• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV2/6/2020 14:36

HỒ NGUYÊN TRỪNG (? 1446) Nhà văn hải ngoại đầu thế kỷ XV

Trang tin điện tử của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật xin tiếp tục giới thiệu loạt bài viết về danh nhân Việt Nam


 
           Hồ Nguyên Trừng là con trai cả Hồ Quý Ly. Khi Hồ Hán Thương, em trai Hồ Nguyên Trừng làm vua thì Hồ Nguyên Trừng làm Tả tướng quốc. Trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh của Nhà Hồ, Hồ Nguyên Trừng giữ vai trò quan trọng và là người rất hiểu thời thế, nhân tâm. Trong một cuộc họp của nhà Hồ bàn cách đối phó với người Minh, Hồ Nguyên Trừng nói “Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân có theo hay không theo thôi”. Hồ Nguyên Trừng đã nói rõ chỗ yếu nhất của nhà Hồ khi phát động cuộc kháng chiến chống giặc Minh, đó là họ không được toàn dân đồng tâm ủng hộ. Hồ Nguyên Trừng đã dũng cảm chiến đấu đúng với tinh thần “không ngại đánh”. Ngay từ đầu, Hồ Nguyên Trừng đã có mặt trên chiến trường sông Cầu (vùng Đáp Cầu) và súyt bị nguy khốn. Sau trận đánh dữ dội ở Đa Bang (thuộc huyện Giao Thủy, Nam Định), Hồ Nguyên Trừng đã cho đắp lũy, đúc súng, đóng thuyền để chống giặc. Ông đã chiến đấu và bị giặc bắt tại cửa biển Kỳ La (phía nam Hà Tĩnh) và bị giặc Minh đưa về Trung Quốc. Biết Hồ Nguyên Trừng là người có tài về kỹ thuật quân sự nên nhà Minh đã biệt đãi, trọng dụng, cử ông làm quan tới chức Thượng thư bộ công. Theo Minh sử, Hồ Nguyên Trừng đã chế ra súng “thần cơ” có 3 loại lớn, nhỏ khác nhau: Súng lớn đặt trên lưng voi, súng nhỡ 2 người khiêng, súng nhỏ vác vai.
            Khi có súng thần cơ của Hồ Nguyên Trừng, nhà Minh phải tổ chức phiên chế lại quân đội cho phù hợp với vũ khí này. Mỗi lần xuất trận bắn thần cơ, nhà Minh đều làm lễ tế Hồ Nguyên Trừng. Hồ Nguyên Trừng được coi là ông tổ súng thần công Trung Quốc.
            Không chỉ giỏi về chế tạo vũ khí, Hồ Nguyên Trừng còn để lại tác phẩm “Nam Ông mộng lục”, nghĩa là ghi chép các truyện trong mộng của ông già phương Nam. Nam Ông là tên hiệu của Hồ Nguyên Trừng khi ông sống ở Trung Quốc.
Nam Ông mộng lục gồm 31 thiên truyện, kể về các nhân vật nước ta thời Lý, Trần, Hồ. Trong tác phẩm này có lời tựa đề ở đầu sách của Hồ Huỳnh, viên quan thượng thư bộ lễ, đồng liêu với Hồ Nguyên Trừng viết năm 1438 và bài hậu tự của Tống Chương, một người Việt Nam cũng làm quan triều Minh, viết năm 1442. Sách Nam Ông mộng lục được in trong nhiều sách cổ Trung Quốc như Kỷ lục vựng biên, Ngũ triều tiểu thuyết, Hàn lâm lâu bí kíp, Trùng thư tập thành sơ biên… Ở Việt Nam, Nam Ông mộng lục có in trong bộ Hàm phân lâu bí kíp.
            Trong bài tựa Nam Ông mộng lục, Hồ Nguyên Trừng nói rõ ông viết cuốn sách này cũng như ý nghĩa của tên gọi cuốn sách: “ Sách luận ngữ thường nói: trong cái xóm 10 nhà, thế nào cũng có người trung tín như Khâu (tức Khổng Tử) này, huống hồ nhân vật đất Nam Giao (tức Việt Nam) từ xưa đã đông đúc, nhẽ nào cho là nơi hẻo lánh mà không có người giỏi. Trong lời nói, việc làm của tiền nhân, trong tài năng có nhiều điều khá thủ. Đến khi binh lửa, sách vở bị cháy sạch nên những điều đó không ai còn nghe thấy nói thêm nữa, há chẳng đáng tiếc sao. Nghĩ tới điều này, tôi dần tìm đến chuyện cũ, song thấy mất mát gần hết, trăm phần chỉ còn được một, hai, bèn góp lại thành sách, gọi là Nam Ông mộng lục, phòng khi có người đọc tới. Một là để biểu dương việc tốt của người đời xưa, hai là để cung cấp những điều mới lạ cho bậc quân tử. Có kẻ hỏi tôi: “Sách lấy tên là mộng lục, ý nghĩa thế nào? Tôi đáp: “nhân vật trong sách xưa kia rất phong phú, chỉ việc đời thay đổi, dấu tích không còn, chỉ có tôi là người biết và kể lại, thế chẳng phải mộng là gì? Các bậc đại nhân quân tử có thấu cho chăng? Còn 2 tiếng Nam Ông là tên tự của Trừng tôi vậy…”
            Qua bài tựa này, có thể thấy ở Hồ Nguyên Trừng không ít nỗi niềm tâm sự của người phải sống xa quê hương, đất nước, chỉ biết hồi tưởng về những chuyện xa xôi, như một giấc mộng trong đời.
            Nam Ông mộng lục còn cung cấp cho chúng ta một số tư liệu lịch sử quí về cuộc sống xã hội thời Lý, Trần như nét sinh hoạt tín ngưỡng, trào lưu đạo giáo, sinh hoạt thi văn trong giới thi nhân, mặc khách, phong độ, cốt  cách  của  các  sỹ  phu  quân tử…  Trong tập sách còn cho biết Trần Nhân Tông có tập thơ là Đại hương hải ẩn tập và Trần Nguyên Đán là người rất giỏi thiên văn, lịch pháp, đã soạn bộ sách Bách thể thông ký thư.
            Đặc biệt qua truyện Thầy thuốc từ tâm y (Y thiện dụng tâm) ta biết thời Trần có những thầy thuốc tâm đức rất cao, đã mở bệnh đường từ thiện.
            Nam Ông mộng lục ngoài giá trị lịch sử còn có giá trị văn học cao. Nhận xét, đánh giá về văn Hồ Nguyên Trừng, Thượng thư bộ lễ triều Minh Hồ Huỳnh viết: “Văn ông ngắn gọn mà nghiêm trang, cẩn mật cao nhã mà uyên bác, theo tình kể việc, theo nghĩa đặt lời, vừa thú vị, vừa thiết thực… Ca ngợi sự tiết nghĩa thì bưng bừng cảm khái, có thể uốn nắn phong tục; biểu dương trước thuật thì siêu thoát, thanh tân, có thể nuôi dưỡng tính tình…”
            Trong lịch sử văn học cổ Việt Nam, loại tản văn, dưới hình thức ghi chép (lục, ký, chí) của thời Lý, Trần còn lại đến nay hết sức hiếm hoi. Có lẽ Việt diệu u linh, Lĩnh Nam chính quái và Nam Ông mộng lục  là những tập tản văn (mang tính chất tiểu thuyết) xưa nhất còn lưu bản được. 

                                                                 Theo Tạ Ngọc Liễn 
                           Văn Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh lược giới thiệu
 
 
 

Lượt xem: 494

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 971162- Đang online : 276