Địa danh Tuyên Quang xưa và nay
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trân trọng giới thiệu lần lượt một số địa danh là các đơn vị hành chính cũ của tỉnh để bạn đọc tham khảo (theo Từ điển Tuyên Quang do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tuyên Quang biên soạn- Nxb Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2018)
Tuyên Quang là vùng đất lịch sử có vị trí chiến lược quan trọng, từ xa xưa đã là " phên giậu của trung châu, cũng là nơi địa đầu quan yếu" của đất nước. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi đơn vị hành chính, địa giới của Tuyên Quang đã nhiều lần thay đổi.
AN KHÊ
Xã cũ thuộc huyện Yên Sơn, thành lập trên cơ sở hợp nhất hai xã Nhữ Hán và Nhữ Khê theo Quyết định số 269/NV-CP ngày 22.5.1969 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Năm 1999 xã An Khê có diện tích 3.837 ha, dân số 9.000 người. Ngày 15.7.1999 xã An Khê được chia thành hai xã Nhữ Hán và Nhữ Khê, huyện Yên Sơn
AN LẠC
Xã cũ thuộc huyện Yên Sơn . Năm 1945, Động Làng Lộc và xã Đoài Thôn được sáp nhập thành xã An Lạc thuộc tổng Sơn Đô, châu Khánh Thiện. Năm 1946, xã An Lạc thuộc huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Năm 1948, sáp nhập vào xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn
AN LẠC
Xã cũ thuộc huyện Chiêm Hóa. Đầu thế kỷ XX là xã Thân Xá, tổng Thổ Bình, châu Chiêm Hóa. Thời kỳ Cách mạng tháng Tám đổi tên thành xã An Lạc. Đầu năm 1946, sáp nhập với xã Thái Quang và xã Phúc An thành xã An Lạc. Năm 1954, chia ra thành 2 xã Tân An và Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa.
AN LỢI VỊ
Xã cũ thuộc huyện Yên Sơn. Sau Tổng khởi nghĩa, xã An Lợi Vị được thành lập trên cơ sở sáp nhập xã Tư Lập và Phúc Lâm. (Năm 1927, xã Tư Lập thuộc tổng Kim Quan, có 140 dân, gồm các thôn: Làng Cóc, Khuôn Dừng, Na Giè, Làng Phan, Làng Sẻng. Xã Phúc Lâm có 81 dân, gồm các thôn: Làng Chương, Làng Toạt, Làng Quân, Na Nhuận). Sau năm 1954, đổi thành xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn
AN PHÚ
Xã cũ thuộc huyện Yên Sơn. Xã An Phú thành lập trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám, do sáp nhập các xã: Viên Châu, Tình Húc, Vạn Xuân, Hòa Ha thuộc tổng Đồng Yên, phủ Quyết Thắng. Năm 1948, An Phú sáp nhập với xã Gia Tường và xã Thăng Long thành xã An Tường (nay thuộc thành phố Tuyên Quang).
ÁT SƠN
Tổng, đầu thế kỷ XIX thuộc huyện Sơn Dương, phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây, gồm 3 xã: Át Sơn, Phiên Lương, Quang Thiêm. Cuối thế kỷ XIX, tổng Át Sơn thuộc huyện Sơn Dương, phủ Đoan Hùng, tỉnh Sơn Tây, gồm 6 xã: Át Sơn, Sầm Dương, Lâm Xuyên, Phan Lương, Kim Xuyên, Quang Tất. Đầu thế kỷ XX, tổng Át Sơn thuộc châu Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, gồm 4 xã: Át Sơn, Lâm Xuyên, Lương Viên, Quang Tất. Địa bàn tổng Át Sơn nay thuộc huyện Sơn Dương.
ẨM PHÚC
Tổng thuộc huyện Yên Bình [Yên Bình vào thời nhà Nguyễn là đất châu Thu Vật, năm 1823 đổi tên là châu Thu (Thu Châu) phủ Yên Bình tỉnh Tuyên Quang]. Vào đầu thế kỷ XX, gồm 4 xã: Ẩm Phúc (có thôn Cửa Ngòi và động Ngòi Ẩm), Kế Khê (có 2 thôn: Làng Chùm, Làng Sinh và động Cối Mấy), Dương Liễu (có 4 thôn, 2 động: Làng Trạch, Làng Minh, Làng Liễu, Làng Bầu, động Cầu Hoảng, động Ngòi Tu), Vô Tha (có 3 thôn: Mỹ Luân, Khuôn Đất và động Ngòi Tha). Địa bàn huyện Yên Bình nay thuộc tỉnh Yên Bái
ẤT
Huyện, địa danh cũ của tỉnh Tuyên Quang. Huyện Ất là một trong 9 huyện thuộc châu Tuyên Hóa, sau khi trấn Tuyên Quang đổi thành châu Tuyên Hóa vào năm Vĩnh Lạc thứ 5 (1407). Năm Vĩnh Lạc thứ 6 (1408), thăng châu Tuyên Hóa thành phủ Tuyên Hóa. Năm Vĩnh Lạc thứ 17 (1419): sáp nhập huyện Ât vào huyện Để Giang. Địa bàn huyện Để Giang ngày nay thuộc huyện Sơn Dương.
BẠCH ĐẰNG
Xã cũ, thế kỷ XIX là xã Đà Vị, tổng Côn Lôn, châu Chiêm Hóa. Từ 1944 thuộc huyện Na Hang. Sau Cách mạng tháng Tám đổi tên thành xã Bạch Đằng, thuộc tổng Côn Lôn, châu Xuân Trường, tỉnhu Tuyên Quang. Năm 1949 đổi lại là xã Đà Vị thuộc huyện Na Hang.
BẢO LẠC
Châu, địa danh cũ thuộc tỉnh Tuyên Quang dưới thời phong kiến. Thời Lý là huyện Bảo Lạc. Thời Lê là châu Bảo Lạc (gồm 1 xã và 7 động). Thời điểm thành lập tỉnh Tuyên Quang (1831), Bảo Lạc vẫn là châu thuộc tỉnh. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835), nhà Nguyễn chia châu BL thành 2 huyện: Để Định (gồm 2 tổng, 9 xã) và Vĩnh Điện (gồm 2 tổng, 11 xã). Hiện nay, châu Bảo lạclà huyện Bảo Lạc và huyện Bảo Lâm thuộc tỉnh Cao Bằng.
BẮC HOÀNG
Tổng thuộc huyện Đương Đạo, phủ Đoan Hùng, trấn Sơn Tây vào đầu thế kỷ XIX, gồm 1 xã: Bắc Hoàng. Cuối thế kỷ XIX, tổng Bắc Hoàng thuộc huyện Sơn Dương, phủ Đoan Hùng, tỉnh Sơn Tây, có 03 xã: Bắc Hoàng, Đăng Châu, Kỳ Lâm. Địa bàn tổng Bắc Hoàng nay thuộc huyện Sơn Dương.
BẮC LŨNG
Tổng thuộc châu Sơn Dương vào đầu thế kỷ XX, có 06 xã, phố: Bắc Lũng, Tứ Thông (có thôn: Sảo), Tử Trầm (có thôn: Trúc Khê), Thượng Chu, Kỳ Lâm, Phố Thượng Chu. Địa bàn tổng Bắc Lũng nay thuộc huyện Sơn Dương
BÌNH CA
Tổng thuộc huyện Phúc Yên vào đầu thế kỷ XIX, gồm 5 xã: Bình Ca, Tình Húc, Lang Cải, Thiên Đông, Đạo Viện. Cuối thế kỷ XIX, tổng BC thuộc huyện Hàm Yên, phủ Yên Bình , vẫn gồm 05 xã trên. Ngày 29.8.1916, Quyền Thống sứ Bắc Kỳ ra Quyết định: kể từ ngày 1.1.1917, tổng Bình Ca thuộc huyện Yên Sơn, gồm 6 xã: Bình Ca (có 6 thôn: Phúc Duyên, Quảng Linh, động Đầu Làng, động Làng Giòng, động Làng Lạc, động Thâm Gia); Đạo Viện (có 5 thôn, xóm: Phú Vinh, Cây Thị, Đồng Quân, xóm Khuôn Tửu, xóm Thái Bình); Lương Cải (có 5 thôn, xóm: xóm Lương Cải, xóm Khuôn Trù, xóm Khuôn Kềnh, xóm Lương Cải Thượng, động Làng Giòng); Tình Húc (có thôn: Viên Lâm); Tình Quang (có thôn: Tình Quang), Thiên Đông (có 6 thôn, xóm: thôn Nghi Đông, xóm Khuôn Bến, xóm Hoắc, xóm Làng Mán, xóm Đồng Trọng, động Làng Cờ). Sau Cách mạng tháng Tám tổng Bình Ca không còn tồn tại. Địa bàn Tổng Bình Ca nay thuộc huyện Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang.
BÌNH CA
Xã cũ thuộc huyện Yên Sơn. Diện tích 5.868 ha. Dân số 5.008 người (1987). Xã được thành lập từ việc hợp nhất hai xã Thái Bình và Tiến Bộ theo Quyết định số 269-NV ngày 22.5.1969 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Đến ngày 13.2.1987 chia thành hai xã Thái Bình và Tiến Bộ.
BÌNH NGUYÊN
Châu, địa danh cũ thuộc tỉnh Tuyên Quang. Thời Trần là huyện Bình Nguyên thuộc trấn Tuyên Quang . Đến nhà Lê, năm Hồng đức thứ 4 (1473) gọi là châu Bình Nguyên, thuộc Thừa tuyên Tuyên Quang sau đổi là châu Vị Xuyên thuộc phủ Tương Yên, tỉnh Tuyên Quang. Năm Minh Mệnh thứ 16 (1835) chia châu Vị Xuyên thành hai huyện Vĩnh Tuy, Vị Xuyên
Theo Hồng đức bản đồ (1469), châu Bình Nguyên có 52 xã, 1 thôn, 1 trang. Địa bàn châu Bình Nguyên ngày nay thuộc tỉnh Hà Giang
Lượt xem: 897
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"