• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV9/11/2017 9:42

Ngày pháp luật Việt Nam

Ngày 20 tháng 6 năm 2012 Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2013). Điều 8 của Luật quy định: "Ngày 09 tháng 11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội".

          Quốc hội chọn ngày 9 tháng 11 - ngày pháp luật Việt Nam - là dựa trên những căn cứ pháp lý, đầy sức thuyết phục và tính khoa học nhân văn.
          Vào ngày 02/9/1945, tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Ngay sau đó, ngày 03/9/1945, Chính phủ lâm thời họp phiên đầu tiên đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách. Một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là phải xây dựng Hiến pháp và thành lập Chính phủ chính thức.
          Ngày 20/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 34/SL quyết định thành lập Uỷ ban soạn thảo Hiến pháp của Chính phủ gồm 7 người (Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng bí thư Đảng, đồng chí Bí thư tổng bộ Việt Minh, cố vấn Vĩnh Thuỵ, 2 đảng viên cộng sản và Bộ truởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch). Với mong muốn: Bản Hiến pháp của nền dân chủ cộng hoà đầu tiên ở Việt Nam phải thể hiện rõ tư tưởng quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, trên tinh thần đó, dưới sự chỉ đạo của Người, Ban soạn thảo Hiến pháp đã khẩn trương nghiên cứu soạn thảo Hiến pháp. Dự thảo Hiến pháp sau một thời gian chuẩn bị đã được Chính phủ thảo luận và bổ sung.
          Cuộc tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 đã bầu ra Quốc hội - cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đó là Quốc hội của độc lập dân tộc, của thống nhất đất nước và của đại đoàn kết toàn dân. Quốc hội đã hội tụ các đại biểu của cả ba miền Bắc - Trung - Nam, là ý chí của nhân dân cả nước. Quốc hội đã có đại diện của tất cả thế hệ những người Việt Nam yêu nước đương thời, hội tụ đại biểu của tất cả các ngành, các giới, các giai cấp, tầng lớp xã hội từ công nhân, nông dân, nam giới, nữ giới cho đến những nhà tư sản, công thương gia, những nhân sĩ trí thức và các nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng, có đại diện của các thành phần tôn giáo trên đất nước ta, tất cả các thành phần dân tộc, của tất cả những người không đảng phái và đảng phái chính trị như Đảng Cộng sản, Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội cùng những người tiến bộ trong các phái chính trị khác.
          Ngày 9 tháng 11 năm 1946 bản Hiến pháp được Quốc hội khoá I thông qua. Việc thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta - Hiến pháp năm 1946  là một sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa đặc biệt, là dấu mốc quan trọng khởi đầu tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mở đầu con đường phát triển mới không chỉ của lịch sử lập hiến mà của cả dân tộc ta. Đây là bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử lập hiến của Nhà nước ta.  Có thể khẳng định, Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp dân chủ, tiến bộ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, thể  hiện sâu sắc tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về một nhà nước dân chủ, pháp quyền, coi trọng các giá trị quyền con người, quyền công dân, đã trở thành tiền đề pháp lý đặc biệt quan trọng để thiết lập một chính quyền dân chủ, mạnh mẽ và sáng suốt. Bản Hiến pháp 1946 không thua kém bất kỳ bản Hiến pháp dân chủ nào trên thế giới ở thời điểm đó.
          Ngày 9 tháng 11 năm 1946 đã đi vào lịch sử như ngày mở đầu cho lịch sử lập hiến của nước ta. Do đó, năm 2012, Quốc hội quyết định chọn ngày 9 tháng 11 hàng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
          Lịch sử lập hiến của Nhà nước ta cho thấy, từ Hiến pháp năm 1946 đến nay, đất nước ta đã có 5 bản Hiến pháp: Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980, Hiến pháp năm 1992 và Hiến pháp năm 2013. Mỗi bản Hiến pháp đều gắn với những bước ngoặt lịch sử quan trọng của đất nước, thể hiện tầm nhìn, chọn lựa mang tính chiến lược về con đường phát triển của dân tộc ứng với từng thời kỳ. Mỗi bản Hiến pháp đều thể chế hóa đường lối của Đảng trong mỗi giai đoạn lịch sử cách mạng ở nước ta.        
          Như vậy, Quốc hội đã quyết định lấy ngày thông qua bản Hiến pháp đầu tiên (Ngày 9 tháng 11 năm 1946) làm ngày Pháp luật Việt Nam nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Điều đó không những phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay (giai đoạn mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành xây dựng một Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa với đặc trưng cơ bản là đề cao quyền con người, quyền công dân, đề cao tính tối thượng của Hiến pháp và pháp luật, quản lý nhà nước, quản lý xã hội bằng pháp luật…) mà còn phù hợp với thông lệ quốc tế.
          Tính đến thời điểm hiện nay, trên thế giới có khoảng 40 quốc gia lấy ngày ký, ban hành hoặc thông qua Hiến pháp để làm “Ngày Pháp luật” của mình, nhằm tôn vinh và giữ gìn những giá trị của Hiến pháp với tư cách là đạo luật cơ bản. Tại Mỹ, ngày 5/2/1958, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, Tổng thống Dwight D.Eisenhower đã tuyên bố lấy ngày 1/5 hằng năm làm “Ngày Pháp luật” ở Mỹ. Từ đó, cứ vào ngày 1/5 hằng năm, các luật gia, luật sư và các hiệp hội nghề nghiệp về luật tổ chức nhiều hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật trong cộng đồng nhằm tăng cường hơn nhận thức của người dân về vị trí, vai trò tối thượng, không thể thay thế của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, đặc biệt là về các giá trị tự do, dân chủ, công lý, công bằng.       Tại Nga, Ngày Hiến pháp là ngày 12/12 hằng năm. Vào ngày 12/12/1993, dự thảo Hiến pháp Liên bang Nga được thông qua và chính thức có hiệu lực thi hành vào ngày 25/12/1993, (thay thế cho Hiến pháp của Liên Xô trước đây). Cũng từ năm 1993, Ngày Hiến pháp trở thành một ngày Lễ chính thức ở Liên bang Nga. Vào ngày này, cùng với các hoạt động kỷ niệm, Tổng thống Liên bang Nga thường có một bài phát biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng nhấn mạnh vai trò của Hiến pháp và trách nhiệm của mỗi người dân đối với đất nước.
 

Học sinh trường PTTH Dân tộc nội trú tỉnh hưởng ứng cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật do Sở Tư pháp và Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức. Nguồn: www.tuphaptuyenquang.gov.vn
 
Ngày Pháp luật Việt Nam được ghi nhận trong một văn bản luật do Quốc hội ban hành là một bước ngoặt quan trọng trong việc tiếp tục đổi mới tư duy pháp lý của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, nó thể hiện sự tiếp thu những tinh hoa văn hóa pháp lý từ các nước tiên tiến trên thế giới; thể hiện tinh thần tôn vinh các giá trị cũng như vai trò đặc biệt quan trọng của Hiến pháp, pháp luật trong cuộc sống của mỗi con người và trong sự phát triển của quốc gia, sự hưng thịnh của dân tộc. Việc tổ chức thực hiện Ngày Pháp luật sẽ góp phần nâng cao trình độ nhận thức pháp luật đồng thời hình thành thái độ, tình cảm tích cực từ mỗi cán bộ, công chức, người dân đối với pháp luật, là điều kiện tiên quyết để thực hiện nguyên tắc "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" ở nước ta hiện nay.
                                                                      Nguyễn Thị Hiên, Tổng thư ký Liên hiệp Hội Tuyên Quang

Lượt xem: 460

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Kế hoạch triển khai Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Ban hành Thể lệ Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

Chưa có video
Số lượt truy cập: 987901- Đang online : 7