• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV27/5/2020 15:56

Đội ngũ trí thức tỉnh Tuyên Quang, quá trình hình thành, phát triển

Đội ngũ trí thức Tuyên Quang được hình thành, phát triển song song cùng với sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam.

                                                         
I. Quá trình hình thành, phát triển đội ngũ trí thức Tuyên Quang
 
1. Nhận thức về trí thức trên thế giới.(1)
 
Trí thức là vấn đề lớn và phức tạp, đã có nhiều nhà chính trị, khoa học quan tâm nghiên cứu. Ở các thời kỳ lịch sử khác nhau và ở các nước khác nhau, người ta cũng có nhận thức về trí thức khác nhau.
Xin lược nêu nhận thức, một số khái niệm (hay định nghĩa) về trí thức ở các nước trên thế giới.
Ở Mehicô, họ nhận thức trí thức phải là người có nhiều công trình khoa học giá trị, đóng góp xuất sắc cho đất nước, được cả xã hội biết đến, họ không tính đến yếu tố bằng cấp.Với quan niệm như vậy, nước Mêhicô có trên 100 triệu dân nhưng chỉ có vài trăm người được coi là trí thức.
Ở Xingapo, trí thức phải là nhân tài, hiền tài
Ở các nước phương Tây hiện nay, người ta ít nói đến khái niệm “tầng lớp trí thức” mà thường dùng thuật ngữ “người trí thức” hay “chuyên gia” để chỉ đội ngũ trí thức.
Tại nước Nga, họ nhận thức trí thức là tầng lớp những người làm nghề lao động trí óc phức tạp, sáng tạo,  phát triển và phổ biến văn hóa.
Tại Pháp, họ nhận thức: Trong các nước khác nhau, khái niệm về trí thức khác nhau. Trong các thời đại khác nhau, chức năng trí thức cũng khác nhau.
Ở Cu Ba, những người học bậc phổ thông (có thể hiểu hết bậc phổ thông trung học) được coi là trí thức.
Các nhà kinh điển như C. Mác quan niệm trí thức là những nhà văn, nhà báo, những người hoạt động nghệ thuật, bác sỹ, kỹ sư, nhà khoa học kỹ thuật, nhà lý luận tuyên truyền, giáo viên, giới sỹ quan, viên chức và các nhà hoạt động chính trị.
 Ph.Ăngghen: “giai cấp vô sản lao động trí óc phải được hình thành từ hàng ngũ sinh viên, giai cấp đó có sứ mạng phải kề vai sát cánh và  đứng trong cùng đội ngũ với những người anh em của họ, những người lao động chân tay, đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng sắp tới đây…”.
 Lê nin: “Trí thức không những chỉ bao hàm trước tác mà thôi, mà còn bao hàm tất cả mọi người có học thức, các đại biểu của lao động trí óc…”.
 Tại nước ta (Việt Nam) từ trước tới nay cũng có những định nghĩa, cách hiểu khác nhau về trí thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: Một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản.  Khoa học tự nhiên từ đó  mà
ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và đấu tranh xã hội. Khoa học xã hội từ đó mà ra. Ngoài hai cái đó không có trí thức nào khác. Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: Công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Muốn trở thành người trí thức hoàn toàn thì phải đem trí thức đó áp dụng vào thực tế”.
Như  vậy  chúng  ta hiểu  là khi nói  về  trí thức,  C. Mác, Ph. Ăng ghen, V I.Lenin, Hồ Chí Minh đều có ý nghĩ là: Trí thức là người lao động trí óc, hoạt động của họ phải gắn với xã hội.
Từ điển bách khoa (Hà Nội năm 2005) ghi: “Trí thức là tầng lớp xã hội làm nghề lao động trí óc,  trong  đó  bộ  phận chủ yếu là người có trình độ học vấn cao, hiểu biết sâu rộng về chuyên môn của mình, có sáng tạo và phát minh”.
Gần đây nhất, Nghị quyết hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) nêu định nghĩa về trí thức : “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về trình độ chuyên môn nhất định, có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giầu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.
Từ các nhận thức, khái niệm trên và trên quan điểm của Chủ nghĩa Mác Lê nin, Hồ Chí Minh và của Đảng ta, chúng ta nhận thức chung là: Trí thức là những người lao động trí óc; có trình độ học vấn cao, có sáng kiến, phát minh, công trình nghiên cứu khoa học có ích cho xã hội; biết gắn lý luận với thực tiễn; có tư duy độc lập; biết truyền bá và làm giầu tri thức; yêu tổ quốc, gắn bó với nhân dân, chung sức xây dưng đất nước giầu mạnh.
Và trí thức là một phạm trù lịch sử, tùy theo từng thời kỳ lịch sử và đặc điểm ở mỗi nước mà trí thức có biểu hiện khác nhau về trình độ học vấn, cơ cấu nghề nghiệp, về chính trị, tư tưởng và do đó người ta “xếp ai là trí thức”.
2.Trí thức Việt Nam nói chung, trí thức Tuyên Quang hình thành từ khi nào?
2.1. Sự hình thành đội ngũ trí thức Việt Nam.
Đội ngũ trí thức thời kỳ phong kiến.
Từ khi bắt đầu dựng nước cho đến thời kỳ Bắc thuộc, nước ta chưa có đội ngũ trí thức vì lúc đó nền giáo dục rất sơ khai, chưa phát triển.
Khi nước ta giành được độc lập năm 938, chế độ phong kiến ra đời, bắt đầu chú ý phát triển văn hóa, giáo dục nhưng cũng chưa có đủ điều kiện để đào tạo, phát triển, hình thành đội ngũ trí thức. Những trí thức đầu tiên của thời kỳ này phần nhiều là các nhà sư. Họ vừa tu hành, vừa tham gia vào hoạt động quản lý xã hội của nhà nuớc  phong kiến.
Đến thời Lý, thời Trần, thời Hồ, thời Lê, giáo dục có bước phát triển hơn. Hệ thống giáo dục hình thành 3 loại trường: Quốc tử giám ở kinh đô; các trường quốc lập ở phủ, huyện; trường tư ở các thôn, xóm.
Đến thời Nguyễn, trường công phát triển mạnh hơn ở phủ, huyện nhưng
vẫn chưa có trường công ở cấp xã. Theo các tài liệu ghi chép, thời Tự Đức có
158 trường học ở phủ, huyện; vùng đồng bằng thường 1-2 huyện có 1 trường, vùng miền núi thuờng 1 tỉnh có 1 trường.
Về thi cử để tuyển chọn nhân tài: Từ khoa Nho thi đầu tiên (1075) đến khoa thi cuối cùng (1919) các triều đại phong kiến Việt Nam đã tổ chức 187 kỳ thi Hội, thi Đình, tuyển chọn được 2.898 tiến sỹ, ngoài ra còn có hàng vạn cử nhân (hương cống), tú tài (sinh đồ).
Lực lượng những người đỗ đạt này cùng các thầy đồ, thầy khóa, các nhà Nho ở làng xã tạo thành tầng lớp trí thức (đội ngũ) sĩ phu.
Như vậy tầng lớp trí thức sỹ phu trong thời kỳ phong kiến ở nước ta không chỉ gồm những người đỗ đạt cao (tiến sỹ), đỗ cử nhân, tú tài mà còn bao gồm cả những người là các thầy giáo ở các làng xã.
Đội ngũ trí thức thời Pháp thuộc.
Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta đến năm 1945, hệ thống giáo dục Hán học từng bước bị xóa bỏ, hình thành hệ thống giáo dục Pháp -Việt, được chia thành 3 cấp: Tiểu học, Trung học, Cao đẳng và Đại học. Đến cuối năm 1944, trí thức nước ta đã tăng lên khá nhiều. Số lượng giáo viên các cấp có khoảng 19 ngàn người. Cán bộ khoa học và trí thức làm các nghề khác có khoảng 1 vạn người. Ngoài ra còn có lực lượng công chức làm việc trong chính quyền thuộc địa khoảng 3,8 vạn người.
Đây là lớp trí thức của thời kỳ này.Khối lượng kiến thức và trình độ hiểu biết của lớp trí thức này phong phú, toàn diện hơn so với lớp trí thức Nho học trước đó.
Đội ngũ trí thức Việt Nam từ sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến nay.
Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, công cuộc xây dựng chế độ mới đòi hỏi nỗ lực của toàn dân, trong đó có đội ngũ trí thức. “Tiêu chuẩn trí thức” giai đoạn lịch sử này cũng đòi hỏi cao hơn, nhất là về tri thức.
Thi hành Chỉ thị và hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch về xây dựng đời sống văn hóa mới, chống nạn “giặc dốt” và tìm người tài đức ra giúp nước, phong trào giáo dục phát triển rộng rãi, nhiều trí thức, kể cả ở nước ngoài tình nguyện về nước tham gia xây dựng chế độ mới.
Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, cùng với đẩy mạnh công cuộc kháng chiến, tại các vùng do ta kiểm soát, phong trào giáo dục vẫn được chú ý phát triển. Tại chiến khu Việt Bắc, đã bước đầu xây dựng hệ thống giáo dục đại học, cao đẳng nhằm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức cách mạng Việt Nam. Chính phủ cũng cử một số học sinh gửi đi học tại Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa nhằm đào tạo đội ngũ trí thức phục vụ công cuộc kháng chiến và kiến quốc.
Tại vùng tạm chiếm, thực dân Pháp cho mở các trường đại học, cao đẳng, chủ yếu ở 2 thành phố lớn là Hà Nội, Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh) với các trường Đại học Y-Dược, Đại học Luật và Khoa học, Đại học Văn khoa ở Hà Nội và 3 chi nhánh ở Sài Gòn cùng các trường Cao đẳng công  chính, Cao đẳng vô tuyến điện.  Học  sinh  chủ  yếu  là con em quan chức làm
việc cho Pháp và gia đình khá giả. 
   Sau khi miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, một một số trí thức bị địch kích động lôi kéo đã ra nước ngoài hoặc di cư vào miền Nam, song phần lớn  đã ở lại miền Bắc.
Để đáp ứng yêu cầu cách mạng trong giai đoạn mới, tại miền Bắc, Đảng và nhà nước ta đã mở thêm nhiều trường đại học, cao đẳng đào tạo đội ngũ trí thức; cử hàng ngàn sinh viên đi đào tạo tại các nước xã hội chủ nghĩa để tạo nguồn trí thức phục vụ xây dựng đất nước.
Ở Miền Nam, chế độ Việt Nam cộng hòa lúc đó cũng mở các trường đại học, cao đẳng, hàng năm tuyển hàng vạn sinh viên vào học tại các trường: Viện Đại học Sài Gòn, Viện Đại học Huế, Viện đại học Cần thơ, Viện Đại học Bách khoa Thủ Đức, Viện Đại học Đà Lạt  … (khoảng trên 10 viện) và hàng chục trường Cao đẳng, trung cấp.
Cũng phải kể đến một số trí thức là sinh viên miền Nam học tại các nước tư bản trở về làm việc tại miền Nam trong thời gian này (1954-1975).
Sau khi chế độ Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam sụp đổ, một số trí thức bị địch lôi kéo, kích động đã ra nước ngoài nhưng phần lớn vẫn ở lại miền Nam.
Sau khi đất nước thống nhất, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách sử dụng đội ngũ trí thức do chế độ cũ đào tạo còn ở lại miền Nam và đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, vì vậy đội ngũ trí thức phát triển nhanh về số lượng và chất lượng.
Theo số liệu thống kê đến năm 2018, cả nước có gần  6 triệu người có trình độ đại học, trên 26 nghìn tiến sỹ và gần 3 vạn thạc sỹ.
2.2. Sự hình thành đội ngũ trí thức Tuyên Quang.
Đội ngũ trí thức Tuyên Quang được hình thành, phát triển song song cùng với sự phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam.
Thời kỳ phong kiến, các quan lại được triều đình phong kiến bổ làm quan cai trị vùng đất Tuyên Quang là những “trí thức đầu tiên” tại Tuyên Quang. Năm 1418, Nhà Minh thiết lập các Phủ Nho học, trong đó có truờng dạy chữ Nho ở Tuyên Quang. Lớp “thầy” dạy chữ Nho này cùng với quan cai trị hình thành số lượng những “người trí thức” đầu tiên tại Tuyên Quang.
Đến triều Nguyễn, Minh Mạng cho lập Văn Miếu tại xã Ỷ La, Hàm Yên, Yên Bình. Đến đời Thiệu Trị (1884), cho đặt chức Giáo thụ ở Tuyên Quang để khuyến khích phát triển giáo dục. Tuy nhiên kể từ năm 1807-1919 (năm 1919 là kỳ thi cuối) có các khoa thi Hội, thi Đình để chọn tiến sỹ, cử nhân, hương cống nhưng Tuyên Quang không có ai dự thi.
Như vậy thời kỳ này, những trí thức của Tuyên Quang vẫn là số quan lại cai trị và đội ngũ giáo viên Nho học tại các trường, lớp mở tại các phủ, huyện. Số trí thức chỉ đếm “trên đầu ngón tay”.
Thời Pháp thuộc cho đến trước cách mạng tháng 8/1945, hệ thống giáo dục ở Tuyên Quang tuy có phát triển hơn nhưng cũng chỉ có:  1 Trường  nông
nghiệp  thực  hành  (Trường trung cấp nông nghiệp duy nhất ở Đông Dương),
7 trường  tiểu  học  tại  thị  xã và các huyện. Số trí thức tại Tuyên Quang thời kỳ này tuy có tăng lên nhưng vẫn chỉ là các quan lại trong bộ máy cai trị và giáo viên tại các trường học (cũng khoảng trăm người).
Trong thời kỳ kháng chiến, với vị trí là trung tâm thủ đô kháng chiến, giáo dục ở Tuyên Quang có bước phát triển nhanh chóng. Tính đến cuối năm 1954, toàn tỉnh có 110 trường phổ thông, trong đó có 1 trường trung học phổ thông (Trường Trung họcTân Trào), 1 Trường cấp II (Trường cấp II Tam Đa- Hồng Lạc), còn lại là các trường Tiểu học. Đội ngũ giáo viên có gần 270 người. Ngoài các giáo viên dạy học tại các cơ sở giáo dục trên, còn có số trí thức giảng dạy tại Trường Đại học Y tại Chiêm Hóa và các trường, lớp bồi dưỡng chính trị, quân sự của chính phủ kháng chiến đóng tại Tuyên Quang trong giai đoạn này.
 Đội ngũ giáo viên trên cùng các nhân sỹ, trí thức khoa học đi theo kháng chiến và các cán bộ cách mạng trong các bộ, Ban, ngành, cơ quan của chính phủ kháng chiến hoạt động tại Tuyên Quang hợp thành đội ngũ trí thức tại Tuyên Quang trong giai đoạn này.
Nếu tính về số lượng, đội ngũ trí thức ở Tuyên Quang thời kỳ này cũng chỉ gần ngàn người.
 


Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Tuyên Quang, ngôi nhà chung của trí thức Tuyên Quang.

 
Đội ngũ trí thức Tuyên Quang từ 1954 đến nay.
Đến năm 1975, đội ngũ trí thức của tỉnh đã tăng lên nhiều lần so với năm 1954. Tính đến cuối năm 1973, chỉ tính số người có trình độ đại học trở lên làm việc trong các lĩnh vực của tỉnh có 1.119 người, ngoài ra còn có trên 4.100 người có trình độ trung cấp. Từ sau khi đất nước thống nhất đến nay, đội ngũ trí thức Tuyên Quang có bước phát triển nhanh, đa dạng về số lượng, ngành nghề và nguồn đào tạo. Tính đến cuối năm 1992 (năm đầu tách tỉnh), số người có trình độ đại học trở lên đang làm việc trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp ở  Tuyên Quang có 2.272 người, gấp 2 lần năm 1973 và hiện nay (2018) có trên  24 nghìn người, trong đó có trên 1000 người có trình độ trên đại học (45 tiến sỹ, 1200 thạc sỹ và tương đương), so với năm 1954 gấp trên 100 lần, so với năm 1973  gấp gần 24 lần, so với năm 1992 gấp 10,5 lần.
 
                                                                               (còn tiếp)
(1)Bài viết có tham khảo các tài liệu của:
- Nguyễn Văn Khánh: Trí thức với Đảng, Đảng với trí thức (Nxb Thông tấn 2004);
- Thực trạng và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam: Nguyễn Đức Vượng, Nxb Chính trị quốc gia –sự thật 2014;
- Định hướng phát triển độ ngũ trí thức Việt Nam trong CNH,HĐH: Phạm Tất Dong, Nxb Chính trị quốc gia-sự thật 2014;
- Và một số tư liệu khác đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép xuất bản.
 
Giang Văn Huỳnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang.

Lượt xem: 419

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 980338- Đang online : 196