• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV16/9/2020 16:10

Lê Thánh Tông (1442-1497), một hoàng đế văn vũ kiêm toàn

Tiếp theo loạt bài về trí thức Việt Nam tiêu biểu, BBT xin giới thiệu với độc giả bài sưu tầm về Vua Lê Thánh Tông.


Lê Thánh Tông, huý là Tư Thành, sinh ngày 20/7 năm Nhâm Tuất, con thứ tư của vua Lê Thái Tông (1434-1442), mẹ là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao. Tư Thành sinh ra chỉ sau 14 ngày trước khi xẩy ra cái chết đầy bí ẩn của của vua cha (ngày 4/8, tức ngày 7/9/1442) dẫn đến vụ án Lệ Chi Viên kết thúc bi thảm cuộc đời của Nguyễn Trãi, người đã cùng Lê Lợi , ông nội của Tư Thành dựng nên nghiệp Bình Ngô và sáng lập ra vương triều Lê.Trước đó, Ngô Thị Ngọc Giao đã từng bị dèm pha, có thể bị phế bỏ, nhờ sự che chở, đùm bọc của Nguyễn Trãi mới được an toàn sinh ra Tư Thành tại chùa Huy Văn (Hà Nội), bên ngoài cung cấm.Tuổi ấu thơ của ông đã cùng mẹ sống lánh mình trong dân gian. Nhiều điều bí ẩn còn bị che phủ và đó là mảnh đất để nảy sinh nhiều huyền thoại trong dân gian. Điều cần khẳng định là công lao sinh dưỡng và dạy dỗ của người mẹ, bà Ngô Thị Ngọc Giao mà người đương thời đã ngợi ca “trong cung đình, kẻ sang người hèn đều gọi là bà Phật sống’. Đến năm Đại Hoà thứ 3 (1445) anh là Lê Nhân Tông phong Tư Thành là Bình Nguyên vương và từ đó mới được trở về cung cấm, cùng học tập với các thân vương ở toà Kính Diên. Biết rõ thân phận và hoàn cảnh éo le của mình,, Tư Thành ngày đêm lo học tập, trau dồi kiến thức “sống kín đáo, không lộ vẻ anh minh ra ngoài, chỉ vui với sách vở cổ kim, nghĩa lý thánh hiền”.
          Năm 1460, Tư Thành được lập lên làm vua sau khi lực lượng chính thống trung thành với triều Lê do Cương Quốc Công Nguyễn Xí cầm đầu phế truất vua tiếm ngôi Lê Nghi Dân.
          Lê Thánh Tông sinh ra và lớn lên khi triều Lê đã được thiết lập vững vàng sau thắng lợi của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và các triều Lê Thái tổ (1428-1433), Lê Thái Tông ( 1434-1442, Lê Nhân Tông ( 1443-1459) đã đạt được một số thành quả trong củng cố vương triều và xây dựng đất nước. Tuy vậy, triều Lê vẫn tồn tại trong nhiều mâu thuẫn cung đình phức tạp với những vụ giết hại công thần, nhưng mưu đồ tranh đoạt vương quyền. Những mâu thuấn và xung đột đó đã cản trở và hạn chế công cuộc xây dựng đất nước trên nhiều phương diện và có khi đe doạ cả sự tồn tại bền vững của triều Lê. Ngay sau khi lên ngôi hoàng đế, Lê Thánh Tông đã nhanh chóng chấm dứt tình trạng xung đột cung đình, lập lại kỷ cương quốc gia, tạo lập nên sự ổn định chính trị để đẩy mạnh sự nghiệp phục hưng dân tộc. Đó là thành công lớn đầu tiên của ông, mở ra một thời kỳ phát triển mới của vương triều và đất nước.
          Trong 38 năm trên cương vị Hoàng đế nước Đại Việt, Lê Thánh Tông đã đề ra nhiều chính sách, biện pháp nhằm củng cố chế độ quân chủ tập quyền, giữ vững độc lập dân tộc, tăng cường nền quốc phòng và thúc đẩy mọi mặt phát triển đất nước.
          Trong xây dựng thiết chế chính trị, Lê Thánh Tông rất chú trọng xây dựng pháp luật, thực hiện ý tưởng của Lê Lợi ngay từ năm đầu thiết lập vương triều “từ xưa đến nay, trị nước phải có pháp luật, không có pháp luật thì sẽ loạn”. Hàng loạt qui chế hoạt động của Nhà nước được ban hành trên cơ sở tổng hợp các điều luật của triều Lê, từ đời Lê Thái Tổ rồi bổ sung hoàn chỉnh, năm 1443 xây dựng thành bộ Quốc triều hình luật, thường gọi là Luật Hồng Đức. Bộ luật này tiếp tục được sửa đổi, bổ sung trong suốt thời kỳ nhà Lê cho đến cuối thế kỷ XVIII. Lê Thánh Tông là vị Hoàng đế nêu cao vai trò của pháp luật và đạt được thành tựu to lớn về hoạt động luật pháp.
Trong 722 điều của Quốc triều hình luật, có đến 400 điều luật hoàn toàn không có trong các bộ luật Hán – Đường – Tống – Minh và coi đó là những điều luật độc đáo, riêng có của Đại Việt. Những điều luật này xuất phát từ thực tế xã hội Đại Việt, từ những phong tục, tập quán, tục lệ và truyền thống lâu đời của nhân dân được Nhà nước chấp nhận, qui phạm hoá thành luật. Trong những điều luật này, có những điều luật xác nhận quyền, địa vị của người phụ nữ trong gia đình, hôn nhân, trong sở hữu tài sản, tôn trọng các luật tục của người thiểu số, tôn trọng người gìà trong xã hội… Đó là những nội dung tiến bộ và giá trị đặc sắc của Bộ luật Hồng Đức, phản ánh rõ nét tư tưởng chính trị của Lê Thánh Tông. Nho giáo của Lê Thánh Tông là sự vận dụng Nho giáo vào trong thực tế xã hội trên tinh thần dân tộc và sáng tạo, có thể coi đó là một thứ Nho giáo Đại Việt thời Lê Thánh Tông.
          Lê Thánh Tông đặc biệt quan tâm, coi trọng giáo dục, thi cử, đã mở rộng Quốc tử giám, tổ chức lại việc học và thi, dựng bia tiến sỹ, đặt lễ xứng danh và lễ vinh qui. Văn bia tiến sỹ còn ghi lại những ý tứ cao siêu coi như phương châm đào tạo nhân tài xây dựng đất nước thời Lê Thánh Tông.
          “Hiền tài là nguyên khí quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh rồi lên cao, nguyên khí suy thì thế nước yếu rồi xuống thấp. Vì vậy các đấng Thánh đế, Minh vương chẳng ai không lấy việc bồi dưỡng nhân tài, kén chọn kẻ sỹ, vun trồng nguyên khí làm việc đầu tiên. Kẻ sỹ quan trọng với quốc gia trọng đại như thế, cho nên quí trọng kẻ sỹ không biết thế nào là cùng” (1).
          “Sự nghiệp trị nước lớn lao của đế vương không cần gì kíp hơn nhân tài, điền chương đầy đủ chế độ của Nhà nước tất cả phải chờ vào bậc hậu Thánh. Bởi vì trị nước mà không lấy nhân tài làm gốc,chế tác mà không dựa vào hậu Thánh thì chỉ là cẩu thả tạm bợ mà thôi, sao có thể đạt tới chính trị phong hoá phồn vinh, văn vật điển chương đủ” (2).
          Tác giả Lịch triều hiến chương loại đã nhận xét “Khoa cử các đời thịnh nhất là đời Hồng Đức. Cách lấy đỗ rộng rãi, cách chọn người công bằng đời sau không thể bắt kịp”.
          Nước Đại Việt dưới triều Lê Thánh Tông trở thành nước độc lập, thống nhất và cường thịnh ở khu vực Đông Nam Á.
          Lê Thánh Tông là một tài năng xuất sắc trên nhiều lĩnh vực, một con người có ý chí và nghị lưc cao, có cá tính mạnh mẽ và quyết đoán. Tên tuổi và sự nghiệp của ông đã đi vào lịch sử dân tộc như một vị “minh quân”, một hoàng đế văn vũ kiêm toàn,  là vua “sáng lập chế độ” là “vua anh hùng tài lược” là vua văn vũ tài lược hơn cả các đời”(3).
          Ông còn là một nhà thơ, nhà văn, nhà văn hoá lớn mang tâm hồn nghệ sỹ. Ông có nhiều phẩm chất cao quí “tính chất và tinh khí vua cao sáng, ham học không biết mỏi, tay không rời sách kinh sử, chư tử, lịch số, toán chương đều tinh thông, văn thơ càng giỏi hơn các bề tôi”. Lê Thánh Tông có kiến thức uyên bác với những hiểu biết sâu rộng trên hầu hết các lĩnh vực học thuật đương thời.
          Lê Thánh Tông để lại một di sản văn thơ phong phú, đồ sộ. Thơ chữ Hán của ông được chép lại trong các tập thơ như: Quỳnh uyển cửu ca, Châu cơ thắng thưởng, Chính Tây kỷ hành, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ suý, Cổ tâm bách vịnh và rải rác trong các sách khác, ước khoảng trên 300 bài. Thơ Nôm được tập hợp trong Hồng Đức quốc âm thi tập cùng với thơ của nhiều tác giả thời Hồng Đức.
          Lê Thánh Tông là người thích tuần du ngoạn cảnh, tham dự nhiều buổi diễn tập quân sự và thân chinh xa, bước chân ông in dấu trên nhiều miền đất nước. Theo vết chân nhà vua – thi sỹ, nhiều bài thơ được tạc vào vách đá, vách núi, mái đá tại nhiều di tích thắng cảnh.
          Lê Thánh Tông còn có công minh oan cho Nguyễn Trãi và ra lệnh sưu tầm di văn của anh hùng dân tộc, nhà văn hoá lớn với thái độ trân trọng “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo”. Lê Thánh Tông giao cho Ngô Sỹ Liên viết bộ quốc sử Đại việt sử ký toàn thư hoàn thành năm 1479 và năm 1483 chỉ đạo một nhóm văn thần biên soạn một bộ tùng thư mang tính bách khoa đồ sộ, bộ Thiên Nam dư địa tập gồm 100 quyển (tiếc rằng bộ sách đã bị thất truyền, nay chỉ còn 10 tập tàn khuyến lưu giữ tại Viện Hán Nôm).
          Bao trùm lên tất cả, Lê Thánh Tông là người có tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc sâu sắc. Với tinh thần và ý thức đó, ông quan tâm xây dựng một vương triều quân chủ tập quyền mạnh, qui củ trên nền tảng một đất nước thịnh đạt, dân được sống trong thanh bình, yên vui. Ước vọng và hoài bão của ông là:
                                 Thiên nam vạn cổ thiên hà tại
                      (bài thơ được khắc ở núi Bài Thơ, Quảng Ninh)
          Cũng có người nêu lên và phê phán Lê Thánh Tông như vì Lê Lăng trước có ý định lập anh vua là Cung Vương Khắc Xương nên sau nhà vua đã tống giam và bỏ chết Khắc  Xương trong ngục, khép Lê Lăng vào tội “ngầm mưu làm phản” để giết hại… Về việc này, bộ quốc sử như Đại Việt sử ký toàn thư cũng bình luận “tình cảm anh em thiếu lòng nhân ái, đó là chỗ kém vậy. Lê Thánh Tông còn bị phê phán “về gìa dâm dục khá nhiều, mắc tật phong thủng” có thể coi đó là những nhược điểm, có thể là những tì vết trong cuộc đời Lê Thánh Tông gắn liền với chế độ quân chủ chuyên chế khi mà quyền uy của hoàng đế được coi là “vô thượng” và bất cứ một sự xúc phạm hay gây nguy hại nào dù nhỏ nhất hay gián tiếp đều bị loại trừ. Chế độ chuyên chế không những để lại một số vết tật trong con người và cuộc đời của Lê Thánh Tông mà còn bộc lộ sự hạn chế của nó trong một số chính sách của Lê Thánh Tông.
            Nhưng những hạn chế và tỳ vết đó không thể phủ định, làm lu mờ  những phẩm chất cao quí, tài năng lỗi lạc và những cống hiến lịch sử của Lê Thánh Tông.
          Trong lịch sử các vương triều phong kiến Việt Nam, triều vua Lê Thánh Tông (1460-1479) với 2 niên hiệu Quang Thuận (1460- 1469)  và Hồng Đức(1470- 1479) giữ vị trí và vai trò nổi bật, tiêu biểu cho một thời kỳ thịnh trị của quốc gia, một thành công lớn trong xây dựng đất nước và phục hưng dân tộc.
 

       Giang Văn Huỳnh, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh
( theo Trí thức Việt nam Xua và nay, NXB Văn hoá thông tin Hà Nội  2006).

Lượt xem: 1472

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 1975487- Đang online : 437