Tuyên Quang với chiến thắng Việt Bắc -Thu Đông 1947
73 năm trước, Quân đội nhân dân Việt Nam non trẻ đã có chiến thắng vang dội Thu đông năm 1947 trước quân viễn chinh Pháp. Trong chiến thắng ấy, quân và dân Tuyên Quang đã có những đóng góp không nhỏ...
Trong cách mạng Tháng Tám năm 1945, Tuyên Quang vinh dự là Thủ đô khu giải phóng - Trung tâm căn cứ địa cách mạng của cả nước, nơi Trung ương Đảng, Bác Hồ đã ở, làm việc, lãnh đạo nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa giành chính quyền thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở đầu cho kỳ nguyên độc lập tự do của dân tộc.
Ngày 19 tháng 12 năm 1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Với vị
trí chiến lược quan trọng và cơ sở cách mạng vững chắc trong cách mạng tháng
Tám, một lần nữa Tuyên Quang được lịch sử giao phó sứ mệnh là Thủ đô kháng
chiến, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt
trận và các bộ, ban, ngành, các cơ quan Trung ương đặt trụ sở, lãnh đạo cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi.
Với mưu đồ kết thúc nhanh chóng cuộc chiến tranh xâm lược tại Việt Nam, Thu đông năm 1947, thực dân Pháp huy động lực lượng mở cuộc tiến công lớn lên Việt Bắc hòng phá hoại cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Ở vị trí trung tâm căn cứ địa Việt Bắc, là cầu nối giữa vùng trung du, đồng bằng Bắc bộ với biên giới Việt - Trung, Tuyên Quang nằm trong mặt trận sông Lô-đường số 2, là mục tiêu chiếm đóng, càn quét chủ yếu của gọng kìm phía Tây của quân Pháp.
Nắm chắc âm mưu của địch, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang vừa tích cực xây dựng, bảo vệ căn cứ địa; vừa triệt để tiêu thổ kháng chiến, trực tiếp chiến đấu, anh dũng phá tan âm mưu của địch. Dựa vào thế hiểm yếu của núi rừng, sông suối, với phương châm dùng vũ khí địch đánh địch, sử dụng tất cả các loại vũ khí có thể, lực lượng vũ trang của tỉnh đã phối hợp với bộ đội chủ lực liên tục tổ chức các trận chiến đấu, đánh địch cả trên sông lẫn trên bộ, cả khi chúng tấn công lẫn khi chúng rút chạy.
Trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, quân và dân Tuyên Quang đã chiến đấu 48 trận, góp phần cùng bộ đội chủ lực tiêu diệt hơn 1.300 tên địch, bắn chìm, phá hỏng 10 canô, tàu chiến, phá hủy 1 máy bay của địch... Tuyên Quang trở thành nỗi kinh hoàng của giặc Pháp với những trận đánh đã đi vào lịch sử. Chiến thắng Bình Ca đánh dấu sự chuyển biến quan trọng về tình hình chiến cuộc, là chiến thắng mở đầu cho những chiến công vang dội trên mặt trận sông Lô như: Chiến thắng Bản Heng, Chiến thắng Cây số 7, Chiến thắng Đầm Hồng - Vật Nhèo, Cầu Cả, Khe Lau, Đức Long... Những trận đánh liên tiếp trên sông Lô, sông Gâm, trên tuyến Quốc lộ 2, Quốc lộ 13A đã giáng cho thực dân Pháp những đòn chí tử, góp phần quan trọng đập tan cuộc tấn công đầy tham vọng của quân đội viễn chinh Pháp, bảo vệ an toàn cơ quan đầu não kháng chiến của ta.
Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông năm 1947 làm thất bại hoàn toàn âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân đội Pháp, khẳng định vai trò và tầm quan trọng của việc chuẩn bị, xây dựng căn cứ địa, hậu phương trong thời bình và thời chiến, mở ra triển vọng mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc.
Tinh thần chiến đấu quả cảm, ý chí quyết thắng của quân dân Tuyên Quang và quân dân Việt Bắc đã được ghi nhận trong Lễ mít tinh mừng chiến thắng Việt Bắc được tổ chức trọng thể tại trung tâm thị xã Tuyên Quang, bên dòng Lô lịch sử vào ngày 23/12/1947. Tại buổi Lễ, đồng chí Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam đã đọc bản Nhật lệnh tuyên dương thành tích chiến đấu của quân dân Việt Bắc:
“ Các tướng sĩ Việt Bắc!
Ngày hôm nay giữa thị xã Tuyên Quang rực rỡ quốc kỳ, nhân kỷ niệm một năm ngày toàn quốc kháng chiến và 3 năm giải phóng, chúng ta lại có dịp mừng quân dân ta chiến thắng trong cuộc tấn công thu đông đầu tiên của chúng vào Việt Bắc.
Sông Lô đỏ máu quân thù. Đèo Bông Lau ngổn ngang xác giặc. Các trận oanh liệt ở Phủ Đoan, Tuyên Quang, ngã ba Sông Gâm, ở Cao Bằng, đèo Giàng, Phủ Thông, chợ Mới, Vũ Nhai, Tràng Xá, trên đường số 3 và phía tây đường số 2, các trận đột kích trên đường số 4, các trận tập kích ở Thu Cúc, Tu Vũ trên mặt trận phía Tây Sông Nhị, các trận truy kích hạ tuần tháng 11 và thượng tuần tháng 12/1947, các chiến công ấy đã kế tục truyền thống Bạch Đằng, Chi Lăng của ông cha ta đời trước.
...Bảy mươi năm về trước, Tuyên Quang trên Sông Lô đã từng bị khốn quẫn vì quân xâm lược Pháp khi chúng mới đến nước ta.
Ba năm về trước đây, địa hạt Tuyên Quang là thủ đô lâm thời của khu giải phóng vừa gây dựng.
Ngày nay, Tuyên Quang cùng Đoan Hùng, Khe Lau trên bờ Sông Lô đã oanh liệt thắng thủy quân và lục quân của giặc.
Tuyên Quang oai nghi và hùng dũng đã nêu cao tinh thần độc lập, bất diệt của Việt Bắc, của Việt Nam.
Cho nên ngày hôm nay thực là vinh dự cho Tuyên Quang là châu thành được chọn để cử hành lễ duyệt binh và tuyên dương công trạng này, trong khi trên đường triệt thoái của giặc, tiếng súng truy kích của quân ta vừa mới ngớt...”
Kỷ niệm 73 năm (1947-2020) Chiến thắng Việt Bắc - Thu Đông 1947, ôn lại những chiến công hào hùng của cha anh thở trước, mỗi người dân Tuyên Quang mãi mãi khắc ghi niềm tự hào về quê hương xứ sở, thấy rõ hơn trách nhiệm của của mình với sự nghiệp xây dựng và bảo quê hương đất nước, xứng đáng với truyền thống cách mạng vẻ vang của vùng đất anh hùng, thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến
Lượt xem: 1168
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"