Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV8/11/2017 9:52
APEC, sự hình thành và phát triển
Nhân sự kiện Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Ắ - Thái Bình Dương (APEC), tổ chức tại Đà Nẵng (Việt Nam), Trang tin Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sưu tầm và trân trọng giới thiệu với bạn đọc về tổ chức APEC
Thành lập tháng 11/1989, Diễn đàn hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) là một diễn đàn kinh tế mở nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và các khu vực khác. Hiện nay APEC có 21 nước thành viên, chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới, đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và hơn 50% thương mại thế giới.
1. Bối cảnh ra đời.
- Kinh tế toàn cầu: Sự gia tăng của quá trình toàn cầu hóa trên tất cả các lĩnh vực khiến các quốc gia trên thế giới ngày càng tăng tính phụ thuộc vào nhau. Trong khi đó vòng đàm phán Uruguay trong khuôn khổ GATT có nguy cơ không đạt kết quả như mong đợi đã thúc đẩy thêm quá trình khu vực hóa với sự hình thành các khối mậu dịch khu vực lớn trên thế giới như EU, NAFTA, AFTA
- Kinh tế khu vực: Khu vực Châu Á, đặc biệt là Đông Á là những nền kinh tế năng động có tốc độ tăng trưởng cao, vào những năm 1980 có tốc độ tăng trưởng trung bình là 9-10%/năm. Mặc dù vậy chưa có hình thức thương mại có hiệu quả trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.
- Chính trị: Sự điều chỉnh chiến lược của các quốc gia lớn vào cuối những năm 80 thế kỷ trước khi chiến tranh lạnh chấm dứt, đặc biệt là sự hội tụ về lợi ích kinh tế cũng như chính trị giữa những nước lớn dẫn tới việc hình thành một cơ cấu kinh tế thương mại trong khu vực.
- Các nước đang phát triển: (ASEAN) cũng muốn tăng cường tiếng nói trong khu vực để thúc đẩy phát triển kinh tế, nhưng không làm lu mờ những cơ chế hợp tác chính trị sẵn có.
2. Quá trình hình thành và phát triển.
Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á- Thái Bình Dương (APEC) được 12 nước thành viên khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sáng lập tại Hội nghị Bộ trưưởng ngoại giao và kinh tế tổ chức tại Canbera (Canađa) tháng 11/1989 theo sáng kiến của Ôxtrâylia. Các thành viên sáng lập gồm: Mỹ, Nhật, Ôtxtrâylia, Niudilân, Canađa, Hàn quốc, Thái Lan, Philippin, Sinhgapo, Brunây, Inđônexia, Malaixia. Tháng 11/1991 kết nạp thêm Trung Quốc, lãnh thổ Hồng Kông và Đài Loan; tháng 11/1993 thêm Papua Niu Ghinê, Mêhico; tháng 11/1994 thêm Chi lê; tháng 11/1998 kết nạp thêm Việt Nam, Nga và Peru đồng thời quyết định ngưng kết nạp thành viên mới trong 10 năm để củng cố tổ chức.
Đến nay có thêm 9 thành viên xin gia nhập APEC là Ấn độ, Pakixtan, Ma cao, Mông cổ, Panama, Colombia, Xrilanka, Êcuađo, Costarica. Các nước Lào, Cămpuchia thông qua Việt Nam bày tỏ mong muốn gia nhập APEC.
- Như vậy đến thời điểm này, APEC có 21 nền kinh tế thành viên.
- Nội dung hoạt động: Xoay quanh 3 trụ cột chính là Tự do thương mại và đầu tư, tạo thuân lợi cho thương mại và đầu tư; Hợp tác kinh tế kỹ thuật với các chương trình hành động tập thể; Chương trình hành động quốc gia của từng thành viên.
Nói một cách khác, mục tiêu của APEC không phải là để xây dựng một khối thương mại, một liên minh quan thuế hay là khu vực mậu dịch tự do mà là một diễn đàn kinh tế mở nhằm xúc tiến các biện pháp kinh tế, thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện trong khi thực sự mở cửa đối với tất cả các nước và các khu vực khác.
3. Mục tiêu:
Tuyên bố Seoul năm 1991 đề ra 4 mục tiêu trong phát triển APEC gồm:
- Duy trì tăng trưởng và phát triển vì lợi ích chung của nhân dân các nền kinh tế trong khu vực, góp phần vào tăng trưởng và phát triển chung của kinh tế thế giới.
- Phát huy tính tích cực của sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng đối với nền kinh tế khu vực và thế giới bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hóa, dịch vụ, vốn và công nghệ.
- Xây dựng và tăng cường hệ thống thương mại đa biên, vì lợi ích của Châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.
- Giảm dần rào cản đối với thương mại, hàng hóa, dịch vụ giữa các nền kinh tế thành viên phù hợp với các nguyên tắc của WTO và không có hại đối với các nền kinh tế khác.
Tuyên bố Bogor 1994 xác định mục tiêu của APEC là: Thực hiện tự do hóa thương mại và đầu tư tại Châu Á - Thái Bình Dương đối với các nền kinh tế phát triển vào năm 2010 và đối với các nền kinh tế đang phát triển vào năm 2020.
4. Nguyên tắc hoạt động.
- Cùng có lợi: Do tính đa dạng của các nền kinh tế trong APEC về chính trị, kinh tế, văn hóa, kinh tế nên trong quá trình hợp tác phải đảm bảo được tất cả các nền kinh tế APEC, bất kể sự chênh lệch mức độ phát triển, đều có lợi.
- Nguyên tắc đồng thuận: Tất cả các cam kết của APEC phải dựa trên sự nhất trí của các thành viên. Đây là nguyên tắc đã được các thành viên ASEAN áp dụng và thu được nhiều kết quả.
- Nguyên tắc tự nguyện: Các thỏa thuận của APEC được thực hiện trên cơ sở tự nguyện, phù hợp với lợi ích và trình độ phát triển của các nền kinh tế thành viên.
- Phù hợp với nguyên tắc WTO/GAT. APEC cam kết thực hiện chế độ thương mại đa phương của WTO và không phải là một liên minh thuế quan, một khu vực tự do thương mại như NAFTA, AFTA.
Văn Giang LHH sưu tầm
Lượt xem: 512