• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV10/3/2021 15:58

Bác Hồ thăm Tuyên Quang tháng 3/1961

Tuyên Quang là vùng đất lịch sử đã vinh dự được chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng và mãi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng những sự kiện trọng đại của dân tộc. Trong Cách mạng Tháng Tám 1945 và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống, làm việc gần 6 năm, trên 20 địa điểm khác nhau ở Tuyên Quang.

                        
       Năm1947, khi bắt đầu cuộc kháng chiến, Tuyên Quang là nơi ở, làm việc đầu tiên của Người sau hành trình di chuyển từ Hà Nội lên Việt Bắc; khi kháng chiến thành công, tháng 7/1954, Tuyên Quang cũng là địa điểm Bác dừng chân trước khi về lại thủ đô. Mặc dù bộn bề công việc to lớn của đất nước nhưng Người vẫn giành tình cảm yêu thương trở lại thăm Tuyên Quang- Thủ đô Khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến năm xưa. Đó là chuyến thăm và làm việc tháng 3/1961
Bẩy năm sau ngày hoà bình, chiều ngày 19/3/1961, chiếc máy bay đưa Bác và các đồng chí trong đoàn trở lại Tuyên Quang đã hạ cánh tại sân bay Km5 (Sân bay quân sự  nhỏ, chỉ là một khu đất bằng phẳng do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1940-1941 tại xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang ngày nay)
Sau khi gặp gỡ các đồng chí lãnh đạo tỉnh ra đón Bác ngay tại sân bay, Người đến thăm Trung đoàn  246 đóng quân tại xã Lưỡng Vượng; thăm Nông trường Sông Lô (nay thuộc phường An Tường, thành phố Tuyên Quang), Trường  thiếu nhi vùng cao, Trường sư phạm, Trường cán bộ miền núi (nay thuộc phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang)
Tối ngày 19/3/1961, Người nói chuyện với các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ III tại Hội trường Đại hội (nay thuộc phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang)
Sáng ngày 20/3/1961, Bác gặp mặt các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh. Sau đó, Người đến sân vận động Thị xã (nay là Quảng trường Nguyễn Tất Thành) nói chuyện với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Chiều cùng ngày, Người trở lại thăm và nói chuyện với nhân dân vùng ATK tại đình Tân Trào, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương trước khi về Hà Nội
Nhân kỷ niệm 60 năm Bác về thăm Tuyên Quang (3/1961-3/2021), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh xin trân trọng giới thiệu toàn văn Bài nói chuyện của Bác với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang  



ác Hồ với học sinh Trường Thiếu nhi vùng cao Tuyên Quang (tháng 3-1961). Ảnh: Tư liệu         
 
 BÀI NÓI CHUYỆN VỚI ĐỒNG BÀO
CÁC DÂN TỘC TỈNH TUYÊN QUANG
 
Thưa đồng bào,
Nhân dịp Đại hội Đảng của tỉnh ta, Bác thay mặt Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an võ trang nhân dân, dân quân và cán bộ, các cháu thanh niên và nhi đồng. Chúng tôi tỏ lòng cảm ơn các đồng chí chuyên gia nước anh em đang tận tình giúp ta trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Sau đây là câu chuyện mà Bác mong đồng bào và cán bộ tất cả các dân tộc, các địa phương hiểu rõ, ghi nhớ và cố gắng thực hiện.
Trước kia, chúng ta làm cách mạng và kháng chiến đánh đổ vua chúa và địa chủ phong kiến, đánh đuổi giặc Nhật, giặc Tây, để giành lấy tự do cho các dân tộc.
          Ngày nay, chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Chủ nghĩa xã hội nghĩa là tất cả mọi người các dân tộc ngày càng ấm no, con cháu chúng ta ngày càng sung sướng. Muốn được như vậy thì tất cả mọi người, gái cũng như trai, tất cả mọi dân tộc phải hiểu rằng: nói chung thì mình là người chủ tập thể  của nước nhà; nói riêng thì công nhân là chủ nhà máy, xã viên là chủ hợp tác xã nông nghiệp.
Mọi người đều làm chủ, thì mọi người phải ra sức  xây dựng chủ nghĩa xã hội tức là phải thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, tức là thực hiện khẩu hiệu "cần kiệm xây dựng Tổ quốc".
Ở tỉnh ta hiện nay nông nghiệp là chính, vậy Bác nói nhiều về vấn đề này.
- Một là, muốn tăng gia sản xuất thì phải tổ chức hợp tác xã nông nghiệp. Hiện nay, Tuyên Quang đã có hơn 770 hợp tác xã, trong đó có hơn 170 hợp tác xã cấp cao. Như thế là tiến bộ. Nhưng các hợp tác xã còn quả nhỏ bé, có những hợp tác xã chỉ có 12 hộ, trung bình là 25 hộ. Chỉ có 3 hợp tác xã cấp cao, mỗi xã hơn 100 hộ. Hợp tác xã quá bé nhỏ thì không đủ sức để phát triển sản xuất.
- Hai là, mục đích của hợp tác xã là làm cho thu nhập chung của xã và thu nhập riêng của xã viên ngày càng tăng. Nhưng hiện nay có hợp tác xã  lại thu nhập không bằng nông dân riêng lẻ, có một số những hợp tác xã cấp cao thu hoạch kém thua hợp tác xã  cấp thấp.
Vì sao vậy? Vì cán bộ lãnh đạo chỉ biết phát triển con số mà không lo củng cố, không lo làm cho các hợp tác xã thật vững mạnh. Vì nóng vội, không đi từ cấp thấp đến cao để rút kinh nghiệm mà lại muốn tổ chức ngay hợp tác xã cấp cao. Phải nhớ rằng hợp tác xã cấp cao có nghĩa là thu nhập phải cao. Vì quản lý kém - hoặc là chưa được dân chủ, hoặc là chưa được chí công vô tư, hoặc làm kém sáng suốt, nhưng khi đưa trâu bò vào hợp tác xã thì định giá thấp, v.v...
Từ nay phải sửa chữa những khuyết điểm nói trên, đồng thời phải theo nguyên tắc tự nguyện, không gò ép, đưa dần những hợp tác xã quá nhỏ bé hợp thành những hợp tác xã hạng vừa, độ 40, 50 hộ, hoặc nhiều hơn nữa để có đủ sức tăng gia sản xuất.
Để tăng gia sản xuất, cần có 8 điều:
1. Đủ nước,
2. Nhiều phân,
3. Cày bừa kỹ,
4. Giống mạ tốt,
5. Cấy cày đúng mức,
6. Phòng sâu, chuột và thú rừng,
7. Cải tiến nông cụ,
8. Chăm sóc đồng ruộng.
Về nước, đồng bào làm thuỷ lợi khá, nhưng vẫn chưa đủ, còn phải cố gắng nữa.
Phân, hiện nay mới được 50% mức quy định. Như thế là quá ít.
Phải nhớ rằng phân bón nhiều thì thu hoạch mới nhiều, "một nắm phân là một cân thóc".
Cải tiến nông cụ, cả tỉnh có hơn 17.600 mẫu tây ruộng đất, mà chỉ có 950 cái cày cải tiến và 23 cái máy cấy. Thật là quá ít ỏi!
Kém phân bón, kém cải tiến nông cụ là một nguyên nhân mà vụ chiêm năm ngoái so với kế hoạch sản lượng đã hụt 27%, năng suất thì hụt 30%. Từ nay các hợp tác xã phải cố gắng làm đúng 8 điều nói trên.
Thanh La là một hợp tác xã khá về nhiều mặt ở tỉnh ta, có hơn 100 hộ xã viên, thu hoạch bình quân 1 công được hơn 6 ký thóc, đã bắt đầu vỡ hoang để tăng thêm ruộng đất, có nghề phụ như lò rèn và xưởng làm nông cụ cải tiến, v. v..Cả xã đã xoá xong nạn mù chữ. Tất cả đảng viên và đoàn viên thanh niên đều vào hợp tác xã và cố gắng làm đầu tàu. Các hợp tác xã trong tỉnh nên học tập và thi đua theo cho kịp Thanh La. Còn Thanh La thì nên học tập và thi đua với hợp tác xã Đại Phong.
Về vụ Đông - Xuân: Kế hoạch Trung ương giao cho tỉnh về lúa và 4.900 mẫu tây. Tỉnh đã tăng lên một ít, các xã tăng thêm 542 mẫu tây nữa thành 5.442 mẫu tây. Như thế là tốt, điều đó chứng tỏ các xã rất cố gắng.
Nhưng khuyết điểm là không toàn diện, không chú trọng đầy đủ về cây công nghiệp và hoa màu. Ví dụ:
Trung ương định về ngô là 2.800 mẫu tây mà hiện nay cả tỉnh mới chuẩn bị được 2.300 mẫu tây.
Trung ương định về khoai là 700 mẫu tây mà hiện nay cả tỉnh mới chuẩn bị được 462 mẫu tây.
Trung ương định về sắn là 1.400 mẫu tây mà hiện nay cả tỉnh mới chuẩn bị được 612 mẫu tây.
Đó là một khuyết điểm nghiêm trọng.
Chúng ta cần phải biết rằng hoa màu là một thứ lương thực quý cho người và cho gia súc; nếu hoa màu kém thì ảnh hưởng không tốt đến đời sống của nhân dân. Cây công nghiệp không đạt được kế hoạch thì ảnh hưởng đến phát triển công nghiệp. Cho nên phải cố gắng làm đúng kế hoạch Trung ương đã định.
Về chăn nuôi: Tỉnh ta cũng kém. Chăn nuôi chẳng những không tăng mà còn giảm. So với kế hoạch thì trâu bò hiện nay thiếu hụt hơn 5%. Đó là vì:
- Cán bộ lãnh đạo các cấp không quan tâm đến vần đề chăn nuôi.
- Vì khi đưa vào hợp tác xã định giá trâu bò quá rẻ.
- Vì các xã viên không săn sóc tốt trâu bò.
- Vì giết thịt trâu bò lu bù, v.v...
Chúng ta phải nhớ rằng trâu bò là bạn thân của nông dân, vừa giúp sức lao động cho nông dân, vừa là một nguồn phân bón tốt.
Vậy đồng bào tỉnh ta phải ra sức phát triển chăn nuôi hơn nữa.
Về khai thác lâm thổ sản: Đó là một nguồn lợi lớn cho đồng bào tỉnh ta, nó gần bằng 1 phần 3 giá trị của lương thực. Tuy vậy, về khai thác, đồng bào cũng chưa hoàn thành kế hoạch do Trung ương định, như:
Tre nứa chỉ đạt 81%,
Củi chỉ đạt 88%, v.v.
Đồng bào cần phải cố gắng hoàn thành tốt kế hoạch đã định, đồng thời phải chú ý bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng. Tục ngữ nói "Rừng vàng, biển bạc".
Chúng ta chớ lãng phí vàng, mà phải bảo vệ vàng của chúng ta.
Về công nghiệp và thủ công nghiệp: Tỉnh ta phát triển như thế là khá. Các đồng chí công nhân cần nhớ rằng: giai cấp mình là giai cấp lãnh đạo; mình là người chủ của xí nghiệp. Vì vậy phải cố gắng học tập chính trị, văn hoá và kỹ thuật để tiến bộ mãi. Phải giữ vững kỷ luật lao động. Phải quý trọng của công; chống lãng phí tham ô. Phải thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch đã định. Phải tuỳ khả năng mà sản xuất một số lương thực để tự túc một phần và tự cải thiện sinh hoạt của mình. Phải đoàn kết và tuỳ điều kiện mà giúp đỡ các hợp tác xã nông nghiệp để tăng cường hơn nữa liên minh giữa công nông.
Về thương nghiệp: Cán bộ và các hợp tác xã  tiểu thương đã có nhiều cố gắng nhưng cần phải tích cực phục vụ đồng bào tốt hơn nữa.
Vấn đề văn hoá: So với những năm trước thì tỉnh ta phát triển tương đối khá. Cả tỉnh đã có 197 trường các cấp. Điều đáng mừng nữa là các cháu dân tộc ít người đi học ngày càng đông: năm 1957 chỉ có 380 cháu đi học, hiện nay đã tăng đến hơn 3.800 cháu.
Nhưng tỉnh ta cần đẩy mạnh hơn nữa phong trào bổ túc văn hoá và xoá nạn mù chữ. Hiện nay còn hơn 2 vạn người chưa biết đọc biết viết, thế là nhiều. Năm nay, cán bộ phải có kế hoạch thanh toán cho xong nạn mù chữ. Cũng là một tỉnh nhiều đồng bào thiểu số, mà Hoà Bình xoá xong nạn mù chữ đã lâu và đã được thưởng huân chương. Tỉnh ta phải cố gắng theo cho kịp tỉnh bạn.
Vấn đề vệ sinh: Cũng cần đẩy mạnh hơn nữa. Phải tuyên truyền một cách thiết thực và rộng khắp trong nhân dân, gây một phong trào thể dục vệ sinh, chú trọng củng cố và phát triển thêm các trạm y tế và nơi đỡ đẻ ở xã, làm cho đồng bào hiểu rõ: phải giữ gìn vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch thì sức mới khoẻ; sức càng khoẻ thì lao động sản xuất càng tốt.
Về trật tự trị an: Trong thời kỳ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng uỷ, các đồng chí bộ đội, công an võ trang  và dân quân đã giữ gìn tốt trật tự trị an. Đồng bào được an cư lạc nghiệp. Như vậy là tốt. Nhưng chớ chủ quan khinh địch. Phải luôn luôn cảnh giác. Các đồng chí ấy cần cố gắng học tập thêm chính trị và quân sự để tiến bộ mãi. Cần đoàn kết nhân dân, luôn luôn dựa vào lực lượng nhân dân; phải có quyết tâm vượt mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà Đảng và Chính phủ đã giao cho.
Về các đoàn thể quần chúng: Đây chỉ nói về phụ nữ và thanh niên.
Cả tỉnh có 3 vạn chị em có tổ chức, hơn một vạn rưởi vào hợp tác xã, hơn 700 chị em tham gia công tác chính quyền. Như thế là khá. Nhưng còn phải đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục lôi cuốn nhiều phụ nữ vào tổ chức hơn nữa.
Đoàn Thanh niên Lao động có 9.800 đồng chí. Đó là một lực lượng khá to. Nhưng so với số dân trong tỉnh thì vẫn còn là ít. Tỉnh ta có hơn 84.000 cử tri, trong đó hơn 4 vạn là thanh niên. Đoàn Thanh niên Lao động chỉ chiếm hơn một phần tư tổng số thanh niên. Vậy là Đoàn có thể và nên phát triển hơn nữa. Trong các công việc sản xuất, thanh niên nhiều nơi đã làm tròn nhiệm vụ xung phong. Trong học tập cũng như trong lao động sản xuất, thanh niên Tuyên Quang cần làm đúng khẩu hiệu vẻ vang là: "Đâu cần thanh niên có, việc khó thanh niên làm".
Phụ nữ và thanh niên cần phải gánh vác chính trong việc xây dựng đời sống mới và thực hiện đúng đắn Luật hôn nhân và gia đình.
Các cháu nhi đồng phải làm cho được 5 tốt là: đoàn kết tốt, học tập tốt, lao động tốt, kỷ luật tốt, vệ sinh tốt.
Vấn đề dân tộc: Dưới chế độ thực dân và phong kiến, đồng bào rẻo cao sống rất cực khổ. Ngày nay, đồng bào rẻo cao được tự do bình đẳng, không bị áp bức bóc lột như trước kia. Nhưng đời sống vật chất và văn hoá chưa được nâng cao mấy. Đó là vì cán bộ lãnh đạo không chú ý đầy đủ đến đồng bào rẻo cao. Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ giao cho cán bộ từ tỉnh đến xã phải ra sức giúp đỡ hơn nữa đồng bào rẻo cao về mọi mặt.
Đồng bào tất cả các dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em trong một nhà.
Về công tác lãnh đạo: Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Tất cả cán bộ đều phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân; đều phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân; đều phải theo đúng chính  sách của Đảng và đi đúng đường lối quần chúng.
Do đó mà lãnh đạo phải dân chủ, thiết thực, cụ thể và toàn diện. Phải tránh cách lãnh đạo đại khái, phiến diện, chung chung. Cán bộ phải tuyệt đối tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh, phải hết sức chống bệnh hình thức, chống lãng phí tham ô.
Trong mọi công việc, đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm gương mẫu để lôi cuốn nhân dân cùng tiến bộ.
Trước kia, Đảng ta chỉ có non 5.000 đồng chí và ở trong những điều kiện vô cùng khó khăn mà đã lãnh đạo 25 triệu đồng bào cả nước làm cách mạng thành công. Hiện nay, ở Tuyên Quang ta có hơn 5.000 đảng viên, với mọi điều kiện cực kỳ thuận lợi, nhất định phải lãnh đạo 156.000 đồng bào tỉnh nhà hăng hái thi đua, hoàn thành tốt kế hoạch Đảng và Chính phủ giao cho, trước mắt là hoàn thành tốt kế hoạch năm nay làm đà tốt cho cả kế hoạch 5 năm.
Hiện nay, Trung ương Đảng sắp mở một đợt chỉnh huấn nhằm làm cho toàn Đảng, toàn dân thấm nhuần thêm tư tưởng làm chủ nước nhà và nâng cao ý thức xã hội chủ nghĩa. Tất cả chúng ta sẽ vui vẻ phấn khởi tham gia cuộc chỉnh huấn mới, để sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm, để hoàn thành những nhiệm vụ mới, giành lấy những thắng lợi mới.


Bác Hồ thăm đình Tân Trào (tháng 3/1961). Ảnh Tư liệu

Thưa đồng bào,
Trước kia, đồng bào tỉnh ta đã góp phần xứng đáng trong Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến cứu nước. Ngày nay, tôi chắc rằng đồng bào ta sẽ phát huy truyền thống anh dũng sẵn có và góp phần nhiều hơn nữa trong công cuộc kiến thiết chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà. Với quyết tâm phấn đấu của chúng ta, với sự giúp đỡ tận tình của các nước anh em, chúng ta nhất định sẽ thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Cuối cùng, chúng tôi nhờ các vị chuyển lời thân ái hỏi thăm của Trung ương Đảng và Chính phủ đến đồng bào, bộ đội và cán bộ ở các địa phương.
Lê Thị Thanh Hiền, Tổng Thư ký LHH.

Lượt xem: 1073

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 1974365- Đang online : 18656