• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV10/6/2020 15:11

HỒ TÔNG THỐC (Thế kỷ 14)

Trang tin điện tử của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tiếp tục đăng bài về danh nhân đất Việt


Hồ Tông Thốc là dòng dõi nhà Hồ ở Quỳnh Lưu (Nghệ An), dòng họ sản sinh ra nhiều nhân vật tài năng từ xưa đến nay. Cùng với Bạch Liêu ở Nguyên Xá (1) ông là người mở đầu cho nền khoa bảng nổi tiếng đất Quỳnh Lưu và họ Hồ. Hồ Tông Thốc là nhân tài kiệt xuất nhiều mặt, nổi tiếng thông minh, trách lạc từ lúc tuổi còn nhỏ. Theo Qùynh Đôi hương biên và Hồ gia thế phả, ông tổ của dòng họ này tìm và lập trại ở Bầu Đột (2), Quỳnh Lưu. Đến đời Hồ Kha, ông tổ thứ 12 có người cháu là Hồ Liêm chuyển ra Thanh Hóa, làm con nuôi cho Lê Huấn nên đổi họ là Lê Liêm. Hồ Quí Ly là cháu 4 đời của Lê Liêm. Hồ Kha trước quê ở làng Quỳ Trạch (3), sau chuyển về xã Tiên Sinh, tổng Đường Khê, Quỳnh Lưu, tiếp nữa chuyển về trang Thổ Đôi (tức Qùynh Đôi ngày nay). Ông có 2 người con là Hồ Hồng (sau là thủy tổ họ Hồ Qùynh Đôi) và Hồ Cao, bố đẻ Hồ Tông Thốc. Ông là họ hàng thân thích và sống cùng thời với Hồ Quý Ly.
Vốn thông minh, lại sống trong dòng dõi thế phiệt, Thốc tuổi trẻ đỗ sớm, nổi tiếng về văn học. Hồ gia thế phả nói rằng, lúc bé ông ở làng, sau ra học tại xã Võ Ngại, huyện Đường Hào, Hải Dương. Ở đây có câu truyện giai thoại về ông mà sách ấy nói đến: Lúc du học tại đất Bắc, ông đã nổi tiếng về hay chữ, giỏi thơ, trí nhớ hơn người, tiếng tăm lan hết trong sứ. Những sách khó mấy, chỉ xem qua một lần là nhớ hết. Một lần ra phố, ông gặp một người con gái nhan sắc tuiyệt vời, phong tư rất mực. Bạn bè đi cùng ông thách ông nếu bắt chuyện được và được người ấy yêu thương, cảm phục thì sẽ phục đến sát đất. Lúc bấy giời theo lệ, nếu giỏi đến mấy mà chưa ra làm quan, cũng không thể lọt mắt con nhà quyền quí. Vì thế, ông bí mật bỏ học, giả làm một viên quan nhỏ đến trú ngụ tại một  nhà ở xã Dịch Sứ, nơi cư trú của người con gái đẹp gặp mấy hôm trước. Vốn con nhà thế phiệt, ông cũng giữ phong thái tự trọng, chỉ lấy việc bình thơ để thu phục lòng người con gái. Người con gái ấy là Thị Ấn, con gái quí của một viên quan có thân thế tài sắc vẹn toàn. Về sau, cô gái ấy trở thành vợ Hồ Tông Thốc và là mẹ của trạng nguyên Hồ Thành, bà nội trạng nguyên Hồ Đốn.
Theo gia phả họ Hồ ở Nghi Xuân, câu chuyện này lại xẩy ra tại Chiên Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh): Theo tộc phả của Duệ quận công tại Quỳnh Lưu, lúc còn là giám sinh, ông giấu tên họ vào ở ẩn tại nhà quan thị lang huyện Thiên Lộc, giả vờ tòng học tại đó, đề thơ ở nhà đại đường bài thơ hay, trong đó có câu rất khí khái “ Hàn Mặc tranh vi Vương Bột hậu, văn chương thùy khí Mãi Sinh tiến (4)… Sau đỗ trạng nguyên, ông về lấy cô con gái quan thị lang tên là Thị Ấn làm vợ, sinh hạ được nhiều nhân tài kế tiếp không rõ người huyện Dương Hào hay người huyện Thiên Lộc. Còn việc du học tại Hải Dương về sau thành đạt và sinh sống đều lấy đất Dương Hào làm chính.
Một giai thoại khác được người đời nhắc đến là tài làm thơ rất nhanh và xuất sắc của Hồ Tông Thốc. Hầu hết các tài liệu đều nhắc đến câu chuyện sau: Có lần một nhà quan lớn đốt đèn, trải chiếu mời học giả bốn phương đến nhà mình tại kinh thành bình thơ.Hồ Tông Thốc lúc đó còn là một thư sinh nhưng cũng đến dự buổi bình thơ. Đề bài vừa ra, ông liền làm trăm bài một lúc, trong khi đó mọi người chưa làm được câu nào. Khi bình cả trăm câu thơ của Hồ Tông Thốc đều rất hay và tất nhiên hơn hẳn những bài thơ của người khác, từ đó tiếng tăm ông vang động thiên hạ (4). Tài năng, sức học, sự rèn luyện, tiếng tăm thời tuổi trẻ của ông đã sớm đưa ông thành đạt. Năm sau thi đại khoa ở Thăng Long, ông đỗ trạng nguyên với bài văn được lưu truyền khắp nước lúc bấy giờ. Thành quả đó không phụ công đèn sách, cân xứng với tài năng của ông và đánh dấu một bước phát triển văn học đất Hồng Lam nói chung và họ Hồ Quỳnh Lưu nói riêng. Từ đó ông được nhà vua tin dùng, sỹ phu vô cùng kính trọng. Buổi đầu Hồ Tông Thốc được giao chức An phủ sứ, đứng đầu một trấn, dân tình mến phục tài hoa. Đời Trần Đế Hiền, hiệu Xương Phù thứ 10 (386), tháng 2, dùng Hồ Tông Thốc làm Hàn lâm viện học sỹ phụng Chỉ lại kiêm chức thẩm hình viện sứ.
Có những lần phương Bắc đến, nhà vua thường vời ông đối đáp. Với trí thông minh, tài biện luận ngoại giao, lần nào ông cũng làm vừa lòng nhà vua đồng thời sứ thần cũng kiêng nể. Một lần ông được cử đi sứ phương Bắc, trên đường đi, khi qua đền thờ Hạng Vũ, Hồ Tông Thốc vào xem. Ông cảm cảnh lấy bút đề lên tường đền bài thơ sau đây:

 Bách nhị sơn hà khởi chiến phong,
Huề thương tử đệ nhập Quan Trung,
Yên tiêu Hàm Cốc châu cung lạnh,
Tuyết tán Hồng Môn ngọc dấu không,
Nhất bại hữu thiên vong trạch tả
Trùng lai vô địa đảo Giang Đông,
Kinh dinh ngũ tại thành hà sự,
Tiêu khắc khu khu tán Lỗ Công
Nghĩa là:        
Non nước trăm hai nổi bụi hồng (5),
Đem đoàn đệ tử đến Quan Trung,(6)
 Khói tan Hàm Cốc cung châu lạnh,(7)
Tuyết rã Hồng Môn dấu ngọc không,(8)
Thua chạy trời xui đường Trạch Tả,(9)
Quay về đất lấp nẻo Giang Đông (10),
 Năm năm lặn lội hoài công cốc,
 Còn được vùi trong mả Lỗ Công (11).

 
         Câu truyện đó có thật và được người đời sau biết đến. Nhưng theo sách Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, sau câu truyện đó lại là một câu truyện hoang đường khác nối theo: sau khi đề xong, ông ruổi ngựa về quán trọ. uống rượu say, ngủ thiếp đi. Trong chiêm bao, ông thấy có người mời ông đến nhà Hạng Vũ. Trong cung điện nguy nga lộng lẫy, Hạng Vũ ngồi chờ ông. Gặp mặt, Hạng Vũ hỏi ông:
Bài thơ ông đề lúc ban ngày sao mỉa mai ta đến thế. Ừ thì hai câu “thua về Trạch Tả và quay lại Giang Đông” kể cũng đúng. Còn 2 câu cuối há không phải là lời chê bất công ư? Sau đó Hạng Vũ kể công lao, cuối cùng cho mình thua là bởi trời, Hồ Tông Thốc cười nói:
Lẽ trời, việc người cũng là đầu cuối lân cho  nhau. Báo mệnh ở trời. Thương – Trụ vì thế mà mất nước. Bảo trời sinh đức, Tân Mãng vì thế mà bỏ mình. Nay nhà vua bỏ việc người, bàn lẽ trời, vì thế đã dẫn đến thế bại vẫn không tỉnh ngộ. Hôm nay tôi may mắn được nhà vua vời đến tiếp kiến, muốn xin được nói thẳng, nhà vua thấy thế nào?
Hạng Vương nói:
-Vâng, vâng, ông cứ nói.
- Phàm xoay cái thế thiên hạ, ở trí chứ không ở sức, thu tấm lòng thiên hạ, ở nhân chứ không phải bạo. Nhà vua chỉ lấy quát thét làm oai, lấy cương cường làm đức, chém Tông Nghĩa là một tướng mạnh, vô quân đến đâu (12). Giết Hạnh Anh là người đã hàng bất võ quá lắm (13). Hàn Sinh vô tội mà bị buộc binh phái trát thường (14). A Phòng vô cớ bị thiêu, hung uy quá tệ (15). Cứ như những việc nhà vua đã làm thì được lòng người chăng? Hay mất lòng người chăng?
Hạng vương cãi lại, biện hộ cho mình những việc vô quân, trái thường, hung uy mà Hồ Tông Thốc đã lên án là phải và cần thiết.
Hồ Tông Thốc mạnh tiếng:
Thế thì sáu kinh thành trong lửa, đốt sách thánh nhân, thước kiếm trên sông, giết vua Nghĩa Đế (16), những việc ấy chỉ mà nhẫn tâm như vậy? Sao bằng Công Tổ: sợ lỗi phận vua tôi thì nghe lời Đổng Công, làm việc nhân nghĩa, khiến nề nếp vương hầu tối mà lại sáng. Sợ thất truyền đạo học thì về đất Khúc Phụ, bày Lê Thái Lao, khiến nguồn thi thư đứt mà lại nối. Người ta có câu nói rằng: Cao Tổ được thiên hạ không cốt ở dùng Tiêu, Trương mà ở việc để trở (17) của ban quân, gợi lòng trung phấn của hào kiệt. Cao Tổ giữ thiên hạ không ở qui mô rộng lớn mà ở việc đến tế ở Khúc Phụ, mở nền nương tựa cho đời sau. Nhà vua thì so vi làm sao được.
         Hạng Vưong ngồi nghe, không biết nói làm sao, sắc mặt tái như tro nguội. Thấy thế, bên cạnh có một người lão thân Phạm (18) đỡ lời. Khi Hạng Vương đưa chân Hồ Tông Thốc ra cửa thì phương Đông mặt trời đã mọc. Hồ Tông Thốc tỉnh rượi, xốc áo đứng dậy, thì té ra đó là giấc chiêm bao.
Qua câu truyện hoang đường trên đây, chúng ta không có mục đích nào khác ngoài việc nhắc lại cái tài làm thơ, tài biện bach, giỏi việc đời, tính khí thẳng thắn đối với xử thế, thể hiện khí phách của một sứ thần của ông, những con người biết nghĩa tình, biết lẽ phải trước mọi sự kiện trong cuộc sống ngày xưa và ngày nay.
Về văn chương, nghĩa khí, Hồ Tông Thốc còn để lại bài thơ hay nữa, đó là bài “Du Động Đình, họa Nhị Khê”, họa lại bài thơ Nhị Khê của Nguyễn Phi Khanh, phụ thân của Nguyễn Trãi. Qua bài thơ này, ta thấy ông thương mến Nguyễn Phi Khanh, một con người yêu nước lúc bấy giờ và đồng thời tán thành ít nhiều với thái độ bất đồng với Hồ Quý Ly trong việc cai trị đất nước. Thơ rằng:
                     Tài chức như quân, thượng thiếu niên,
                     Văn chương ta ngã lão vô duyên,
                     Dĩ tương đắc táng di hình ngoại,
                     Bất phục công danh đó châm biên
                     Biến báo chỉ kham nhàn ẩn vụ,
                     Tiện ngư hà tất khõ lâm uyên
                     Hạnh năng nhật nhật tần lai phỏng
                     Hưu quái Động Đình tự khánh huyên
 Nghĩa là:
Tài giỏi như ông tuổi vấn xanh
                     Ôi, văn chương thế, lão không thành
                     Biết nuôi lẽ phải ngoài hình vóc,
 Chẳng để công danh vững gối khăn
Da báo mù che, nhàn ẩn thế,
 Bên dòng khen cá nhọc chi thân,
Mong ông lui tới ngày thăm hỏi
Chớ ngại chuông treo cảnh Động Đình.
Về văn chương và tài giỏi ngoại giao của ông còn nhiều sách nói tới, nhưng Phan Huy Chú nói: Vì bị binh lửa, nay không còn. Về trước tác, cũng qua sách vở trên, ông còn có những tác phẩm nổi tiếng lúc bấy giờ như những tập: Thảo nhàn hiên tân tập, Phụ học chỉ nam, Việt Nam thế chí. Theo nhà sử học Ngô Sỹ Liên dẫn trong bài tựa của tập sử ký của ông thì Hồ Tông Thốc có viết quyển Việt sử cương mục, với tài liệu thận trọng mà lời bàn lại có lẽ phải, tiếc rằng vì binh lửa mà sách ấy không còn. Những tác phẩm ấy của ông cho chúng ta thấy được tài hoa cũng như đức độ của Hồ Tông Thốc, người mở đầu cho nền văn học nổi tiếng đất Hồng Lam sau này. Không những thế, ông còn để lại cho họ Hồ và đất Quỳnh Lưu, từ đó, một thế gia khoa bảng và văn học nổi tiếng trong nước. Sau khi Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, Ông về sống ở đất Tiên Sinh và mất ở đó.
Ông có bao nhiêu con, gia phả không nói rõ, chỉ nói rằng ông sinh ra Hồ Thành, cũng đỗ Trạng Nguyên. Sau này cháu ruột ông là Hồ Đốn (có sách ghi là Hồ Lai) cũng đỗ Trạng nguyên. Vì vậy người đương thời hết sức ca ngợi. Có người làm thơ tặng gia đình ông có câu: “Lũy kế phương danh chiêu Ngạn Tháp. Nhất gia định sự ích Long Môn” “ Phụ trạng nguyên, tử diệc Trạng nguyên”.
 Về 3 người, ba thế hệ nối tiếp nhau đỗ Trạng nguyên, nhiều sách, nhiều đời nhắc đến, tuy trong Đăng khoa lục và các bia ở Văn Miếu không thấy nói. Có thể  đây là trại Trạng nguyên, không phải là kinh Trạng nguyên nên không ghi tên ở bia Văn Miếu là vậy (trừ Hồ Tông Thốc).
Một dòng họ có 3 đời cha, con, cháu đỗ Đại Khoa của đất nước là niềm tự hào không chỉ của dòng họ Hồ mà còn là niềm tự hào của vùng quê đã sinh ra những tài danh cho đất nước. Theo sử sách, Hồ Đốn sau trở về làng Hạ Thành, còn gia phả họ Hồ ở Nghi Xuân ghi rõ: trạng nguyên Hồ Thành có về ở làng Thiên Lộc, huyện Nghi Xuân. Hiện nay ở vùng Nghi Xuân Thượng (làng Tam Chế hiện nay) có đối trạng nguyên. Theo tục truyền, đó là mhà thờ của của một Trạng nguyên dòng họ Hồ trước đây. Ngày nay vùng này dòng họ Hồ Sỹ chiếm đa số cư dân ở đó và gia phả họ ấy đã sưu tầm được. Đây có thể là người mở đầu cho cánh họ Hồ vùng này vì chính gia phả đó cũng nói Hồ Thành là thủy tổ của họ tại Nghi Xuân.
Sau 3 trạng nguyên nói trên, những đời sau cũng xuất hiện rất nhiều nhà khoa bảng nổi tiếng. Không kể hàng trăm người đỗ đại khoa, hàng trăm nghìn người đỗ thi hương, chúng ta thấy di duệ Hồ Tông Thốc có: Hồ Bỉnh Quốc (họ Hồ ở Bình lạng, Can Lộc), Hồ Sỹ Dương (họ Hồ ở Quỳnh Lưu), Hồ Phi Tích… Hồ Sỹ Đống làm đến chức Thượng thư, Hồ Sỹ Tân chức Thị chế… Tất cả những di duệ này của Hồ Tông Thốc đều đỗ tiến sỹ cập đệ, đều giỏi nổi tiếng và đều được phong tước Quận công trở lên, đều có trước tác để lại cho đời sau.
Hồ Tông Thốc cùng di duệ của ông đã để lại cho họ Hồ nói riêng, đất Nghệ Tĩnh nói chung một tấm gương học vấn, một niềm tự hào hiếm có cho đến ngày nay.
 
(1). Nay thuộc làng Trung Phường, xã Diễn Minh, Diễn Châu, Nghệ An.(2) Bầu Đột nay thuộc địa phận xã Quỳnh Lâm, Quỳnh Lưu, Nghệ an.(3). Làng Quỳ Trạch ở thượng du Quỳnh Lưu hiện nay. (4). Dịch: Nghiên bút có tranh Vương Bột trước, văn chương quyết sách Mái Sinh sau, ý nói mình không thua Vương Bột, Mãi Sinh ngày xưa. (5):Kinh đô nhà Tần ở Quan Trung; (6): Chỉ Hạng Vũ đem quân đánh Quan Trung, bắt Chương Hàm giết quân Tần; (7): Nói Hạng Vũ vào cửa Hàm Cốc đốt cung A Phòng của Tần; (8): Việc Phạm Tăng định giết Bái Công trong việc Hồng Môn, Hạng Vũ không cho, Tăng giận chém nát chén ngọc tan ra như tuyết; (9): Vũ bị vây ở Cai Hạ, đêm trốn được về Ấm Lăng, hỏi thăm đường thì bị một người ghét chỉ qua bên trái sông nên gặp đầm lớn không đi được; (10): Thua chạy, Hạng Vũ đến Ô Giang, gặp lái đò khuyên Vũ nên trở lại Giang Đông rồi tính kế sau; (11): Vũ sợ xấu hổ với người Giang Đông nên tự tử ở sông đó; (12): Chỉ việc Hạng Vũ cùng Tống Nghĩa đem quân đánh Tần, cứu Thiệu, thấy Tống Nghĩa do dự, Hạng Vũ chém đầu Tống Nghĩa tại trận; (13): Vua Tần là Tử Anh đã đầu hàng, Hạng Vũ vẫn giết; (14): Hàn Sinh khuyên Hạng Vũ nên đóng đô ở Quan Trung, Vũ không nghe, Sinh bực tức nói với bạn bè rằng Hạng Vũ như khỉ đội mũ người. Vũ nghe được bắt Hàn Sinh nhốt cũi, bỏ vào vạc dầu đang sôi; (15): Hạng Vũ lọt vào Hàm Cốc, đến cung A Phòng, một công trình kiến trúc tuyệt đẹp của nhà Tần, cho đốt sạch, làm thiên hạ không đồng tình; (16): Trong đời Hạng Vũ, mọi sách vở thánh hiền đều thành tro bụi. Chiếm gần hết thiên hạ, Hạng Vũ đẩy vua Sở đi Trường Sa, sau đó bí mật sai người giết trên sông Trường Giang:; (17): Tiêu Hà và Trương Lương là hai phò tá tài giỏi của Hán Cao Tổ; (18): Phạm Tăng, mưu sỹ của Hạng Vũ.
 
                              Theo Trí thức xưa và nay, Văn Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Tuyên Quang sưu tầm
 
 
 

Lượt xem: 543

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 979968- Đang online : 214