• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV28/5/2024 15:33

Một lịch sử độc đáo về tiểu thuyết Việt Nam hiện đại

"Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945" của GS. Bùi Xuân Bào có lẽ là nghiên cứu đầu tiên về sự khai sinh và tiến trình của thể loại tiểu thuyết văn xuôi quốc ngữ Việt Nam, một thể loại quan trọng bậc nhất của văn học hiện đại.

Trước đó, các ông Dương Quảng Hàm, Mộc Khuê, Vũ Ngọc Phan và một số nhà phê bình văn học khác đã đề cập đến tiểu thuyết Việt Nam hiện đại trong các công trình của họ, nhưng tách ra thành một chuyên đề để nghiên cứu riêng với hơn 440 trang thì phải bắt đầu từ Bùi Xuân Bào (1916- 1991).

Sau ông mới có công trình liên ngành của Nguyễn Trần Huân Le roman Vietnamien contemporain. Etudes interdisciplinaire sur le Viet Nam. Volume I SAIGON 2è semestre 1974 và công trình Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại của Phan Cự Đệ ở Hà Nội (1974).

Tôi gọi cuốn sách của GS Bùi Xuân Bào là lịch sử tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, bởi vì đây là một cách hệ thống hóa khác với các tác giả khác. Ngày nay đã có nhiều người nghiên cứu tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, nhưng có thể nhiều người vẫn chưa biết đến tác phẩm của GS Bùi Xuân Bào, do sách viết bằng tiếng Pháp

Naissance et Evolution du roman vietnamien moderne (1925-1945) (Tiểu thuyết Việt Nam hiện đại 1925 – 1945: Khai sinh và tiến trình) vốn là luận án phụ Tiến sĩ văn chương mà ông trình ở Đại học Sorbonne năm 1961. Luận án chính có đề tài là “Sự ra đời của chủ thuyết Anh hùng nhân bản: Văn chương Pháp giữa hai Thế chiến”, thì luận án phụ cũng xét văn học trong quan hệ với xã hội, thời cuộc.


Năm 1972, luận án của GS Bùi Xuân Bào được in thành sách tại Sài Gòn trong tủ sách “Nhân văn Xã hội”. Năm 1985, nó được in tại Paris trong tủ sách “Đường Mới”. Bản dịch mới đây do Ngân Xuyên chuyển ngữ và NXB Tri thức ấn hành là bản tiếng Việt đầu tiên dịch từ tiếng Pháp theo bản in ở Paris. Nguồn: NXB Tri thức

Chọn 20 năm tiểu thuyết Việt Nam đầu thế kỉ XX để nghiên cứu có cơ sở của nó, vì phải đến năm 1925 tiểu thuyết Việt Nam mới chính thức xuất hiện và đến năm 1945 khi cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra, tiến trình phát triển của tiểu thuyết đã bị ngắt quãng. Bùi Xuân Bào đã vượt lên cách phân chia sáng tác của các học giả Dương Quảng Hàm, Mộc Khuê, Nguyễn Xuân Huy để nhìn tiểu thuyết Việt Nam hiện đại một cách khác, với mấy điểm đáng chú ý hoặc độc đáo như sau.

Thứ nhất, tác giả chia 20 năm tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thành ba giai đoạn: từ 1925 đến 1932 - giai đoạn hình thành; từ 1932 đến 1940 - giai đoạn phát triển rực rỡ; từ 1940 đến 1945, chủ yếu theo sự phát triển của tiểu thuyết trong thời cuộc.

Thứ hai, tiểu thuyết ở đây xét theo nghĩa rộng, bao gồm cả truyện ngắn, ít được được xét theo đặc trưng thể loại, mà xét theo loại hình chủ đề, theo bối cảnh lịch sử và khuynh hướng tinh thần đạo đức, chính trị, tâm lí của giới tinh hoa trong xã hội của mỗi giai đoạn. Có thể nói công trình viết theo quan điểm xã hội học phổ thông.

Thứ ba, do bao gồm cả truyện ngắn, cuốn sách đã đề cập hơn 30 tác giả - bên cạnh các tác giả lớn như Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố…, còn gồm cả Thanh Tịnh, Thiết Can, Nguyễn Xuân Huy, Ngọc Giao, Thụy An…, nhưng lại thiếu Kim Lân, Nam Cao.

Thứ tư, khẳng định ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa và tiểu thuyết Pháp, lấn át ảnh hưởng Trung Hoa, vì thế tác giả chú trọng phương pháp văn học so sánh và có thể xem đây là một công trình văn học so sánh văn học Pháp, Trung, Việt với những ví dụ cụ thể, sinh động.

Thứ năm, tác giả tỏ ra là một nhà giáo có ngòi bút phân tích tinh tế các hình tượng tác phẩm tiểu thuyết nửa đầu thế kỉ XX.

Về mối quan hệ giữa tiểu thuyết và tinh thần thời đại, có thể nghe ý kiến của tác giả về cách tiếp cận của mình: “Nó đánh dấu sự khởi đầu của một phong trào rộng lớn rồi ra sẽ làm đảo lộn hoàn toàn các quan niệm về đạo đức mà người Việt từng có qua nhiều thế kỷ” (tr. 41), “các thể loại chỉ khiến chúng tôi quan tâm trong chừng mực chúng cho phép chúng tôi phát hiện hoặc làm nổi bật một xu hướng mới, một chủ đề mới” (tr.49). Như vậy, tác giả sẽ không đi sâu nhiều về thể loại tiểu thuyết mà chỉ xét chúng ở bình diện khuynh hướng chủ đề; do đó cũng không có một đề nghị nào mới về phân loại tiểu thuyết.

Ở mỗi giai đoạn, tác giả đều phân tích kĩ trạng thái tinh thần xã hội gắn liền với nó.

Giai đoạn 1925-1932, theo tác giả, xã hội hoàn toàn mất phương hướng trước hai nền văn minh Đông Tây. Các trí thức tân học tuy có tư tưởng mới mà vẫn muốn bảo lưu nền đạo đức cũ, và về văn học, tuy họ đã biết được nhiều cái mới trong văn chương Âu Tây, mà vẫn nuối tiếc nền luân lí và lối văn biền ngẫu đăng đối cũ. Tác phẩm của Nguyễn Trọng Thuật và Hoàng Ngọc Phách và các tác phẩm khác của Nhất Linh, Võ Liêm Sơn, Nguyễn Thời Xuyên và Từ Ngọc Nguyễn Lân, Hồ Biểu Chánh đều thể hiện khuynh hướng trì trệ này.

Về giai đoạn phát triển rực rỡ, tác giả chia làm hai dòng tiểu thuyết lãng mạn và hiện thực. Dòng lãng mạn dựa vào chủ nghĩa cá nhân, rất mạnh từ đầu những năm 1930, nhưng “nhanh chóng mất đi động lực” và “bị phá sản” (tr. 197, 212). Theo tác giả, từ năm 1934-1936 “khủng hoảng kinh tế ụp xuống đất nước đã kéo họ ra khỏi tháp ngà và bắt họ phải đối mặt với những vấn đề của hiện tại. Thái độ đó chúng tôi tin là nguồn gốc của phong trào hiện thực bắt đầu khởi lên năm 1936” (tr. 199). Trong đó, tác giả chia dòng lãng mạn làm nhiều nhánh: lãng mạn hy sinh (Khái Hưng), lãng mạn nổi loạn (Nhất Linh), lãng mạn xã hội (Hoàng Đạo), lãng mạn miền ngược (tiểu thuyết đường rừng), lãng mạn người hùng (Lê Văn Trương), lãng mạn ấn tượng (Thạch Lam). Dòng hiện thực được chia làm hiện thực trào phúng (Nguyễn Công Hoan), hiện thực về xã hội mục rữa (Vũ Trong Phụng), hiện thực xã hội mác xít (Trương Tửu), hiện thực nhân văn (Nguyên Hồng)...

Giai đoạn 1940-1945 do chịu ảnh hưởng Thế chiến thứ hai, đời sống khốn đốn, kiểm duyệt ngặt nghèo, tiểu thuyết đi vào các nội dung đời sống thôn quê, hoài cổ hoặc tâm lí. Giai đoạn này được đánh dấu bởi các loại tiểu thuyết như phong tục, gia đình (Khái Hưng, Mạnh Phú Tư, Thiết Can, Đồ Phồn), tiểu thuyết nhà quê (Trần Tiêu, Tô Hoài, Bùi Hiển), tiểu thuyết xã hội (Vũ Bằng, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Đức Quỳnh), tiểu thuyết tình cảm, tình yêu, tâm lí (Thanh Tịnh, Nhượng Tống), tiểu thuyết hoài cổ (Chu Thiên, Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân), tiểu thuyết tâm lí (Khái Hưng, Nhất Linh). Tuy nhiên, thuật ngữ của tác giả chỉ có ý nghĩa hình thức. Chẳng hạn Lều chõng của Ngô Tất Tố là tố cáo lối học xưa cũ để mà thay đổi giáo dục.

Ở phần kết luận, tác giả nhấn mạnh, tiểu thuyết gắn với cuộc cách mạng tinh thần của người Việt trong nửa đầu thế kỉ XX và cách giải quyết mối xung đột Đông Tây, với nông dân và phụ nữ là hai nhân vật nổi bật nhất. Về nhược điểm, tác giả nhấn mạnh, tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thiếu hành động và phiêu lưu, thiếu cảm giác về chủ nghĩa anh hùng. Nhìn chung nhà văn Việt Nam thiếu các điều kiện thuận lợi để sáng tạo ra những tác phẩm có sức mạnh.

Nhìn qua bức tranh tiểu thuyết của GS Bùi Xuân Bào sẽ thấy sự phân chia tiểu thuyết theo đề tài, chủ đề làm cho bức tranh phong phú, nhiều sắc màu, có kiến giải thấu đáo, nhất là về con người cá nhân, song khó tránh làm cho đường nét bức tranh có phần rối. Và mặt khác, việc thiếu vắng các tác phẩm quan trọng có giá trị hiện thực sâu sắc như Bước đường cùngVỡ đêTắt đènChí PhèoSống mòn cũng dễ hiểu, bởi luận án được bảo vệ tại Pháp khi cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đối với nước ta đã kết thúc, nhưng phải đến năm 1973 hai nước mới thiết lập quan hệ ngoại giao. Sống mòn xuất bản năm 1956 tại Hà Nội, có thể ở Sài Gòn chưa có. Nhưng đọc sách Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết của Nguyễn Văn Trung, in ở Sài Gòn năm 1962, thì đã có phân tích tác phẩm Chí Phèo. Cũng có thể do quan điểm mà tác giả mà không xét các tác phẩm ấy. Vào thời mà tác giả làm luận án, ở Pháp cũng ít ai quan tâm đến các vấn đề nghệ thuật tiểu thuyết như người kể chuyện, điểm nhìn, nhân vật. Quan tâm đề tài là cách tiếp cận dễ được chấp nhận nhất.

Đọc sâu vào cuốn sách, bạn đọc sẽ biết thêm nhiều tư liệu quý báu, những tác phẩm ngày nay ít biết, những câu trích dẫn đắt giá và những nhận định thỏa đáng của người đương thời. Tất nhiên cũng khó tránh có những nhận định thiếu chính xác đối với nhà văn và tác phẩm nào đó, khác hẳn những nhận định hiện thời (chẳng hạn đánh giá Thạch Lam là “người không nổi trội về trí tuệ so với hai người anh cùng họ Nguyễn Tường”, tr. 189, theo tôi là sự nhầm lẫn khó chấp nhận), nhưng ta không quên, đây là một tài liệu ra đời cách nay đã hơn 60 năm.

Chính vì tầm quan trọng của đề tài tiểu thuyết Việt Nam hiện đại và những khác biệt trong quan niệm của tác giả mà cuốn sách là một tài liệu tham khảo quý dành cho những ai muốn tìm hiểu tiểu thuyết Việt Nam.
Theo khoahocphattrien.vn

Lượt xem: 470

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành
Chưa có video
Số lượt truy cập: 1397284- Đang online : 2043