• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV30/6/2020 15:32

“Điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức”

Stein Tonnesson là nhà sử học người Na Uy đã có nhiều tác phẩm nghiên cứu về Việt Nam. Năm 1989, ông sang Việt Nam để chuẩn bị cho cuốn sách viết về cách mạng tháng 8 năm 1945. Ông đã phỏng vấn nhiều nhân chứng lịch sử, trong đõ có luật sư Phan Anh, người đã từng làm Bộ trưởng trong Chính phủ Trần Trọng Kim, sau đó là Bộ trưởng Quốc phòng của Chính phủ cách mạng do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu.


 Bày tỏ quan điểm của mình đối với việc đánh giá Chính phủ Trần Trọng Kim và những diễn biến của cách mạng, ông Phan Anh muốn nhấn manh đến chính sách đại đoàn kết toàn dân  của những người cộng sản, của Mặt trận Việt Minh mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân lôi cuốn toàn bộ dân tộc và giới trí thức yêu nước tham gia khiến cho cuộc cách mạng Tháng Tám đã diễn ra thắng lợi một cách trọn vẹn và ít đổ máu.
Nội dung cuộc phỏng vấn này được Luật sư Vũ Đình Hòe, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục và sau này là Bộ Tư pháp của Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa và sử dụng trong cuốn nhật ký viết về tờ báo Thanh Nghị. Xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo.
S. Tonnensson: Ông có thể cho biết mấy nét về con người Trần Trọng Kim?
Phan Anh: Tôi quen Trần Trọng Kim từ ngày ông còn dạy học và viết sử. Trong những tác phẩm của ông, ông động viên lòng yêu nước, ý chí quật cường cho thanh niên. Lúc đó thì tôi đang theo học đại học luật. Tôi rất có cảm tình với ông ấy. Trần Trọng Kim là một người yêu nước nhưng không phải là một nhà chính trị. Ông ta cần được sự giúp đỡ ý kiến.
S.Tonnensson: Trước khi cộng tác với ông Trần Trọng Kim, ông đã theo dõi hoạt động của Việt Minh?
Phan Anh: Lúc ấy, ai chả biết tiếng Việt Minh. Tôi đã có cái may mắn được cử làm nhiệm vụ luật sư, có lẽ là người luật sư duy nhất cãi cho các chiến sỹ Việt Minh bị bắt đem ra tòa xử năm 1944 đến 1945. Làm nhiệm vụ này, tôi biết lắm chuyện. Mà cũng vì thế tôi quí Việt Minh. Ông đã rõ tôi không phải là người cộng sản; đến nay vẫn không phải là đảng viên, nbưng tôi cộng tác với Đảng. Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, thay chế độ Pháp bằng chế độ Nhật. Chúng tôi không có ảo tưởng gì đối với sự thay đổi ấy.  Lúc ấy có người ảo tưởng răng Nhật vào Việt Nam sẽ độc lập. Nhưng trên đời này, chẳng có ai cho không ai cái gì. Tôi đã từng làm Bộ trường ngoại thương nên thấy thế. “Không có gì quí hơn độc lập, tự do” như Hồ Chí Minh đã nói. Một thứ quí như  vậy lại được người ta cho à?
Đúng là sau ngày 9/3/1945, có một cuộc vận động thân Nhật lăng xăng, lung tung. Nào là bọn chính khách thả câu nước đục, nào là bọn con buôn, bọn lưu manh, một cuộc vận động không những lung tung mà còn nhơ bẩn, lộn mửa. Người trí thức lên án. Ông biết rõ: “Nhật cũng thất vọng, vì người lương thiện không ai theo bọn kia, tôi cùng một số bạn đã sáng lập ra một tờ tạp chí, nội dung là văn hóa, thực chất ra là chính trị” (1).
S.Tonnensson: Vậy các ông nghĩ thế nào mà lại nhận lời theo Bảo Đại?
Phan Anh: Lúc ấy những công chức người Pháp vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng họ có mưu mô. Ngoan ngoãn cúi đầu trước Nhật. Thậm chí là chờ đợi xem thế nào? Chờ đợi một cách tích cực. Cụ thể là: Chịu sự chỉ đạo của ông chủ mới đến được ngồi lì trong  bộ  máy hành chính. Trong chính phủ toàn quyền, trong phủ Thống sứ, toàn là người Pháp. Họ đã mất con bài chính trị, thì phải giữ con bài hành chính. Để làm gì? Thế đấy; Hai khả năng: hoặc Nhật sẽ bại trận, thì người Pháp cần giữ bộ máy hành chính để rồi đặt lại nền thống trị, hoặc trái lại người Nhật còn ở lại, thì ổn rồi người Pháp cứ tiếp tục, với sự giúp đỡ của chính quốc, tiếp tục nắm một mảnh nhỏ quyền hành. Trong hai khả năng ấy thì khả năng thứ nhất hiện thực hơn. Chắc chắn Nhật chóng hay chầy sẽ đầu hàng. Giữ chặt các chức vụ hành chính để còn có vai trò trong tương lai. Bên cạnh trận địa hành chính lại còn trận địa kín nữa chứ.
Tôi, với tư cách người yêu nước, tôi đã quan sát tình hình ấy. Chúng tôi không muốn bị cả người Pháp và người Nhật đánh lừa mình. Nhóm trí thức chúng tôi không phải một đảng mà là một nhóm, chúng tôi nghĩ cấp bách là phải đuổi bọn Pháp ra khỏi bộ máy hành chính. Chúng tôi huy động sinh viên, thanh niên công chức làm việc đó, đòi Nhật làm việc đó.
Khẩu hiệu thứ hai của chúng tôi là tạm thời ngồi làm việc với người Nhật, nhưng không phải là “đồng tác giả”, không phải là “kẻ hợp tác” với họ; phải giữ thế trung lập.



Ảnh tư liệu từ Wikipedia tiếng Việt

 
S. Tonnensson: Thế chính phủ Trần Trọng Kim có phải là Chính phủ bù nhìn không?
Phan Anh: Lấy tư cách là thành viên Chính phủ Trần Trọng Kim, chúng tôi nói với ông rằng, chúng tôi tuyệt đối không có ảo vọng gì về người Nhật. Tình thế đã dứt khoát rồi. Phải là kẻ điên mới đi hợp tác với Nhật. Có những người điên, nhưng chúng tôi là trí thức, chúng tôi tham gia chính phủ là để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà chúng tôi đã thành lập chính phủ để phụng sự. Chính với chính sách ấy mà chúng tôi đã thành lập ra chính phủ với khẩu hiệu như vừa nói là: Đuổi cổ bọn Pháp và nắm lấy độc lập Trong Chính phủ Trần Trọng Kim, có một Bộ mà chúng tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều: Bộ “Quốc phòng” hoặc Bộ “Quân lưc” hoặc “Bộ chiến tranh”. Chính vì muốn giữ thế trung lập mà chúng tôi quyết định không có Bộ Quốc phòng. Người Nhật muốn có bộ ấy để lôi kéo chúng tôi đi với họ. Thay bộ ấy, chúng tôi lập Bộ thanh niên. Phong trào Việt Minh đã nổi tiếng gây được hiệu quả là vì được thanh niên ủng hộ. Chúng tôi vận động một phong trào thanh niên là nhằm mục đích quốc gia và mục đích xã hội. Phong trào thanh niên của chúng tôi không hề xung đột gì với Việt Minh: Cùng theo đuổi một mục đích như nhau mà.
S. Tonnensson: Thế nhưng các ông ấy có liên hệ với Việt Minh gì đâu?
Phan Anh: Khi tôi ở Huế, trong Bộ thanh niên thì hiến binh Nhật đến khám xét nhà riêng tôi, một phòng dược, vợ tôi là dược sỹ. Phan Mỹ, em ruột tôi, đã là cảm tình Việt Minh, và bọn Nhật biết. Tôi nghĩ đó là lý do để họ khám nhà tôi, muốn tịch thu tài liệu, nhưng chẳng thấy gì, vì có gì mà thấy.
Để tóm lại câu chuyện vừa kể về vai trò Chính phủ Trần Trọng Kim, đó là sự góp phần để thực hiện mục tiêu mà toàn dân vươn tới: độc lập của đất nước.
Tôi phác lại đường lối mà chúng tôi đã theo. Nhưng phải có chứng cứ. Thì đây, vài việc cụ thể, chính xác: Một việc có ý nghĩa chính trị là đòi lại mảnh đất mà chế độ thuộc địa Pháp đã tách ra khỏi Việt Nam: Nam kỳ, Đà Nẵng, Hà Nội. Đó là những nhượng địa. Dân cư sống trên đó là những thuộc dân của Pháp, không phải là công dân Pháp mà là những thuộc dân được bảo hộ. Chính phủ Trần Trọng Kim đòi lại những mảnh đất ấy trước đây gọi là thuộc địa. Chúng tôi đã đòi lại được những văn bản chính thức (của Nhật) trả lại Hà Nội cho Chính phủ Việt Nam. Một lễ long trọng được tổ chức để thừa nhận Hà Nội thuộc lãnh thổ Việt Nam. Trong buổi lễ ấy, thanh niên sẽ nhớ mãi, một ông bạn tôi, bác sỹ Trần Văn Lai được cử làm thị trưởng. Ông đã đẩy quần chúng lên phá bỏ mọi di tích thực dân Pháp tại Hà Nội: tượng đài, tên phố…
 Người Nhật muốn bảo tồn Nam Kỳ. Họ do dự trứơc yêu sách của chúng tôi. Họ tuyên bố ủng hộ quyền độc lập của Việt Nam nhưng họ vẫn chập chờn. Chỉ đến phút cuối cùng, họ mới nhận việc cử khâm sứ đại diện cho nhà vua tại Nam phần, ông Nguyễn Văn Sâm.
S. Tonnensson: Xin hỏi trong chính phủ Trần Trọng Kim có sự thống nhất quan điểm này không?
Phan Anh: Ông hiểu từ thống nhất có rất nhiều ý nghĩa. Lúc nãy trong giờ nghỉ ông có nói về một chính phủ Na Uy. Thế có sự thống nhất trong các đảng cầm quyền hay không? Tôi tưởng về vấn đề thống nhất, cần nắm cái cốt lõi, mục tiêu chủ yếu. Chẳng bao giờ thống nhất được nhiều người trong một người. Điều ấy vừa không thực tế, vừa không cầu mong. Thống nhất trong sự khác biệt, đó là dân chủ.
Trong nội các chúng tôi, dĩ nhiên có sự nhất trí về mục tiêu: Tổ quốc độc lập. Người ta đã biết rõ chế độ thực dân Pháp. Người ta không điên rồ để rơi vào một chế độ thực dân khác. Các thành viên chính phủ đều là trí thức, họ thống nhất về mục tiêu độc lập. Đó là thống nhất. Nhưng xu hướng tất nhiên là khác nhau. Họ là luật sư, bác sỹ, giáo sư, một người theo đạo Gia Tô; họ là dân của cả các xứ Trung Nam Bắc. Tất cả đều sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng độc lập.
Tôi nghĩ cần phải khách quan. Tôi không thể nói ai theo xu hướng nào. Tôi chỉ nói với ông về sự kiện chứ không xét đoán bất cứ ai.
S.tonnensson: Đồng ý… Bây giờ tôi muốn hỏi ông về công việc ông đã lảm trong bộ ông phụ trách. Bằng cách nào mà ông đã thừa kế phong trào của đại tá Pháp Ducouroy. Ông ta, người dưới quyền Đô đốc Decoux thuộc chế độ Patain, đã dựng lên một tổ chức thể thao và thanh niên. Tổ chức ấy đã có vai trò gì đối với công việc của ông?
Phan Anh: Docouroy làm công việc bậy bạ. Nhưng phong trào Docouroy không phải là nguyên nhân gây sức lực cho phong trào thanh niên nước tôi. Nguyên nhân sâu xa là hoài bão độc lập của thanh niên. Bọn trẻ đòi sự thay đổi và nhà sử phải tìm cho được nguyên nhân sâu xa. Có một phong trào yêu nước mà người khởi xướng là Nguyễn Ái Quốc. Ông ta ngay trước năm 1930 đã phất cờ độc lậo dân tộc chống thực dân. “Bản án chế độ thực dân Pháp” chứng minh như vậy, toàn thể thanh niên Việt Nam tin vào tinh thần ấy.
Doucouroy chỉ là một cái nắp an toàn (soupape de sureté) chế ngự áp suất thanh niên. Thực dân Pháp cần đến cái nắp an toàn. Việt Minh là kết quả chính của phong trào lớn lao ấy, và phong trào thanh niên tôi chỉ huy mới được 3 tháng, không phải là tôi tạo được. Tôi từ chối danh hiệu người ta đặt cho phong trào ấy. “Thanh niên Phan Anh”.  Đó là thanh niên yêu nước của toàn dân tộc. Tôi không thừa kế cái gì của Doucouroy. Tuyệt đối không. Nhưng tôi cũng như Việt Minh là một động cơ. Việt Minh là động cơ lớn. Bộ Thanh niên là một động cơ nhỏ. Khi chúng tôi lập ra Bộ Thanh niên, chúng tôi đã hiểu được sức mạnh và hoài bão sâu sắc của thanh niên. Về mặt tổ chức, ở trên có Bộ do tôi phụ trách, bên cạnh Bộ ở địa phương, chúng tôi đã chọn lựa đặc biệt là những nhân vật chính trị tán thành quan điểm chống Pháp của chúng tôi, tán thành quan điểm trung lập đối với Nhật và đối với đồng minh. Nói chính xác hơn, đó là những thành viên của phong trào Hướng đạo. Phong trào này bao gồm những người trẻ tuổi thiết tha với vấn đề độc lập. Họ giữ một vai trò quan trọng. Một số thanh niên đã tìm kiếm một tổ chức mà chế độ thực dân không dung nạp được, và họ đã tìm ra tổ chức Hướng đạo. Người Pháp đã định dùng nó làm một soupape. Và chúng tôi đã chọn đúng các soupape ấy để biến nó thành động cơ. Thanh niên thuộc mọi tầng lớp xã hội đều có ý thức về thực chất ấy. Chúng tôi đã sử dụng cái soupape an toàn của chủ nghĩa thực dân.
Trong số bạn của tôi có Tạ Quang Bửu - Bộ trưởng Quốc phòng sau tôi, rồi Bộ trưởng Bộ Đại học. Tôi đã chọn anh, tháng 4/1945 làm Thứ trưởng. Một đại diện khác ở miền Bắc là một huynh trưởng Hướng đạo có tiếng tăm lớn, một nhà giáo, sau này trở thành Cục trưởng Cục Thông tin Bộ Quốc phòng và Hiệu trưởng đầu tiên Học viện quân sự: ông Hoàng Đạo Thúy.
Và ông biết đấy. Trong Chính phủ đầu tiên của nước Cộng hòa chúng tôi, cụ Hồ Chí Minh đã cử tôi làm Bộ trưởng Quốc phòng và để cho tôi tìm lấy những Cục trưởng của bảy, tám Cục đều là anh em trí thức, trong đó, năm 1946 chỉ có một người là đảng viên.
S tonensson: Nhưng nhiệm vụ chỉ huy quân đội Nhân dân Việt Nam không phải thuộc Bộ của ông, mà thuộc Quân sự Ủy viên hội, đứng đầu là Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phan Anh: Lúc ấy có sự phân công như vậy. Nhưng điều mấu chốt là Chủ tịch Hồ Chí Minh áp dụng chính sách tín nhiệm đối với trí thức.
S Tonnensson: Ông nói đúng và điều ấy tôi nghĩ nó là nhân tố chính yếu đem lại sự thành công cho cách mạng Tháng Tám… Ông giải thích thế nào về Chính phủ của ông gồm toàn trí thức yêu nước, suốt ba ngày bị Việt Minh tố cáo là một chính phủ phản bội tổ quốc, thế mà sau đó đã từ chức trong cuộc khởi nghĩa do phe Việt Minh dấy lên, nghĩa là chiụ cúi đầu trước một cuộc cách mạng của những người cộng sản lãnh đạo? Phải chăng lúc nào cũng có sự thống nhất trong chính phủ Trần Trọng Kim?
Phan Anh: Lúc nãy tôi đã nói với ông về cái nguyên tắc lớn này của lịch sử: “Sự liên tục”. Vậy thì Chính phủ Trần Trọng Kim với tất cả Bộ trưởng cùng theo đuổi một mục đích như tôi; đã tự vạch ra đường lối chung cho mình mà tôi đã vừa phác lại để ông rõ. Chính phủ ấy ngay sau khi ra đời đã tự coi là một mắt xích lâm thời, tôi có thể nói hẳn ra là, theo tôi nhận định như là một công cụ phục vụ cho sự nghiệp dành độc lập. Chúng tôi đã tự coi không phải là những người lãnh đạo phong trào, lãnh đạo đất nước, mà là những công cụ, những tay chân của công cuộc đấu tranh dân tộc.Và do đó, sự chuyển tiếp từ Chính phủ Trần Trọng Kim đến nền Cộng hòa trong Cách mạng Tháng Tám diễn ra một cách tự nhiên, suôn sẻ nữa cơ. Tôi có thể nói với ông rằng, với tư cách Bộ trưởng, chúng tôi trăm phần trăm ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tất cả, kể cả Thủ tướng Trần Trọng Kim. Đã có sự nhất trí toàn vẹn, sâu sắc về sự chuyển tiếp ấy. Đấy, tôi khẳng định như vậy đấy. Nhưng cũng phải có chứng cớ. Đây chứng cớ: Ngay ngày hôm sau mà chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng thì chính phủ Trần Trọng Kim đệ đơn từ chức lên nhà vua (2) và thông báo tin ấy cho tất cả các tỉnh, đồng thời nói ý định của mình sẵn sàng giao quyền cho quốc dân. Cụ thể hơn nữa, Chính phủ gửi thông điệp cho các nhân vật đại diện cho các giới và các địa phương tới Huế để nghiên cứu thành lập Chính phủ mới. Trong số các nhân vật ghi trong thông điệp có hai nhân vật mà ai cũng biết là thuộc tổ chức Việt Minh, hai bạn tôi, anh Bùi Công Trừng một nhà cách mạng công sản trứ danh và anh Lê Văn Hiến, sau này trở thành Bộ trưởng Tài chính. Hai nhân vật đó là thuộc Miền Nam. Thuộc miền Bắc, tôi còn nhớ tên anh Đặng Thai Mai, một bạn thân của tôi, không phải là cộng sản mà là một giáo sư yêu nước có xu hướng tả. Lẽ dĩ nhiên thông điệp trên đã không có thể chấp nhận được, bởi vì Việt Minh có chủ trương khác. Phong trào do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo đã khởi động.
Nhưng còn lại một vấn đề pháp lý. Chính phủ nước Cộng hòa Việt Nam là một chính phủ cách mạng, hẳn là thế, nhưng cả đối với một Chính phủ cách mạng, nếu kẻ đương quyền tuyên bố từ chức và bằng cách nào đó thừa nhận chính phủ cách mạng thì cũng có thể coi đó là điều có lợi. Tôi đã mang thông điệp từ chức đến các tỉnh mà tôi đi qua, từ Huế ra Hà Nội. Tôi đã báo tin như vậy cho quốc dân, và việc làm ấy tiến hành song song với các hoạt động của chính phủ cách mạng. Tới tỉnh Hà Tĩnh, quê hương tôi, ở đấy Việt Minh đã giành được chính quyền trước Hà Nội, tôi với danh nghĩa là Bộ trưởng từ chức, đã được nhiều bạn bè trong Ủy ban cách mạng tiếp đón. Tôi đưa tin Chính phủ Trần Trọng Kim từ chức cho Ủy ban cách mạng thì mọi người tỏ ra vui mừng. Tôi, thành viên của chính phủ đương quyền từ chức được các nhà cách mạng của quê mình đón tiếp. Vậy thì không có một sự thống nhất sâu sắc hay sao?
Nhưng hãy còn một vấn đề. Sau chính phủ còn một cái ngai vàng ở trước mắt, biểu tượng của chủ quyền quốc gia. Đó là một vấn đề pháp lý và nhất là chính trị. Nhà vua sẽ chọn thái độ thế nào đối với cách mạng? Nhiều trí thức ở Hà Nội có ý kiến phải yêu cầu nhà vua thoái vị. Chính phủ vừa mới từ chức ở Huế nhận được một điện tín mang chữ ký của ba nhà trí thức: Giáo sư Nguyễn Xiển, Ngụy Như Kon Tum và Hồ Hữu Tường, yêu cầu nhà vua thoái vị chính thức. Tất cả đại diện của các chính đảng, trong đó có giới trí thức, thấy cần có sự thoaí vị ấy. Và chúng tôi, những thành viên của chính phủ vừa từ chức, chúng tôi cũng tán thành sự thoái vị ấy. Dĩ nhiên, mức độ hăng hái trong yêu cầu đó không phải mạnh  như nhau trong mỗi chúng tôi. Nhưng những bộ trưởng quan trọng nhất đều tin chắc rằng nhà vua mà tuyên bố chính thức thoái vị thì sẽ là một việc có ích lợi lớn cho đất nước (…)
 
(1): TờThanh Nghị; (2): Vua Bảo Đại.
 
                             Theo TRÍ THỨC XƯA VÀ NAY, Nxb Văn hóa Thông tin 2006
               Văn Giang, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sưu tầm, giới thiệu

Lượt xem: 590

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 1975428- Đang online : 378