc nước, dù bị hắt hủi hay được tin dùng, ông vẫn lẳng lặng làm việc ngày đêm, và đến phút cuối cùng vẫn lo cho dân giầu, nước mạnh.
Với cuộc đời ấy và tâm hồn ấy, Nguyễn Trãi đã là vầng sao Khuê, từ đỉnh cao của thời đại ông, rọi sáng đến chúng ta ngày nay như tấm gương bất diệt của người trí thức
Lượt xem: 2791
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"