• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV30/5/2023 14:39

Trao tặng Giải thưởng Đào Tấn năm 2022

Sáng 29/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc (trực thuộc Liên hiệp Hội Việt Nam) và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn tôn vinh 15 tập thể, cá nhân có những đóng góp tích cực cho việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.

Đến dự buổi lễ có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.
 

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trao Giải thưởng Đào Tấn cho NSND Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt hội đồng Giải thưởng Đào Tấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức giải thưởng Nguyễn Thế Khoa khẳng định, Giải thưởng Đào Tấn là một giải thưởng uy tín và được trao cho các tập thể, cá nhân trong lĩnh vực sân khấu, văn học, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Sau 4 năm tạm dừng vì dịch bệnh và những lý do bất khả kháng, Giải thưởng Đào Tấn được Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam khởi động lại nhân kỷ niệm 115 năm ngày mất của Đào Tấn (1907 - 2022), đúng vào dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 23 năm thành lập Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam.

“Điều đặc biệt ở giải thưởng mà chúng tôi luôn giữ được là không chỉ trao cho các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp mà chúng tôi còn trao cho các đoàn tuồng bán chuyên nghiệp. Năm nay, chúng tôi vinh danh Đội tuồng làng Kẻ Gám (xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) là đội tuồng có từ thời cụ Đào Tấn làm Tổng đốc An Tĩnh. Điều đáng quý là sau bao năm, các thế hệ người làng Kẻ Gám vẫn giữ được tuồng”, Trưởng Ban Tổ chức giải thưởng Nguyễn Thế Khoa nhấn mạnh.
 


Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức giải  - Nguyễn Thế Khoa phát biểu tại lễ trao giải


Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho 15 tập thể, cá nhân và được chia thành 3 hạng mục chính gồm: giải thưởng cho các đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc; giải thưởng cho các văn nghệ sỹ xuất sắc; giải thưởng cho các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp xuất sắc. Giải thưởng cho các đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc được trao cho Đội tuồng làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An và Câu lạc bộ tuồng xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
 


Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - Nguyễn Thế Kỷ và NSND Thúy Mùi trao Giải thưởng Đào Tấn cho 2 đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp

Theo chia sẻ của Chủ tịch Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam - Nghệ sỹ Nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Giải thưởng Đào Tấn là giải thưởng cao quý, uy tín, bởi sự ghi nhận của những người trong nghề đối với quá trình lao động sáng tạo, cống hiến của tập thể, cá nhân các văn nghệ sỹ.

“Giải thưởng là vinh dự, đồng thời cũng là trách nhiệm của người nghệ sỹ để tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nghệ thuật nước nhà. Tôi mong muốn Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Tạp chí Văn hiến tiếp tục duy trì giải thưởng này, để các nghệ sỹ có thêm động lực sáng tạo và cống hiến”, Nghệ sỹ Nhân dân Thúy Mùi bày tỏ.
 


GS Hoàng Chương - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc chụp ảnh lưu niệm cùng đại biểu và các nghệ sỹ tại lễ trao giải

Theo Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương - Nguyễn Thế Kỷ, Giải thưởng Đào Tấn đã tôn vinh đến những câu lạc bộ, đội tuồng không chuyên ở cấp độ làng, xã.

“Họ là những người nông dân “chân lấm tay bùn” nhưng vẫn yêu tuồng, giữ tuồng như “mạch máu” trong cơ thể. Đó là một điều rất đáng quý, đáng trân trọng. Ý nghĩa cao quý, nhân văn nhất của văn nghệ chính là đi vào đời sống nhân dân và phục vụ nhân dân”, ông Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.

Theo VUSTA

 

 


 

Lượt xem: 317

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành
Chưa có video
Số lượt truy cập: 1589869- Đang online : 88