• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV4/6/2020 15:23

Tuyên Quang phát huy tiềm năng, lợi thế, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng

Là nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp, nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của các dân tộc và là vùng đất giầu truyền thống cách mạng, “Thủ đô Khu giải phóng”, Thủ đô Kháng chiến”, Tuyên Quang có nhiều tiềm năng để đưa du lịch phát triển thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh


          Tuyên Quang, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa, được ví như một “bảo tàng cách mạng” của cả nước. Là nơi được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh đẹp nên thơ. Đồng thời còn là nơi khởi phát, hội tụ, giao thoa của văn hoá các dân tộc thiểu số vùng núi phía Bắc với nhiều lễ hội đặc sắc, những truyền thuyết, những làn điệu dân ca thắm đượm tình người. Có thể nói Tuyên Quang hội tụ đủ các thế mạnh để phát triển các loại hình du lịch: Lịch sử, văn hóa, tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng...
Với tiềm năng sẵn có, nhiều nhiệm kỳ qua, tỉnh luôn xác định du lịch là khâu đột phá, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân. Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và bằng nhiều giải pháp thiết thực, du lịch Tuyên Quang đã đạt được kết quả nhất định, đó là: Tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch và quy hoạch tổng thể 3 khu: Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào, Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang. Các phân khu chức năng trong khu du lịch đang triển khai hoàn thiện; đồng thời tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí trong triển khai một số nội dung thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch…Thông qua đó, tỉnh đã mời gọi được một số nhà đầu tư chiến lược thực hiện các dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao tại Tuyên Quang, như: Trung tâm Thương mại, nhà phố thương mại (Shop-house) Vincom Tuyên Quang, Dự án Vinpearl Tuyên Quang (của Tập đoàn Vingroup), Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang (của Tập đoàn khách sạn Mường Thanh), Tập đoàn FLC và nhiều nhà đầu tư đang tìm hiểu, triển khai dự án đầu tư tại huyện Sơn Dương, Nà Hang, Lâm Bình. 
           Tập trung xây dựng được các sản phẩm du lịch, nổi bật là Lễ hội thành Tuyên đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có do chính nhân dân sáng tạo, khởi xướng. Lễ hội được tổ chức thường niên gắn với các sự kiện văn hóa cấp quốc gia và khu vực, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự và đã được Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận Lễ hội có nhiều mô hình đèn trung thu độc đáo, hấp dẫn, lớn nhất Việt Nam. Tỉnh đặt mục tiêu xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu quốc gia và quốc tế để giới thiệu với du khách trong và ngoài nước về hình ảnh miền đất, con người và các giá trị di sản văn hóa của Tuyên Quang, đặc biệt là những giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa quê hương cách mạng, "Thủ đô khu giải phóng" - " Thủ đô kháng chiến", góp phần thúc đẩy du lịch của tỉnh ngày càng phát triển.
Là mảnh đất của nhiều đền, chùa nổi tiếng, thích hợp cho việc phát triển loại hình du lịch văn hóa tâm linh, Tuyên Quang đã khẳng định được thương hiệu là “Vùng đất linh thiêng", "Miền đất Mẫu" được nhiều khách hành hương, chiêm bái nhắc tới. Nhiều bản hội đã gắn bó và trở thành lượng khách thường xuyên đối với các đền thờ Mẫu ở Tuyên Quang, đặc biệt hằng năm vào tháng 2 âm lịch, Lễ hội Đền Hạ, Đền Thượng, Đền Ỷ La - một lễ hội có truyền thống hơn 300 năm tôn vinh những giá trị văn hóa của nhân dân thành phố Tuyên Quang được tổ chức, thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham dự. Với giá trị nổi bật về văn hóa, Lễ hội đền Thượng, đền Hạ và đền Ỷ La đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016. Nhằm đưa du lịch tâm linh Tuyên Quang trở thành một trong những trung tâm du lịch tâm linh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch tâm linh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang để gắn kết với các sản phẩm du lịch đặc trưng là thế mạnh của tỉnh như du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và bảo tồn các giá trị lịch sử trên địa bàn tỉnh.
 Phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cũng là thế mạnh của tỉnh. Hiện nay Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm đã thu hút một số doanh nghiệp lớn đang đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, trong đó có Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Tuyên Quang, đầu tư hạng mục: Khu biệt thự nghỉ dưỡng; khu dịch vụ khám chữa bệnh bằng liệu pháp trị liệu nước khoáng nóng; khu khoáng nóng; khu dịch vụ Clubhouse; sân Golf Mỹ Lâm. Dự án đầu tư xây dựng sân golf và làng du lịch sinh thái Mimosa… Đây sẽ là điều kiện để đưa Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu du lịch dịch vụ tổng hợp cao cấp, tạo đà thúc đẩy du lịch của tỉnh phát triển bền vững. Ngoài ra, Khu du lịch đã xây dựng nhãn hiệu (logo) "Nước khoáng thiên nhiên Mỹ Lâm" được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ cấp, là điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu sản phẩm nước khoáng cũng như quảng bá giá trị nguồn nước khoáng, tạo thương hiệu điểm đến, nâng cao khả năng cạnh tranh của khu du lịch.
Tuyên Quang có hệ sinh thái đa dạng, độc đáo, nhất là Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình có nhiều cảnh đẹp, với những cánh rừng nguyên sinh, dòng thác, hang động kỳ thú, hệ động thực vật phong phú, nhiều loài được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: Trai, nghiến, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, thông pà... đặc biệt nơi đây vẫn còn giữ được cây nghiến nghìn năm tuổi với đường kính rộng từ 4 - 5 m. Với những giá trị nổi bật, Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng danh thắng quốc gia đặc biệt và đã trở thành một điểm đến của đông đảo du khách trong và ngoài nước; đồng thời là điều kiện thuận lợi để tỉnh phối hợp với tỉnh Bắc Kạn xây dựng hồ sơ Khu Di sản thiên nhiên Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn) - Na Hang (tỉnh Tuyên Quang) để trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
 


Khách du lịch tham quan Hồ Thủy điện Tuyên Quang. Nguồn: BTV
 
 Là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa riêng của mình, các huyện, thành phố đã chú trọng khai thác, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tập trung triển khai xây dựng đề án phát triển du lịch cộng đồng và đã hình thành một số điểm thu hút đông đảo khách du lịch tham quan, trải nghiệm, như: điểm du lịch cộng đồng tại thôn Bản Ba, xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa); thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (huyện Lâm Bình); thôn Nà Khá xã Năng Khả, thôn Khau Tràng xã Hồng Thái (huyện Na Hang); thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú (thành phố Tuyên Quang)...
Để du lịch Tuyên Quang thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng,  cần phải tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch trong cộng đồng và cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh công tác thông tin, xúc tiến, quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Chú trọng tổ chức, đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch cấp quốc gia và khu vực; các chương trình khảo sát, xây dựng tua, tuyến, điểm du lịch cho các doanh nghiệp lữ hành; thu hút các cơ quan thông tấn, báo chí có uy tín trong và ngoài nước quảng bá tiềm năng du lịch của tỉnh. Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các chương trình kết nối tua, tuyến du lịch, góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của du lịch Tuyên Quang, gắn điểm đến Tuyên Quang vào chuỗi giá trị du lịch liên tỉnh, liên vùng.
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch, ưu tiên các khu du lịch trọng điểm, động lực như: Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào; Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang-Lâm Bình; thành phố Tuyên Quang và vùng phụ cận. Từng bước xây dựng Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp của khu vực. Tăng cường thực hiện quy hoạch và đầu tư xây dựng các điểm du lịch trên địa bàn huyện, thành phố để tạo sự kết nối phát triển.
Gắn kết chặt chẽ việc phát triển du lịch với bảo tồn, nhất là bảo tồn và phát huy các giá trị tài nguyên thiên nhiên, di sản văn hóa, lịch sử và bản sắc văn hóa các dân tộc. Nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch hiện có, tiếp tục xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, có khả năng cạnh tranh cao dựa trên thế mạnh về tài nguyên và vị trí, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Tuyên Quang trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
Chú trọng xây dựng, sản xuất các sản phẩm, quà tặng, hàng lưu niệm du lịch, ẩm thực truyền thống mang thương hiệu đặc trưng của Tuyên Quang; xây dựng và triển khai kế hoạch phát triển các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và nghề truyền thống, xây dựng các trang trại, gia trại nông nghiệp hàng hóa phục vụ du lịch; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch.
Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch. Tiếp tục mời gọi, thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào khai thác hoạt động du lịch, dịch vụ tại tỉnh. Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp lữ hành. Có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp kinh doanh du lịch; hỗ trợ người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Tăng cường các biện pháp huy động nguồn quỹ và nâng cao hiệu quả Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân được hỗ trợ kinh phí thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cả về quản lý nhà nước, quản trị doanh nghiệp và lao động nghề du lịch, đặc biệt là nâng cao kỹ năng nghề, ngoại ngữ và đạo đức nghề nghiệp cho lực lượng lao động ngành du lịch; chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho cộng đồng dân cư tại các bản làng, các điểm du lịch.
 Chúng ta tin tưởng rằng thời gian tới, với sự vào cuộc cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể nhân dân, đặc biệt là sự đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn có uy tín, đủ tiềm lực xây dựng hoàn thành các dự án khu nghỉ dưỡng, khu sinh thái, khu vui chơi giải trí, khu thương mại - dịch vụ cao cấp, sân golf, kết nối các tua, tuyến du lịch…du lịch sẽ phát triển đột phá, thực sự trở thành ngành kinh tế quan trọng, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.
Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Lượt xem: 364

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 979867- Đang online : 113