Những quy định về trí thức, khoa học và công nghệ trong Hiến pháp Việt Nam
Giới thiệu những nét cơ bản về trí thức, khoa học và công nghệ trong các bản Hiến pháp của Việt Nam
Hệ thống pháp luật của nước ta gồm nhiều ngành luật và văn bản quy phạm pháp luật được sắp xếp theo trật tự hình tháp, trong đó, trên đỉnh tháp là Hiến pháp. Hiến pháp được gọi là "Đạo Luật gốc, Luật mẹ"; bởi vì những quy định trong Hiến pháp thường mang tính nguyên tắc, định hướng, là những quy định chung. Trên cơ sở nội dung Hiến pháp, các ngành luật, các văn bản pháp luật dưới Hiến pháp phải cụ thể hóa những quy định của Hiến pháp, không được trái nội dung Hiến pháp.
Lịch sử lập hiến ở nước ta, tính đến thời điểm hiện nay đã có 05 bản Hiến pháp, gồm Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và 2013. Mỗi bản Hiến pháp đều phản ánh một giai đoạn cách mạng nước ta, thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong từng thời kỳ lịch sử.
Các nhóm quan hệ xã hội được Hiến pháp điều chỉnh thường là những quan hệ xã hội cơ bản như chế độ chính trị, bản chất, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Nhà nước; quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; chế độ kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ; chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Nhà nước.
Qua nghiên cứu nội dung các bản Hiến pháp về vấn đề trí thức, khoa học và công nghệ, có thể khái lược một số nét cơ bản như sau:
Một là, Hiến pháp năm 1946
Hiến pháp năm 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên ở nước ta, được ban hành sau một năm giành được chính quyền. Nội dung của Hiến pháp thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn này là đánh đuổi đế quốc và đánh đổ phong kiến, với những quy định mang tính nguyên tắc như bản chất Nhà nước; nghĩa vụ và quyền lợi của công dân; tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước (Nghị viện nhân dân, Chính phủ, Hội đông nhân dân và Ủy ban hành chính, các cơ quan tư pháp).
Thuật ngữ trí thức được đề cập tại Chương II, Mục B, Điều thứ 13, khi nói về quyền lợi của công dân: "Quyền lợi của các giới cần lao trí thức và chân tay được bảo đảm".
Quy định trên được hiểu là quyền lợi của những người lao động được Nhà nước bảo đảm, trong đó Hiến pháp xác định rõ hai lĩnh vực lao động khác nhau là lao động trí thức và lao động chân tay đều được nhà nước bảo đảm hưởng thụ các quyền lợi như quyền được hưởng các thành quả do lao động hợp pháp tạo ra, quyền được nghỉ ngơi trong các ngày lễ, tết, được hưởng các chế độ do Nhà nước quy định…
Hai là, Hiến pháp 1959
Hiến pháp năm 1959 là đạo luật thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn cách mạng ở hai miền Nam, Bắc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược khác nhau, miền Nam tiếp tục thực hiện nhiệm vụ giải phóng dân tộc, miền Bắc thực hiện công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Do đó, nội dung Hiến pháp đã bổ sung nhiều quy định mới phù hợp với tình hình thực tế của đất nước. Các quyền của công dân trên nhiều lĩnh vực đã được quy định trong Hiến pháp, trong đó có quyền về nghiên cứu khoa học. Tại Điều 34 Hiến pháp quy định: "Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền tự do nghiên cứu khoa học. Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ tính sáng tạo của những công dân theo đuổi sự nghiệp khoa học".
Với quy định trên, có thể khẳng định: Thuật ngữ "Khoa học" và quyền của công dân trong lĩnh vực "Khoa học" lần đầu tiên đã được ghi nhận trong văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất là Hiến pháp, thể hiện một bước tiến mới trong công tác lập Hiến ở nước ta.
Ba là, Hiến pháp 1980
Ngày 18/12/1980, Quốc hội thông qua toàn văn Hiến pháp năm 1980. Nội dung Hiến pháp thể chế hóa đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới, đây chính là Hiến pháp của thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.
Kế thừa và phát triển nội dung các bản Hiến pháp trước đó, Hiến pháp năm 1980 tổng kết những thành quả đấu tranh cách mạng của nhân dân ta trong nửa thế kỷ, thể hiện ý chí và nguyện vọng của nhân dân, bảo đảm bước phát triển rực rỡ của xã hội Việt Nam trong thời kỳ cả nước đồng lòng, chung sức xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Sứ mệnh lịch sử quan trọng của Nhà nước ta trong thời kỳ này là phải đồng thời tiến hành ba cuộc cách mạng: cách mạng quan hệ sản xuất, cách mạng khoa học-kỹ thuật, cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt. Xuất phát từ nhận thức về tầm quan trọng của lĩnh vực khoa học-kỹ thuật và tầng lớp trí thức trong giai đoạn xây dựng Chủ nghĩa xã hội, nên Hiến pháp 1980 tiếp tục khẳng định; "Đẩy mạnh cách mạng khoa học - kỹ thuật, xây dựng nền khoa học, kỹ thuật tiên tiến ở nước ta", đồng thời Hiến pháp cũng quy ghi nhận: Khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật được phát triển mạnh mẽ. Nhà nước chăm lo việc phổ biến và giáo dục khoa học và kỹ thuật, gắn liền việc giảng dạy, nghiên cứu với sản xuất, đời sống và quốc phòng; phát triển và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, cán bộ và công nhân kỹ thuật, khuyến khích nghiên cứu, sáng chế, phát minh; chú trọng nghiên cứu ứng dụng; phát huy tinh thần tự lực tự cường, chủ động, sáng tạo, đồng thời vận dụng những thành tựu khoa học và kỹ thuật tiên tiến của thế giới; tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học và kỹ thuật.
Bốn là, Hiến pháp 1992
Ngày 15/4/1992 Quốc hội đã thông qua bản Hién pháp năm 1992. Đây là bản Hiến pháp thể chế hóa đường lối đổi mới của Đảng ta trong giai đoạn cách mạng mới, trên cơ sở kế thừa nội dung các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định mới cho phù hợp với tình hình của đời sống xã hội trong nước và xu thế phát triển của các quan hệ quốc tế.
Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ đã có rất nhiều quy định mới được bổ sung vào Hiến pháp. Nếu như Hiến pháp 1959, 1980 đã dành Chương 3 quy định về "Văn hóa, giáo dục, khoa học, kỹ thuật" thì Hiến pháp 1992 đã có sửa đổi cơ bản về nội dung này. Hiến pháp không sử dụng cụm từ "kỹ thuật" mà thay vào đó bằng cụm từ "công nghệ". Vì thế Chương 3 của Hiến pháp có tên gọi là "Văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ".
Hiến pháp đã khẳng định vai trò quan trọng của khoa học và công nghệ: "Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhà nước xây dựng và thực hiện chính sách khoa học, công nghệ quốc gia; xây dựng nền khoa học, công nghệ tiên tiến; phát triển đồng bộ các ngành khoa học nhằm xây dựng luận cứ khoa học cho việc định ra đường lối, chính sách và pháp luật, đổi mới công nghệ, phát triển lực lượng sản xuất, nâng cao trình độ quản lý, bảo đảm chất lượng và tốc độ phát triển của nền kinh tế; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Nhà nước đầu tư và khuyến khích tài trợ cho khoa học bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, ưu tiên cho những hướng khoa học, công nghệ mũi nhọn; chăm lo đào tạo và sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật nhất là những người có trình độ cao, công nhân lành nghề và nghệ nhân; tạo điều kiện để các nhà khoa học sáng tạo và cống hiến; phát triển nhiều hình thức tổ chức, hoạt động nghiên cứu khoa học, gắn nghiên cứu khoa học với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học, đào tạo với sản xuất, kinh doanh"
Sở dĩ, các nhà lập Hiến bổ sung các quy định trên vào Hiến pháp, bởi vì vào cuối Thế kỷ XX, tốc độ phát triển khoa học, công nghệ như vũ bão, nhân loại đã phát minh ra nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ tiên tiến hiện đại đã được ghi nhận và ứng dụng rộng rãi vào đời sống xã hội ở tất cả các quốc gia.
Như vậy, nếu so với các bản Hiến pháp trước đó thì Hiến pháp 1992 đã có những bước tiến đột phá về nội dung. Quy định về "Công nghệ" và chính sách của Nhà nước đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ đã kịp thời được điều chỉnh, bổ sung cho phù hơp với xu thế phát triển của thời đại.
Năm là, Hiến pháp 2013
Ngày 28 tháng 11 năm 2013, Quốc hội đã thông qua toàn văn Hiến pháp. Hiến pháp 2013 có rất nhiều điểm mới cả về cơ cấu và nội dung, đặc biệt là nội dung về khoa học và công nghệ.
Về vai trò của trí thức, đã có những thay đổi cơ bản ngay từ những thuật ngữ dùng để diễn đạt lực lượng lao động đặc biệt này. Hiến pháp 2013 không dùng cụm từ "Tầng lớp trí thức" như trong Hiến pháp 1992, thay vào đó là cụm từ "Đội ngũ trí thức". Quy định trên đây thể hiện sự ghi nhận vị thế ngày càng cao và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lực lượng lao động trí thức.
Về vai trò của khoa học và công nghệ được xác định ở tầm quan trọng đặc biệt, tại Điều 62 Hiến pháp ghi nhận: "Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Nhà nước tạo điều kiện để mọi người tham gia và được thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động khoa học và công nghệ."
Có thể khẳng định, vấn đề khoa học và công nghệ, được Hiến pháp 2013 quy định rất cụ thể, Hiến pháp đã thể chế hóa quan điểm của Đảng ta về một lĩnh vực hoạt động quan trọng của Nhà nước. Nhà nước không những quy định trong Hiến pháp quyền của mỗi cá nhân trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ, mà Nhà nước còn ban hành cơ chế, chính sách bảo đảm cho cá nhân thực hiện được các quyền về lĩnh vực khoa học và công nghệ đã được Hiến định.
Những phân tích trên cho thấy những quy định về trí thức, khoa học và công nghệ ngày càng được hoàn thiện trong các bản Hiến pháp của Nhà nước ta. Nếu như Hiến pháp 1946 chỉ mới đề cập đến vấn đề trí thức như một nét chấm phá khi nói về quyền lợi của công dân, chưa đưa nội dung khoa học, kỹ thuật vào Hiến pháp, thì đến Hiến pháp 1959, vấn đề khoa học kỹ thuật đã được đề cập và Hiến pháp 2013 đã ghi nhận, đề cao vai trò đặc biệt quan trọng của khoa học, công nghệ.
Sự hoàn thiện về nội dung của các bản Hiến pháp là phù hợp với quy luật về nhận thức của Triết học Mác Lê nin, trong thế giới vật chất, con người từ chỗ chưa nhận thức được, từ nhận thức ít đến nhận thức nhiều, từ nhận thức chưa hoàn thiện đến nhận thức hoàn thiện hơn.
Vấn đề khoa học và công nghệ là một trong những nội dung Hiến định, là căn cứ pháp lý quan trọng cho mọi lĩnh vực hoạt động của nhà nước, là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công sự nghiệp công nghệp hóa, hiện đại hóa đất nước ta hiện nay; đồng thời phù hợp với xu thế phát triển của thời đại với nền kinh tế tri thức đang phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu.
Lượt xem: 1735
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"