Người học phụ thuộc quá mức vào AI tạo sinh sẽ bị hạn chế sự phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề. Cần sử dụng AI tạo sinh trong giáo dục một cách thận trọng, ưu tiên cân nhắc về đạo đức và có các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ để giảm thiểu những tác hại tiềm ẩn.
Đó là nhận định được GS. Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM), Giám đốc khoa học Trung tâm BKAI - đưa ra tại hội nghị chuyên đề “Ứng dụng khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục và đào tạo” do Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tổ chức vào ngày 16/8.
Theo thông tin từ
Trung tâm Truyền thông và Sự kiện (Bộ GDĐT), phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết giáo dục là một trong những ngành chịu tác động nhiều nhất của chuyển đổi số nói chung, trí tuệ nhân tạo (AI) nói riêng; nhưng đồng thời cũng là ngành được hưởng lợi rất nhiều. “Với giáo dục, AI là cơ hội, cũng là thách thức lớn. Nếu không nghiên cứu để ứng dụng hiệu quả, chúng ta sẽ tụt hậu. Ngược lại, nghiên cứu khẩn trương, có cách tiếp cận phù hợp sẽ triển khai được hiệu quả, ít tốn kém”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ về ứng dụng AI trong hỗ trợ giảng dạy, TS. Trần Việt Hùng - nhà sáng lập và Chủ tịch của Got It, Inc. và nhà sáng lập của tổ chức STEAM for Vietnam - cho rằng AI tạo sinh (GenAI) có thể giúp giáo viên mở khóa các tiềm năng của mình.
GenAI là một loại hệ thống AI có khả năng tạo ra văn bản, hình ảnh hoặc các phương tiện truyền thông khác dựa trên các gợi ý. Do đó, nó có thể hỗ trợ giáo viên trong việc lên ý tưởng; lên kế hoạch giảng dạy chi tiết; chấm bài và nhận xét chi tiết cho từng học sinh; trợ giảng và gia sư cho học sinh, dịch nội dung ngôn ngữ khác; tạo ra nội dung giảng dạy phong phú và cá nhân hoá. Giáo viên có thể thiết kế các lộ trình học tập phù hợp với đặc điểm, kết quả và phong cách học tập của từng học sinh, chuyển đổi phương pháp giảng dạy “một khuôn mẫu cho tất cả” thành trải nghiệm phù hợp với phong cách học tập của từng học sinh.
Nhận định ứng dụng GenAI trong giảng dạy ở Việt Nam còn mới mẻ và chủ yếu do các giáo viên chủ động tiếp cận ở mức độ cá nhân, TS. Trần Việt Hùng cho biết: Các giáo viên rất hào hứng với học kiến thức mới và ít nhiều đã ứng dụng vào các công việc hằng ngày.
“STEAM for Vietnam và các đối tác lần đầu đưa ra một chương trình Generative AI dành cho giáo viên một cách có hệ thống. Theo đó, khóa học về AI cho giáo viên được triển khai đại trà ở quy mô quốc gia đầu tiên trên thế giới. Hơn 8.000 thầy cô đăng ký từ 63/63 tỉnh thành. Hơn 5.000 giáo viên tiên phong sẵn sàng cho năm học mới với tâm thế và bộ kỹ năng GenAI mới”, TS. Trần Việt Hùng chia sẻ.
Cụ thể, STEAM for Việt Nam đã tổ chức Chương trình trại hè về AI mang tên
"Train the Trainer: AI Summer Camp". Khóa học bao gồm 12 bài giảng và đã được tổ chức trực tuyến vào từ tháng Sau đến tháng Tám năm nay. Hoạt động và bài học chính tập trung vào việc áp dụng các ứng dụng thực tế của AI vào đào tạo STEM. Sau khi hoàn thành khóa học, giáo viên có thể xây dựng các tài liệu học tập hấp dẫn, sinh động, cá nhân hóa chương trình giảng dạy cho từng học sinh và nhanh chóng phát triển các dự án với GenAI.
Cũng cho rằng AI sẽ đóng vai trò quan trọng giúp nhà quản lý và giáo viên mọi cấp nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ trong đào tạo năng lực nghề nghiệp ở bậc giáo dục đại học, song GS. Hồ Tú Bảo bổ sung thêm rằng cần có những buổi giáo dục đạo đức và pháp lý để người dùng có thể dùng AI một cách an toàn và trách nhiệm.
“ChatGPT không hiểu văn bản mà nó tạo ra; nó có thể và thường tạo ra những tuyên bố không chính xác. Do đó, các nhà nghiên cứu, giáo viên và người học cần có cách tiếp cận phản biện đối với mọi thứ do ChatGPT tạo ra”, ông chia sẻ.
GS. Hồ Tú Bảo cho biết khi tích hợp GenAI vào giáo dục, phải nghĩ kỹ hơn về ý nghĩa của việc người học sẽ thành những con người thế nào trong một thế giới số. Người học có thể phụ thuộc quá mức vào GenAI và hạn chế sự phát triển tư duy phản biện, khả năng giải quyết vấn đề.
Chia sẻ dữ liệu mở
Cũng tại hội thảo, các nhà khoa học đã thảo luận vai trò của giáo dục mở. Đại diện Khan Academy Vietnam cho biết: “Học liệu mở (OCW), tài nguyên giáo dục mở (OER) và giáo dục đại trà trực tuyến mở (MOOCs) đã và đang đóng những vai trò tích cực trong giáo dục, góp phần tạo cơ hội học tập cho bất kỳ ai, ở bất kỳ đâu.”
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Tạ Hải Tùng, Hiệu trưởng Trường CNTT và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội, khuyến nghị Việt Nam cần hoàn thiện chính sách và pháp luật liên quan đến chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, nâng cao nhận thức và tạo động lực tăng cường liên thông chia sẻ dữ liệu trong khối cơ quan nhà nước, và giữa cơ quan nhà nước với khối tư nhân.
“Với ngành Giáo dục, mở là nguyên tắc, không nên là một lựa chọn, và [ngành giáo dục] nên đi đầu trong việc chia sẻ dữ liệu mở”, PGS.TS Tạ Hải Tùng nhấn mạnh.
Theo khoahocphattrien.vn