Đổi mới công tác quản lí, chỉ đạo thực hiện phương án thi trung học phổ thông quốc gia năm học 2016-2017
Năm học 2016-2017, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.
Theo tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, xác định đổi mới thi cử là khâu đột phá, tác động trở lại và thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã công bố phương án thi trung học phổ thông (THPT) quốc gia mới năm 2017. Phương án thi năm 2017 kế thừa những kết quả đã đạt được và điều chỉnh những bất cập, hạn chế sau 2 năm thực hiện đổi mới thi, tuyển sinh. Theo đó, Bộ GDĐT tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia để lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp THPT, đồng thời làm căn cứ để tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ).
Phương án thi cụ thể như sau:
- Thí sinh giáo dục THPT thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội). Với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.
- Thí sinh giáo dục thường xuyên thi 3 bài thi gồm: 2 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn (bài thi Khoa học Tự nhiên: Tổ hợp các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học hoặc bài thi Khoa học Xã hội: Tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lí. Thí sinh có thể chọn thi thêm bài thi Ngoại ngữ để xét tuyển vào ĐH, CĐ nếu có nguyện vọng.
Hình thức thi:
- Các bài Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên phiếu trả lời trắc nghiệm; phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh được chấm bằng phần mềm máy tính. Tổ chức 1 cụm thi duy nhất cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào Cao đẳng, Đại học.
Đây là những điểm mới quan trọng về hình thức, nội dung tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017 nhằm đánh giá toàn diện hơn năng lực của học sinh, đảm bảo khách quan, công bằng hơn, hạn chế tiêu cực trong thi cử, đồng thời tiết kiệm chi phí, giảm áp lực thi cử cho học sinh.
Phương án thi này thể hiện tính nhất quán của Chính phủ và Bộ GDĐT trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thể hiện được nhiều tính ưu việt so với các phương án thi truyền thống, giảm áp lực thi cử cho học sinh, tiết kiệm chi phí tổ chức thi và đặc biệt góp phần tổ chức thi nghiêm túc, công bằng, khách quan hơn.
Đây là phương án thi có nhiều điểm mới, thay đổi lớn so với trước đây, đồng thời cũng là vấn đề thời sự được các cấp chính quyền, cán bộ, giáo viên ngành giáo dục, nhân dân và các phương tiện truyền thông, học sinh và cha mẹ học sinh đặc biệt quan tâm.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới kì thi và đảm bảo tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017 an toàn, nghiêm túc và đạt hiệu quả cao, tập thể lãnh đạo Sở GDĐT đã thống nhất tăng cường đổi mới công tác quản lí, chỉ đạo thực hiện phương án thi THPT quốc gia năm 2017 theo định hướng hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế dạy và học tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh với 4 mục tiêu chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông về phương án thi THPT quốc gia năm 2017 đến toàn thể cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh trên địa bàn tỉnh, tạo sự đồng thuận ủng hộ của các cơ sở giáo dục và nhân dân đối với chủ trương đổi mới của Bộ GDĐT.
Hai là, giúp các cơ sở giáo dục, học sinh và cha mẹ học sinh hiểu rõ hơn và nắm bắt tốt hơn các điểm mới phương án thi THPT quốc gia năm 2017; từ đó có chiến lược dạy, học và ôn tập phù hợp, đạt kết quả cao.
Ba là, chỉ đạo các cơ sở giáo dục tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy phù hợp với phương án tổ chức thi mới.
Bốn là, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017 an toàn, nghiêm túc, đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục bền vững và mong mỏi của nhân dân, từng bước tạo niềm tin trong nhân dân và các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về công tác giáo dục đào tạo của tỉnh.
Thực trạng của đội ngũ cán bộ quản lí và giáo viên
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ một số tồn tại có tính phổ biến trong ngành giáo dục hiện nay, cụ thể:
- Chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; … chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng làm việc. Phương pháp giáo dục, việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả còn lạc hậu, thiếu thực chất.
- Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Các đánh giá, nhận định này cũng đúng với thực trạng của công tác giáo dục của các trường THPT trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Trước thực tế phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt để tổ chức thực hiện tốt phương án thi THPT quốc gia năm 2017, việc tăng cường đổi mới công tác quản lí, chỉ đạo thực hiện phương án thi THPT quốc gia năm 2017 sẽ hỗ trợ hiệu quả các nhà trường trong công tác đổi mới quản lí, nội dung và phương pháp dạy học để phù hợp với phương án thi mới; đồng thời khẳng định quyết tâm chính trị của lãnh đạo ngành Giáo dục và Đào tạo trong chỉ đạo đổi mới phương pháp, hình thức dạy học theo hướng hiệu quả, đổi mới thi cử đảm bảo nghiêm túc, công bằng, khách quan; tạo tiền đề để phát triển giáo dục và đào tạo một cách bền vững.
Các giải pháp cụ thể đã thực hiện:
- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền
+ Tăng cường công tác tuyên truyền chủ trương đổi mới trong công tác tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017. Bản thân tôi đã trực tiếp nghiên cứu, tổng hợp các chỉ đạo của Bộ GDĐT về đổi mới giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đổi mới thi cử và phương án tổ chức thi THPT quốc gia năm 2017; trực tiếp đến 100% các trường THPT để tuyên truyền về phương án thi mới của Bộ GDĐT; chỉ đạo, định hướng các đơn vị đổi mới phương pháp quản lí, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực của học sinh, đồng thời phù hợp với nội dung và hình thức mới; chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường đổi mới tổ chức tốt công tác giảng dạy và ôn tập cho học sinh lớp 12 đảm bảo hiệu quả.
+ Chỉ đạo các trường THPT, Trung tâm GDTX-HN tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền chủ trương đổi mới trong công tác tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017 cho cán bộ quản lí, giáo viên, học sinh và cha mẹ học sinh để tạo sự đồng thuận và quyết tâm chính trị trong toàn ngành và nhân dân.
+ Phối hợp với các cơ quan truyền thông như báo Tuyên Quang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh tuyên truyền các điểm mới trong công tác tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2017.
Tổ chức tọa đàm trên sóng truyền hình của Đài PT-TH tỉnh: Tuyên Quang với Kì thi THPT QG (https://www.youtube.com/watch?v=rcI3jD7k7AY)
Lượt xem: 534
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"