• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV5/5/2020 14:56

Nhớ về lớp sinh viên và thầy giáo các trường đại học “lớp trí thức trẻ” lên đường vào Nam chiến đấu những năm 1970-1975

Kỷ niệm 45 năm giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, những ký ức về lớp sinh viên các trường Đại học ở miền Bắc lên đường vào Nam chiến đấu những năm 1970-1975 lại ùa về: Chất thép, chất lạc quan, lãng mạn của lớp lính “trí thức” năm ấy đã để lại trong tôi những kỷ niệm không thể nào quên.

Từ năm 1970, nhất là từ 1971, 1972 trở đi, để tăng cường lực lượng cho chiến trường, tiến tới đánh thắng hoàn toàn toàn giặc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, Nhà nước ta thực hiện động viên cao độ sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến. Tôi nhớ khẩu hiệu lúc đó là “Động viên toàn lực, cố gắng vựợt bậc, anh dũng tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược”.
Thực hiện lệnh tổng động viên, các địa phương trên miền Bắc đồng loạt đưa hàng vạn thanh niên lên đường chi viện cho tiền tuyến, trong đó có sinh viên, giáo viên các trường Đại học, cao đẳng. Mùa Hè 1972, chúng tôi gồm 29 sinh viên và 5 thầy giáo của Trường Đại học Kỹ thuật Miền núi (nay là Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) cùng sinh viên, thầy giáo các trường đóng trên đất Thái Nguyên, thủ phủ Khu tự trị Việt Bắc lúc đó như Đại học cơ điện (nay là Đại học Công nghiệp), Đại học y, Đại học Sư phạm, Cao đẳng sư phạm…lên đường nhập ngũ.
 Ngày nhập ngũ, trường tôi (Đại học Nông Lâm Thái Nguyên) đang sơ tán tại xã Động Đạt, thuộc huyện Phú Lương, Thái Nguyên. Anh Vượng, sinh viên lớp 2C, Khoa Chăn nuôi thú y (sau này anh là Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên khóa 2005-2010), thay mặt anh em nhập ngũ phát biểu, hứa trước Nhà trường, đơn vị nhận quân. Tôi không nhớ toàn văn bài phát biểu của anh ngày đó song tôi nhớ (đại ý) anh nói: “lửa thử vàng, gian nan thử sức; quặng có qua lò luyện mới trở thành thép…chúng tôi hứa trước Nhà trường, quân đội:  không lùi bước trước khó khăn, nguy hiểm, quyết hoàn thành mọi nhiệm vụ Tổ quốc, quân đội giao…”.
Chúng tôi được phiên chế vào tiểu đoàn 76, sư đoàn 304B, đóng quân nhờ nhà dân tại xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, Thái Nguyên. Tiểu đoàn tôi chủ yếu là sinh viên các trường Đại học.
   Từ những sinh viên, thầy giáo giảng dạy đại học, nay đồng loạt thành anh binh nhì như nhau. Sau 4 tháng huấn luyện, chúng tôi được lệnh hành quân vào Nam chiến đấu. Trường tôi, 34 thầy trò cùng nhập ngũ, khi vào Nam chiến đấu chỉ có 20 người, gồm 18 sinh viên và 2 giáo viên, số còn lại được cử đi đào tạo  tại các trường quân chính hoặc học viên quân sự; tôi là một trong số 20 sinh viên, thầy giáo của trường nhập ngũ ngày ấy vào chiến trường Tây Nguyên.  Bốn  tháng  vượt  Trường  Sơn,  tuy chưa trực tiếp chiến đấu nhưng càng vào sâu, bom đạn càng ác liệt,  có những  trọng  điểm, chúng tôi phải đi vào ban đêm như khi vượt Đường 9, vượt Sông Sê Pôn, Sông Bạc (trên đất bạn Lào) trong ánh pháo sáng soi mói của máy bay địch. Hành quân bộ vất vả nhiều tháng, thiếu dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu rau xanh, sốt rét nên sức khỏe bộ đội có phần giảm sút. Rất nhiều đồng đội bị sốt rét, có đồng đội bị liệt do thiếu Vitamin (do không có rau xanh bổ sung Vitamin), có người bị sốt rét ác tính cướp đi sinh mạng khi chưa vào đến chiến trường. Trường Sơn hùng vĩ đã chở che đoàn quân vào Nam đánh giặc nhưng Trường Sơn cũng ôm ấp bao linh hồn của những người lính chết trẻ mà sau này khi đất nước thống nhất, quân đội đã tổ chức tìm cất, đưa các anh về đất mẹ, nhưng nay vẫn có đồng đội tôi  đang nằm lại ở gốc cây, cánh rừng nào đó trên dải Trường Sơn do chưa tìm lại được nơi các anh yên nghỉ. 
Hừng hực ý chí cách mạng và tính lãng mạn, lạc quan của những chàng sinh viên, thầy giáo (hồi ấy chúng tôi đùa gọi nhau là lính trí thức) trên đường hành quân, cùng với khẩu súng, trong bao lô ngoài 1 bộ quần áo dài, 1 bộ quần áo ngắn và quân tư trang thiết yếu là những tập phong bì, giấy viết thư, quyển sổ để ghi nhật ký, một số anh còn mang theo các quyển truyện như Thép đã tôi thế đấy, Chiến tranh và hòa bình, Sông Đông êm đềm, Người Mẹ,  Hòn Đất, Chiếc lược Ngà, thậm chí cả sách học tiếng Nga… Và điều đặc biệt, trên vành mũ chúng tôi luôn có dòng chữ: “Tuổi Xuân hát bài ca ra trận, Mỗi chàng trai một Lê Mã Lương” hoặc “Xẻ dọc Trường Sơn đi đánh Mỹ, Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, thậm chí còn viết bằng cả tiếng Nga (Vì ngày ấy, hầu hết các trường Đại học đều dạy tiếng Nga).
  Tiểu đoàn 76 chúng tôi được giao cho mặt trận Tây Nguyên (còn gọi là B3). Vào đến chiến trường, chúng tôi được biên chế vào các đơn vị khác nhau bắt đầu những tháng ngày chiến đấu ác liệt. Cánh lính sinh viên, thầy giáo chúng tôi chỉ chiếm số ít trong các đơn vị của mặt trận song có phần “cứng cáp” hơn nhiều tân binh khác bởi lẽ chúng tôi thường  nhiều tuổi hơn (trung bình 20-23 tuổi, đã trải qua 1 vài năm sống trong trường học đại học và cuộc sống tập thể sinh viên, được học tập, va chạm cuộc sống xã hội hơn ). Chẳng thế mà đồng chí chỉ huy đơn vị nhận quân khi tiếp nhận chúng tôi phấn khởi  nói: Lâu rồi mới được nhận một đơn vị có nhiều tân binh cứng cáp và có văn hóa cao như thế này.
  Sang năm 1973, tuy Hiệp định Pari về Việt Nam đã được ký kết, Mỹ và bè lũ chư hầu đã rút khỏi Miền Nam song cuộc chiến đấu giải phóng Miền Nam vẫn vô cùng ác liệt. Không những vậy, những tháng đầu năm 1973, đời sống bộ đội cũng rất thiếu thốn do lúc đó đường vận tải từ Bắc vào Nam còn rất khó khăn, bộ đội rất đói: Đi chiến đấu ăn 6 lạng gạo một ngày, ở hậu cứ ăn 2 lạng gạo một ngày cộng với một khúc sắn luộc (nếu có), thức ăn chủ yếu rau rừng; ruốc, cá khô là điều quí hiếm.
  Tuy đời sống và chiến đấu gian khổ, trước ngày vào trận chúng tôi  nghĩ có thể trận này mình chết, ấy vậy mà khi nằm trên cánh võng trên đường  ra trận hay những lúc được nghỉ để tập huấn quân sự, chính trị, cánh lính sinh
viên chúng tôi vẫn lấy truyện ra đọc (những cuốn truyện khi nhập ngũ mang theo), hát, đọc cho nhau nghe những bài hát, bài thơ yêu thích; có anh hý hoáy ghi nhật ký, viết thư, làm thơ, thậm chí có anh  cặm cụi ghi chép tư liệu để sau này nếu còn sống sẽ viết hồi ký, truyện, …Mà quả vậy, sau ngày giải phóng Miền Nam, nhiều anh em trong tiểu đoàn 76, F304 B hồi ấy đã viết tập hợp lại thành những tập truyện ngắn như các tập “Một thời hoa lửa”, thậm chí có anh viết thành tiểu thuyết như tiểu thuyết “Rừng đói” của Nguyễn Trọng Luân, nguyên sinh viên Đại học Công nghiệp Thái Nguyên được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản, phát hành.
  Sang năm 1974, đầu năm 1975, đường vận tải từ Bắc vào Nam được mở rộng hơn, kể cả tuyến Đông Trường Sơn (sau này tôi mới biết chỉ 2 năm 1973, 1974, khối lượng hàng hóa, vũ khí chuyển từ Miền Bắc vào Nam gấp 14-15 lần những năm trước đó. Vũ khí, lương thực, quân trang cho bộ đội được tăng cường. Lúc ấy là lính, chúng tôi không biết gì nhiều về các kế hoạch lớn của quân đội song thấy từng đoàn xe, pháo, tăng, tên lửa phòng không và các đoàn quân ùn ùn tiếp viện từ Bắc vào, chúng tôi linh cảm được là sẽ có đánh lớn trong nay mai và quả đúng như vậy: Từ cuối năm 1974, đầu năm 1975, ta tiến công giải phóng thị xã Phước Long, tỉnh Phước Long (nay là Bình Phước); đầu tháng 3 năm 1975, ta mở chiến dịch Tây Nguyên và ngày 10-11/3/ 1975, giải phóng thị xã Buôn Mê Thuật. Sau những đợt phản công tái chiếm lại thị xã Buôn Ma Thuột và các vị trí đã mất của quân đội Việt Nam cộng hòa tại Tây Nguyên thất bại, ngày 14/3/1975, địch rút hoàn toàn khỏi các tỉnh Tây Nguyên. Cánh lính sinh viên cùng trường tôi năm ấy sau khi tham gia giải phóng Tây Nguyên, tiếp tục cùng đơn vị tiến về giải phóng Sài Gòn, chứng kiến giờ phút lịch sử của dân tộc: 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975,  tổng thống cuối cùng của chế độ Việt Nam cộng hòa Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng. Chúng tôi nhảy cẫng lên ôm nhau, hò reo, vui mừng khôn xiết. Vui vì Miền Nam  đã hoàn toàn giải phóng, đất nước sẽ thống nhất, vui vì mình còn sống và trở lại quê hương, trở lại mái trường đại học để hoàn thành ước mơ đang dở, nhưng lòng chúng tội cũng nặng trĩu nỗi buồn: Đồng đội cùng trường vào Nam chiến đấu năm ấy nay chỉ còn lại già nửa, nhiều bạn đã mãi mãi không trở lại trường để đi tiếp giấc mơ trở trở thành người trí thức khoa học.
Kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Miền Nam, bao kỷ niệm thời trận mạc, về đồng đội, về những người lính sinh viên, người lính “trí thức” cùng trường nhập ngũ vào Nam chiến đấu năm ấy cứ ùa về: Trong số 20 thầy, trò của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên nhập ngũ, vào Nam chiến đấu năm ấy, 5 anh đã hy sinh, 4 anh bị thương nặng phải chuyển ra Miền Bắc điều trị, chỉ còn 11 người tham gia đến những trận đánh cuối cùng, trong số đó không ít người đã từng một đôi lần “ăn phải đạn địch”, chữa trị xong lại tiếp tục chiến đấu. Điều rất may mắn là 11 anh em còn lại từ khi tham gia chiến dịch Tây Nguyên đến kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn Miền Nam không ai hy sinh, mặc dù đơn vị không ít đồng đội đã  ngã  xuống kể từ khi chiến dịch nổ ra, có đồng đội hy sinh chỉ ít giờ trước khi quân ta toàn thắng.
 Sau ngày giải phóng, theo chính sách Nhà nước, cánh lính sinh viên một số tiếp tục ở lại phục vụ quân đội và sau này đều trở thành sỹ quan cấp cao của quân đội,  phần  lớn  trở  lại  các  Trường  đại  học tiếp tục học tập trở thành những trí thức khoa học, trong đó có người trở thành tiến sỹ khoa học, cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp ngành.
Nhớ lại những năm tháng gian lao của cuộc kháng chiến 45 năm về trước, lứa sinh viên, người lính chúng tôi năm ấy nay hầu hết đã vào tuổi 70, sức không còn khỏe nữa. Với độ tuổi ấy và độ lùi thời gian ấy, chúng tôi có quĩ thời gian để suy nghĩ sâu sắc hơn về những gì mình đã trải qua. Hỏi có sợ không  đi đánh trận? Thú thật: Sợ chứ, bản năng sinh tồn, con người ai mà chẳng sợ chết, nhưng chết như thế nào. Ngày ấy khi ra trận, chúng tôi nghĩ có thể trận này mình sẽ hy sinh, nghĩ vậy đấy song chúng tôi không hề chùn bước, tất cả dành tâm sức cho chiến đấu để chiến thắng, còn nếu chết thì đó là điều bình thường trong chiến trận và sẵn sàng đón nhận.
Lịch sử đã đưa chúng tôi  trở thành người lính chiến, được cùng hàng triệu người lính, cùng nhân dân cả nước ra trận và chiến thắng. Chúng tôi tự hào vì mình, những sinh viên “trí thức” đã đội lên đầu chiếc mũ tai bèo, làm anh giải phóng quân, được trực tiếp tham gia chiến đấu như nhà thơ Lưu Trùng Dương đã viết trong “Đường hành quân”: “Bàn chân anh đi khắp nẻo đường đất nước, Bao chiến công lấp lánh chiến kỳ”.
Chúng tôi hạnh phúc và may mắn. Hạnh phúc và may mắn vì đã được đi đến trận chiến cuối cùng và chứng kiến giây phút lịch sử của dân tộc. Hạnh phúc và may mắn vì còn sống và trở về nơi mình sinh ra lớn lên, trở lại mái trường đại học, hoàn thành ước mơ trở thành người trí thức cách mạng, tiếp tục cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chúng tôi tự hào đã vượt qua khó khăn, gian khổ và thách thưc khắc nghiệt của cuộc chiến, như Nhà thơ Lưu Trùng Dương đã viết: “Đường hành quân dù mưa ngàn, thác lũ, Dốc ngược, đèo ngang mây phủ trắng Trường Sơn. Dù nắng gắt, dẫu thiếu muối, thèm cơm. Tôi nguyện làm mầm xanh non trên cành xanh của Đảng, Làm chiến binh gang thép của nhân dân”.Chúng tôi  tự hào vì lịch sử đã cho chúng tôi cơ hội trực tiếp cùng nhân dân cả nước   giành độc lập, tự do cho dân tộc. Như lời cố đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói: “Tổ quốc ghi công lớp thầy giáo, sinh viên đã xếp bút nghiên lên đường chiến đấu và đóng góp xứng đáng vào chiến thắng của dân tộc”.
  Hạnh phúc, may mắn và tự hào song  chúng tôi không bao giờ quên những đồng đội đã ngã xuống trong cuộc chiến.
Lứa sinh viên Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên quê Tuyên Quang nhập ngũ năm 1972 với tôi năm ấy có 7 người,  5 người được cử vào Nam  chiến đấu,  hy sinh 2, đó là các anh Quân (quê Yên Sơn) và anh Hiệp (quê Sơn Dương), bị thương nặng ra Bắc 1, còn lại 2 người tham gia chiến đấu cho đến ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Kỷ niệm những ngày sống và chiến đấu trong thời khắc vô cùng khó khăn và ác liệt của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược,  cứ 5 năm 1 lần, chúng tôi những người lính thầy giáo, sinh viên nhập ngũ năm 1972 thuộc tiểu đoàn 76, F304 B ở khắp miền tổ quốc lại tổ chức gặp nhau tại Thái Nguyên, nơi chúng tôi nhập ngũ năm 1972, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời lính, một thời trận mạc, về đồng đội. Chúng tôi cũng trở lại nơi mình đã đóng quân, huấn luyện tại xã Thượng Đình, huyện Phú Bình, gặp gỡ chính quyền xã và thăm, tri ân những gia đình đã dành nhà, giường chiếu, động viên, cưu mang  chúng tôi những tháng ngày  khó khăn, ác liệt; thăm lại Trường quân chính quân khu I, nơi đã từng làm “thao trường” cho chúng  tôi tập luyện đánh địch trong thành phố …
Ngày gặp mặt, chúng tôi mời, đón cả những chỉ huy cũ của ở đơn vị huấn luyện, thân nhân gia đình thương binh, liệt sỹ của đơn vị  cùng tham dự.
Mỗi lần gặp mặt chúng tôi đều dành phút mặc niệm tưởng nhớ đồng đội,  những sinh viên cùng nhập ngũ năm ấy đã không thể cùng chúng trở về nơi thủa đầu trở thành người lính, gặp lại những gia đình nơi chúng tôi đã ở trong những ngày huấn luyện, thăm lại mảnh đất thao trường xưa đã cùng nhau tập trận.
Đất nước thống nhất đã 45 năm, ngày càng phát triển. Chúng ta không bao giờ muốn chiến tranh. Đảng, Nhà nước ta đã khẳng định: “Bảo đảm lợi ích tối đa của quốc gia, dân tộc, trên nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, bình đẳng và cùng có lợi, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế…”
“Tích cực, chủ động chuẩn bị lực lượng đủ mạnh và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của tổ quốc trong mọi tình hưống…”
Lớp chiến binh già chúng tôi, dù không còn khỏe nhưng còn sống ngày nào thì vẫn luôn giữ vững bản lĩnh “bộ đội Cụ Hồ”. Bằng sức lực, trí tuệ và hoàn cảnh cụ thể của mình tiếp tục đóng góp phù hợp cho xã hội, nhất là gương mẫu  chấp hành và động viên, nhắc nhở con cháu, người thân chấp hành đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các qui định của địa phương, nơi mình cư trú. Và nếu có kẻ thù xâm lược nước ta, chúng tôi sẽ tiếp tục đông viên con cháu mình và cùng toàn dân nhất tề đứng lên chiến đấu bảo vệ tổ quốc.
Nhân kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước, xin gửi lời chào đến tất cả những đồng đội cũ của tôi, những thầy giáo, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng ở Thái Nguyên đã cùng nhập ngũ tham gia vào cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược năm ấy hiện đang sống ở mọi miền Tổ quốc  sức khỏe, hạnh phúc.

Giang Văn Huỳnh, nhập ngũ năm 1972,
                             cựu sinh viên Trường Đaị học Nông lâm Thái Nguyên,
             Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang.

 

Lượt xem: 526

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 1976665- Đang online : 1636