• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV11/4/2024 15:31

Cần nhiều văn mẫu hơn nữa

Văn mẫu, một hiện tượng nhức nhối lâu nay, chỉ có thể giải quyết bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ, thay vì những lời kêu gọi về ý thức.

Một bài viết gần đây trên báo Khoa học & Phát triển về văn mẫu đề cập vấn đề “tư duy văn mẫu” đã ăn sâu vào việc giảng dạy Ngữ văn ở Việt Nam. Đây là một hiện tượng nhức nhối đến mức Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn tuyên bố trước Quốc hội: Phải chấm dứt dạy “văn mẫu” (2021).

Dù quyết tâm và nhận thức rõ vấn đề là vậy, nhưng biện pháp nào để từng bước giảm dần “nạn văn mẫu” trong bối cảnh đương đại? Bài viết này xin nêu ra một số đề xuất với mong muốn trả lại cho “văn mẫu” đúng vai trò của nó; cũng như kêu gọi các biện pháp có tính kỹ thuật hơn là kêu gọi ý thức của học sinh và giáo viên.

Chúng ta đã có văn mẫu?

Cái mà lâu nay chúng ta vẫn gọi là “văn mẫu” khó mà đủ tư cách là “mẫu” (exemplar). Giả sử bài văn tả bà ngoại mẫu sẽ là “bà tóc trắng như cước, bà vẫn thường ngồi nhai trầu”. Tại sao đây là một bài văn tốt?

Ở chiều ngược lại, nếu như ta muốn tả bà ngoại hiện đại như “bà đi xe Lead, tóc nhuộm màu ánh tím, sơn móng tay màu mận” thì làm thế nào để đánh giá được bài văn này (ngoài tính chân thực) là “tốt” để trở thành “mẫu” mới?

Một bài viết trở thành mẫu mực hay “chuẩn tắc” (norm), mô phạm (didactic) khi nó được công nhận bởi giới học giả. Sự công nhận này phải được hình thức hóa thành dạng tuyển tập (anthology), được công bố/phát hành bởi các nền tảng ấn hành uy tín (nhà xuất bản của trường đại học, tạp chí chuyên ngành, đề tài nghiên cứu do nhà nước thực thi,...). Quá trình này được gọi là điển phạm hóa trong giáo dục.

Dựa vào tuyển tập, các trường học mới có cơ sở cụ thể và vững chắc để minh họa các tiêu chí sư phạm được đánh giá cao ở ngôi trường của mình; thống nhất chương trình học tập với phụ huynh và cộng đồng; và xác định hình mẫu sản phẩm học tập nào đáng để noi theo.

Quay lại với bài văn bà ngoại, các tiêu chí về phép tu từ (tóc trắng như cước), biểu tượng lịch sử/văn hóa (nhai trầu) đều được “ngầm” xác định là mẫu mực thông qua việc chúng từng xuất hiện trong các tuyển tập tác phẩm văn học kinh điển, được in ấn theo dự án quốc gia (ví dụ như Tổng tập Văn học Việt Nam).

Việc ngầm xác định mà không có tiêu chí được công bố rõ ràng dẫn đến ba khả năng:

Một là, các phong cách viết kiểu “trắng như cước” trên được mặc nhiên là chân lý theo nghĩa đúng đắn không cần sửa chữa. Nếu phép tu từ này được phân tích rõ ràng như một tiêu chí viết văn: được trích dẫn từ văn bản nào, tại sao nó được đánh giá cao, bối cảnh sử dụng và kết hợp của nó rộng/hẹp đến đâu, so sánh tương đương (hoặc không) với các cách viết khác; thì giáo viên sẽ có cơ sở khoa học để tiếp tục thuận theo hoàn toàn, cải tiến, hoặc từ bỏ phong cách viết trên.

Hai là, giáo viên sẽ không có cơ sở tường minh và thẩm quyền (authority) để thuyết phục học sinh hướng theo (toàn bộ hoặc một phần) phong cách viết trên. Tương tự, họ cũng không có sở để biện minh và tranh biện với cộng đồng giáo viên xung quanh về việc áp dụng các tiêu chuẩn ngữ văn mới (trong thế đối sánh với các tiêu chuẩn đã được hình thành trong lòng cộng đồng).

Ba là, do không có tiêu chuẩn ngoài, giáo viên sẽ có xu hướng dựa vào kinh nghiệm/tài liệu của các thế hệ trước (đặc biệt là hệ thống đề thi/đáp án sẵn có), nên các tiêu chuẩn trước đây càng được gia cố thành cái tất yếu phải theo. Đây là một vòng lặp luẩn quẩn gia cố thêm cho vai trò của văn mẫu: không có tiêu chí tường minh mới – đáp án duy trì tiêu chí cũ – tiêu chí cũ mặc nhiên đúng – không có nhu cầu tạo tiêu chí tường minh mới.

Chính vì việc không có tiêu chí tường minh, ngữ liệu (mới) có thẩm quyền làm cho giáo viên gần như không lựa chọn ngoài việc đi sẵn theo đường mòn (dù có nhu cầu đổi mới đi nữa).

Nhà kho và tuyển tập


 

Chúng ta mới có các nhà kho chứa các bài văn được cho là đáng để bắt chước, chứ chưa phải những tuyển tập văn mẫu đúng nghĩa. Ảnh minh họa: Thư viện Trường tiểu học xã Quảng Hải, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Nguồn: quangxuong.thanhhoa.gov.vn

Đến đây, hẳn bạn đọc sẽ biện luận rằng chúng ta thiếu gì các tuyển tập văn mẫu đang bày đầy trên kệ. Tuy vậy, đó thực chất chỉ là nhà kho chứa các bài văn được cho là đáng để bắt chước. Một tuyển tập thực thụ có nhiệm vụ sống còn nhất là đưa ra các tiêu chí/tiêu chuẩn tường minh để người đọc tham khảo. Để làm được nhiệm vụ đó, tuyển tập ít nhất phải chứa một số yếu tố ngoài văn bản sau:

• Tiêu chí nào để tổ chức và tập hợp các bài văn

• Cơ quan/hội đồng nào đủ thẩm quyền để đánh giá các tiêu chí trên là hợp lý

• Từng bài văn đã đạt được tiêu chí hay chưa

• Các bài văn được tập hợp một cách đa dạng nhất có thể, đặc biệt hữu ích cho việc so sánh (về mặt lịch sử, văn hóa, kỹ thuật, chủ đề nội dung, kinh điển/đương đại…)

• Đảm bảo tiện dụng cho tra cứu để đối sánh giữa các văn bản (tra ngang theo niên đại, tra dọc theo chủ đề, tra liên văn bản qua từ khóa)

• Phân tích trực tiếp điểm tiêu biểu trong các bài để chứng minh nó xứng đáng để người học mô phỏng

• Có câu hỏi gợi ý/mở rộng để người đọc có đường hướng cải tiến bài mẫu thành bài của riêng mình

Từ kinh nghiệm cá nhân, tôi cho rằng các tuyển tập sẵn có trên thị trường, trừ một vài tổng tập lớn mà Nhà nước thực hiện để phục vụ nghiên cứu chuyên ngành (như Tổng tập Văn học Việt Nam 42 tập) đáp ứng hãn hữu các tiêu chí trên, chúng ta chưa có một bộ tuyển tập nào thực sự phục vụ cho giáo dục.

Hay nói một cách đơn giản, chúng ta vẫn chưa có một tuyển tập chứa 4-5 bài văn tả bà ngoại từ kinh điển (của tác gia lớn, có phân tích các yếu tố văn hóa, lịch sử đặc thù) đến bà nội đương đại (của học sinh được hội đồng tuyển chọn đánh giá cao và phân tích rõ ưu nhược điểm).

Còn thiếu tuyển tập như vậy, việc học theo văn mẫu mãi dừng ở mức học vẹt (bắt chước), chứ không đến được mức mô phỏng, bởi người dạy và người học không có đa dạng văn mẫu để so sánh, lựa chọn và kết hợp.

Với việc giảng dạy văn học Anh – Mỹ, không thiếu các tuyển tập dày hơn nghìn trang, tuyển khoảng hơn 80 tác phẩm đa dạng đi kèm phân tích trực tiếp vào tác phẩm để minh họa cho các lý thuyết về kỹ năng đọc-viết (ví dụ Holt elements of literature. Introductory course [grade 6], 2008, NXB Orlando).

Công việc đồ sộ và phức tạp trên chỉ có thể được thực hiện bởi các trung tâm học liệu lớn (trực thuộc nhà xuất bản lâu đời, uy tín). Với công nghệ số hiện nay, hệ thống ngữ liệu được số hóa để người dạy và học có thể truy cập thêm lượng văn bản mới cập nhật hoặc thêm phương tiện (media) để bài đọc (và thao tác với bài đọc) trực quan, sinh động, hấp dẫn hơn.

Mô phỏng và chuyển hóa kiến thức

Khi đã có tuyển tập như trên, vai trò của người giáo viên sẽ được phát huy tối đa. Sau khi giao cho tập thể lớp các bài đọc đa dạng kèm tiêu chí phân tích kỹ lưỡng, giáo viên sẽ theo sát từng học sinh để hỗ trợ các em phân tích ưu/nhược điểm từ các bài mẫu, dần hình thành nên tiêu chí đọc – viết của chính học sinh. Đây là cơ sở quan trọng nhất để học sinh bắt tay vào tự sáng tạo, kết quả cuối cùng của quá trình đọc – viết có chọn lọc.

Thách thức cho kết quả đáng mong ước trên là giáo viên sẽ phải xử lý khối lượng công việc lớn gấp nhiều lần (thay vì một học sinh đọc một bài mẫu và bắt chước, giờ là một học sinh đọc bốn - năm bài mẫu và cần giáo viên hỗ trợ đồng phân tích và thực hành mô phỏng có hệ thống) cũng như không thể tạo ra đáp án đóng (một phương án đúng sai) để thuận tiện cho thời gian kiểm tra đánh giá. Điều này càng trở nên thách thức đối với trường công, nơi một lớp thường đông đến 45-50 học sinh.


Vì vậy, giải pháp kỹ thuật trước mắt vẫn là xây dựng các tuyển tập chất lượng cao, đa dạng ngữ liệu, chi tiết trong phân tích, có phiên bản điện tử để hấp dẫn người đọc,… Từ đó hỗ trợ và tăng cường năng lực tự học ở học sinh, cũng như giúp giáo viên nhanh chóng làm quen với cách giảng dạy mới.
Theo khoahocphattrien.vn

Lượt xem: 686

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 1957095- Đang online : 5633