Nhân dịp bầu cử Quốc hội khóa XIV, nhìn lại sự kiện Quốc dân Đại hội Tân Trào - Tiền thân của Quốc họi Việt Nam
Quốc dân Đại hội Tân Trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời, hay một tiền Quốc hội bởi vì cách mạng chưa thành công. Quốc dân Đại hội tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời chế độ cộng hòa dân chủ của nước ta, cho một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi cách mạng đã thành công.
Vào chiều ngày 16/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Tổng bộ Việt Minh (Việt Nam độc lập Đồng minh hội) đã khai mạc Đại hội đại biểu quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) tại đình Tân Trào, thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Với hơn 60 đại biểu đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào tham dự Đại hội.
Sở dĩ khẳng định Quốc dân Đại hội Tân Trào là tiền thân của Quốc hội, vì theo quy định của pháp luật hiện hành, Quốc hội có 03 chức năng: Lập Hiến, lập pháp; quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao. Xét về tính đặc trưng thì Quốc hội có tính đại diện và tính quyền lực. So sánh với Quốc dân Đại hội Tân Trào, cho thấy:
Tính đại diện biểu hiện ở chỗ: Quốc dân Đại hội Tân Trào với trên 60 đại biểu ưu tú, đại diện cho cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số Việt kiều ở Thái Lan và Lào tham dự Đại hội.
Tính quyền lực biểu hiện ở chỗ: Đại hội đã quyết định ba vấn đề lớn của đất nước lúc bấy giờ:
Một là, nhất trí tán thành chủ trương phát động Tổng khởi nghĩa của Đảng và của Tổng bộ Việt Minh.
Hai là, thông qua 10 chính sách của Việt Minh và hiệu triệu đồng bào tích cực phấn đấu thực hiện, bao gồm:
1. Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trên nền tảng hoàn toàn độc lập;
2. Võ trang nhân dân. Phát triển Quân giải phóng Việt Nam;
3. Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo;
4. Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ;
5. Ban bố những quyền của dân cho dân: Nhân quyền. Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền;
6. Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân;
7. Ban bố Luật lao động: ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm;
8. Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở mang Quốc gia ngân hàng;
9. Xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hoá mới;
10. Thân thiện và giao hảo với các nước Đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ.”
Ba là, thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch và các Uỷ viên là các đồng chí: Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Dương Đức Hiền, Chu Văn Tấn, Nguyễn Văn Xuân, Cù Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Hiến, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Nguyễn Hữu Đang. Thường trực của Uỷ ban gồm 5 đồng chí: Hồ Chí Minh, Trần Huy Liệu, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Lương Bằng, Dương Đức Hiền.
Ngày 17 tháng 8 năm 1945, Đại hội bế mạc trong không khí tổng khởi nghĩa sôi sục. Thay mặt Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc lời tuyên thệ: “Chúng tôi là những người được Quốc dân đại biểu bầu vào Ủy ban dân tộc giải phóng để lãnh đạo cuộc cách mạng của nhân dân. Trước lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc, chúng tôi nguyện kiên quyết lănh đạo nhân dân tiến lên, ra sức chiến đấu chống quân thù, giành lại độc lập cho Tổ quốc. Dù phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, không lùi bước".
Cuộc Tổng khởi nghĩa đã nhanh chóng giành được thắng lợi. Chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân. Vua Bảo Đại xin thoái vị để “được làm dân tự do của một nước độc lập”.
Với thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, Nhật; đã lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
Ngày 25-8-1945, theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng - Hồ Chí Minh - Ủy ban Dân tộc giải phóng do Quốc dân Đại hội Tân Trào cử ra được cải tổ thành Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Nhiều Ủy viên Việt Minh trong Chính phủ đã tự nguyện rút ra khỏi Chính phủ để mời thêm nhiều nhân sĩ ngoài Việt Minh tham gia. “Đó là một cử chỉ vô tư, tốt đẹp, không ham chuộng địa vị, đặt lợi ích của dân tộc, của đoàn kết toàn dân lên trên lợi ích cá nhân”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một mốc son chói lọi, mãi mãi được ghi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc, là niềm tự hào của mọi thế hệ người Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Quốc dân Đại hội Tân Trào có ý nghĩa là một Quốc hội lâm thời, hay một tiền Quốc hội bởi vì cách mạng chưa thành công. Quốc dân Đại hội tạo căn cứ pháp lý cho sự ra đời chế độ cộng hòa dân chủ của nước ta, cho một Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa khi cách mạng đã thành công”.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ rất lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta. Sự kiện đó cũng khẳng định tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng một Nhà nước pháp quyền đã được cụ thể hoá từng bước, với những việc làm cụ thể từ thấp đến cao, chuẩn bị tiền đề từ nhận thức đến hành động để đi đến xây dựng một nhà nước thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Lượt xem: 522
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"