• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV13/1/2025 15:40

Ngành khoa học và công nghệ: Những kỳ vọng ở tương lai?

Trong hội nghị tổng kết cuối năm 2024 của ngành Khoa học Công nghệ, những diễn giả nhắc lại câu chuyện về thay đổi thể chế và những kỳ vọng về khoa học và công nghệ của Việt Nam trong tương lai.

Biến thể chế thành lợi thế

“Một chu trình hoàn hảo của việc đầu tư tới ngưỡng, cơ chế rộng mở, dám dấn thân để chuyển hóa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và tạo ra sự khác biệt, và sau đấy là định hình kết quả nghiên cứu của người Việt trên bản đồ thế giới” – Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định bình luận về bài trình bày của TS. Nguyễn Quý Hà về hoạt động của Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn VinBigData trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành khoa học và công nghệ.
 
Trong vòng sáu năm, viện này đã điều phối quỹ VinIF tài trợ khoảng 800 tỉ cho hàng nghìn nhà khoa học ở Việt Nam; xây dựng được hàng nghìn Terabyte dữ liệu khác nhau, chủ yếu là dữ liệu tin y sinh và từ đó đã tạo ra hai công ty spin-off với những sản phẩm vượt qua kiểm định của các tổ chức trên thế giới hoặc chiến thắng các giải quốc tế lớn.

Lời của Thứ trưởng Lê Xuân Định có lẽ không chỉ dành riêng cho VinBigData mà có lẽ là mơ ước của toàn bộ giới khoa học công nghệ, vốn tập trung nhiều ở khu vực công và cần sự đầu tư chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Trong những chia sẻ mà các nhà nghiên cứu bày tỏ trên khắp các diễn đàn nhiều năm qua, những mong muốn về tăng kinh phí cho khoa học chỉ chiếm phần nhỏ, phần nhiều vẫn là một “cơ chế rộng mở” để họ được sử dụng những đồng tiền đó một cách hiệu quả, để toàn tâm toàn ý cho những nghiên cứu có tính đột phá.
 
Điều này, có lẽ khối nghiên cứu của Bộ Quốc phòng hiểu rõ nhất, khi “đặc thù chuyển giao công nghệ lõi, công nghệ nguồn trong lĩnh vực kĩ thuật quân sự vô cùng khó khăn và gần như không thể, ngay cả khi chúng ta có rất nhiều tiền” - theo bài phát biểu bằng video của Đại tá Dương Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ, Bộ Quốc phòng trong Hội nghị.
 
Trong phần kiến nghị của ông, những đề xuất về cơ chế được đặt lên trên và có phần được nhấn mạnh hơn những yêu cầu về tăng cường đầu tư. Trong đó, ông cho rằng cần “giao quyền tự chủ sử dụng kinh phí, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học” và “những quy định pháp luật mang tính đột phá” để mua sắm và sao chép các công nghệ tiên tiến của quốc tế.
 
Đồng tình với suy nghĩ của Đại tá Dương Minh Hải, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng cho rằng bên cạnh chú trọng ngoại giao khoa học, thì cần “quyết liệt cải cách thể chế”, “phá bỏ rào cản, điểm nghẽn”. Bà tuyên bố về “ngoại giao kinh tế là trung tâm của ngoại giao và ngoại giao công nghệ là trung tâm của ngoại giao kinh tế” và xây dựng mối quan hệ với các tập đoàn, viện nghiên cứu lớn trên thế giới.
 
Nhưng điều đó sẽ khó thành hiện thực hoặc cũng không thể tạo ra những kết quả ý nghĩa nếu các quy định, chính sách hiện hành vẫn cầm chân các tổ chức khoa học, chỉ có thể cho phép họ tạo ra các thử nghiệm, ứng dụng, công bố “tầm tầm” để an toàn với các khuôn khổ kiểm soát quá trình nghiên cứu ngặt nghèo hiện nay.
 
“Luôn luôn nhắc thể chế, thể chế, thể chế. Không gỡ được thì không phát triển được. Bài học là như vậy” – Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh trong phần phát biểu của mình cuối hội nghị.
 
 
"Ngoại giao kinh tế là trung tâm của ngoại giao,và ngoại giao khoa học công nghệ là trung tâm của ngoại giao kinh tế."
 
Thứ trưởng Bộ Ngoại giaoLê Thị Thu Hằng

Sở dĩ, những mong muốn về thay đổi thể chế được bày tỏ mạnh mẽ và lặp đi lặp lại nhiều lần trong hội nghị là bởi nó gắn liền với Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia ra đời vào những ngày cuối năm 2024 vừa qua.
 
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho rằng, “thành tựu lớn nhất” của Bộ Khoa học và Công nghệ năm 2024 chính là tham mưu với các bộ, ban ngành để ban hành được nghị quyết này. Sau hơn một thập kỉ, kể từ năm 2012 với Nghị quyết 20, khoa học và công nghệ lại trở thành tâm điểm trên bàn nghị sự.
 
Nhiều người đặt hy vọng vào nghị quyết này không chỉ vì nó nâng mức đầu tư cho khoa học lên 3% tổng chi ngân sách hằng năm (trong khi đó, ở Nghị quyết 20, con số này là 2%) mà còn vì trung tâm của nghị quyết này là tinh thần “xóa bỏ mọi rào cản đang cản trợ sự phát triển” thể hiện mạnh mẽ hơn Nghị quyết 20. Nó không chỉ dừng lại ở hoàn thiện thể chế mà thậm chí còn “đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Như đã nói ở trên, khúc mắc lớn nhất trong câu chuyện thể chế này nằm ở cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ. Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng không né tránh điều này và nhắc đến đầu tiên trong phần nói về hạn chế của ngành: “Tôi muốn nói đến cơ chế tài chính cho khoa học công nghệ hiện nay đang bị lạc hậu, lỗi thời, chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của quốc gia, của các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển khoa học công nghệ của đất nước”.
 
Khoan nói đến quy định bảo toàn vốn trong Luật ngân sách không cho phép các cơ quan cấp vốn kể cả khi chỉ sử dụng một phần ngân sách nhà nước được đầu tư hoặc cho vay các hoạt động nghiên cứu hoặc đổi mới sáng tạo, hoạt động tài trợ - hình thức cấp vốn khả thi nhất cho khoa học hiện nay - cũng chịu nhiều ràng buộc khi kiểm đếm chi li từng hạng mục trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm; yêu cầu mọi hoạt động từ mua sắm nguyên liệu, vật tư, trang thiết bị đến thực địa, hội nghị, hội thảo, tới công bố kết quả trên thực tế phải chính xác và có trường hợp phải đúng hẹn như đề xuất ban đầu. Trong khi đó, bản chất của hoạt động nghiên cứu, sáng tạo là rủi ro, không thể đoán định.

Sửa đổi cách tiếp cận này là một thách thức lớn với tư duy và cách làm hiện nay. Bản thân Nghị quyết 20 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế cũng đã cổ vũ phương thức “sử dụng ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân chủ trì” và “mở rộng áp dụng cơ chế tài chính của quỹ phát triển khoa học và công nghệ”. Nhưng sau 13 năm, điều đó vẫn chưa thực hiện rộng rãi mà thậm chí còn có phần thụt lùi khi chính Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Nafosted hiện nay đang bị buộc quay lại hoạt động theo cơ chế dự toán cũ.

Nghị quyết 57 tiếp tục ưu tiên cơ chế quỹ và còn khuyến khích cả các cơ chế tài chính đột phá khác như “mua sắm công” – tức nhà nước sẽ đặt đề bài và sử dụng các sản phẩm khoa học công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Sự thay đổi không chỉ nằm trong tay Bộ Khoa học và Công nghệ mà còn nằm ở các bộ, ngành khác, đặc biệt là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
 
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cũng bày tỏ niềm hy vọng các cơ quan chính phủ sẽ cùng tìm được tiếng nói chung: “Chúng ta phải cùng nhau suy nghĩ, cùng nhau kiến nghị. […] Làm sao có thể khơi thông nguồn lực đóng góp cho khoa học công nghệ? Đó là cái thứ nhất tôi muốn các đồng chí cùng trăn trở, cùng suy nghĩ, cùng tìm giải pháp”.
 
 
Đến lúc này, ba yếu tố tác động lớn nhất đến đất nước ta tới đây, mang tính bước ngoặt, một là phát triển về trí tuệ nhân tạo, hai là phát triển về dữ liệu lớn, dữ liệu là dữ liệu của Việt Nam và tranh thủ dữ liệu của thế giới và cái thứ ba là internet di động.
 
Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn
 

Nhìn về những gì cốt lõi

Mỗi đại biểu tới dự Hội nghị tổng kết đều được tặng cuốn sách “Cuộc cách mạng dữ liệu lớn” của Rob Thomas, Phó Giám đốc cấp cao phụ trách phần mềm và Giám đốc thương mại của IMB và Patrick McSharry, giáo sư về trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, phân tích dự báo của Đại học Carnegine Mellon. Cuốn sách xuất bản từ năm 2015 này nói về tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội đang chuyển mình dựa vào công nghệ mới này như thế nào.
 
“Dữ liệu”, “AI”, “Thông minh”, “Bán dẫn”, “Chuyển đổi số”, “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” là những từ khóa được nhắc đến nhiều trong sự kiện cuối năm này của Bộ Khoa học và Công nghệ. Đây cũng là những lĩnh vực được đề cao và ưu tiên đầu tư trong nghị quyết 57. Những xu hướng này đại diện cho kỉ nguyên thông minh mà theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, dẫn từ các đánh giá của nhiều tổ chức trên thế giới, “tạo cơ hội tương đối đồng đều cho các quốc gia, đây là cơ hội để cho các nước đang phát triển như chúng ta có thể tiến cùng, có thể vượt lên trên trong dòng chảy mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện nay”.

“Đến lúc này, ba yếu tố tác động lớn nhất đến đất nước ta tới đây, mang tính bước ngoặt, một là phát triển về trí tuệ nhân tạo, hai là phát triển về dữ liệu lớn, dữ liệu là dữ liệu của Việt Nam và tranh thủ dữ liệu của thế giới và cái thứ ba là internet di động.” – Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nói.
 
Ông nhấn mạnh: “Ba yếu tố đó chắc chắn sẽ tác động rất nhiều tới việc chúng ta có khai thác tiềm năng của chúng ta hay không”. Phó thủ tướng nhanh chóng yêu cầu Bộ Ngoại giao giúp Bộ Khoa học và Công nghệ “ngay trong ngành bán dẫn thôi, hợp tác với ai, làm cái gì, lĩnh vực nào, ưu tiên cái gì cho Việt Nam? Ngoài bán dẫn còn nhiều khía cạnh của từng quốc gia, nhất là các cường quốc về khoa học công nghệ” hay trong đào tạo nguồn nhân lực, “xác định đào tạo như thế thì đào tạo ở đâu, nguồn lực chỗ nào?”
 
Ông cũng tin rằng “với tiềm lực quốc gia, với tiềm lực và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế, chúng ta hoàn toàn có đủ và thậm chí là rất thuận lợi để tranh thủ được nguồn lực bên ngoài trong việc tăng cường tiềm lực của khoa học công nghệ của Việt Nam”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cũng chia sẻ trước đó trong hội nghị rằng: “Trong tư duy triển khai thì ngoại giao công nghệ phải gắn liền với năng lực tự chủ về khoa học và công nghệ trong nước”. Nói cách khác, để phát triển những ngành mới nổi này, cần một khoản tài chính lớn trong nước mà khả năng lớn là nhà nước phải “đi đầu” trong việc đầu tư trước khi tìm đến những nguồn lực khác.
 
Một thuyết trình của đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần IV vào tháng 8/2024 chỉ ra rằng một trong những thách thức lớn trong việc phát triển công nghiệp bán dẫn của Việt Nam yêu cầu một “khoản đầu tư rất lớn” cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm phục vụ nghiên cứu. Trong nhiều trường hợp, tư nhân chưa chắc đã có động lực đầu tư tạo ra những nguồn tài nguyên phục vụ lợi ích cả nền khoa học nói chung mà việc xây dựng các kho dữ liệu của người Việt là một ví dụ.
 
TS. Nguyễn Quý Hà chia sẻ rằng: “Dữ liệu ở dạng thô chưa phải là vàng và đòi hỏi rất nhiều công sức, đầu tư để có thể biến những quặng thô đó thành vàng”. Những dữ liệu đã được “khai thác, tập hợp, làm sạch” của Viện VinBigData không phải là dữ liệu mở mà chỉ phục vụ cho những nghiên cứu, sản phẩm của riêng họ.

Những “cơ chế rộng mở” để phát triển những ngành này có thể sẽ vượt xa khỏi tư duy rộng mở về tài chính nói trên mà còn làm sao để “nuôi dưỡng được nguồn nhân lực” – một nội dung cũng được đề cập trong Nghị quyết 57. Bởi không chỉ cần đào tạo và thu hút được nhân lực mà còn làm sao để giữ chân được họ.
 
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ rằng, trong cuộc trao đổi của ông với các chuyên gia quốc tế, trong ngành AI và bán dẫn, nguồn nhân lực chất lượng cao của Việt Nam có thể là một điểm yếu: “50.000 nhân lực về bán dẫn hay 2.000 kĩ sư về thiết kế, AI phải là người ở Việt Nam, tạo ra sản phẩm ở Việt Nam để xuất khẩu. Chứ không phải là họ làm ở bên ngoài và đóng góp vào sự tăng trưởng các nước khác”.

Ngoài ra, GS. Pierre Darriulat, nguyên Giám đốc khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Hạt nhân châu Âu (CERN), người từng chứng kiến những thăng trầm của nhiều công nghệ trên thế giới, từng cảnh báo trên Tia Sáng (một ấn phẩm “chị em” của Khoa học và Phát triển) rằng việc chạy theo những xu hướng thời thượng có thể khiến người ta đánh rơi những mục tiêu ít hào nhoáng nhưng cốt lõi và nền tảng hơn. Một trong những mục tiêu đó là khoa học cơ bản.
 
PGS. Phan Thị Hà Dương, Giám đốc Trung tâm Unesco Toán học chia sẻ: “Cuộc cách mạng khoa học công nghệ đã chứng tỏ sự cần thiết của toán học, vật lý ứng dụng”. Trung tâm của chị sắp tới sẽ đẩy mạnh toán học ứng dụng, thậm chí kết nối toán học với khoa học, công nghệ, xã hội và nhân văn bằng cách phát triển các mô hình phòng chống dịch bệnh, môi trường, nông nghiệp.
 
Hai trung tâm Unesco Toán học và Vật lý của Việt Nam với hai trong những mục tiêu hoạt động là “hình thành trung tâm quốc tế xây dựng tiềm lực trong khoa học cơ bản” và “nghiên cứu và đào tạo theo những chuẩn mực quốc tế cao nhất” hiện không có văn phòng, kinh phí khiêm tốn 5 tỷ/năm và đứng trước thách thức gia hạn với UNESCO vào năm tới.

Xét cho cùng, AI là một công cụ, và việc phát triển công nghệ này không chỉ cần những nghiên cứu xoay quanh công nghệ thông tin mà còn cần chuyên môn của từng lĩnh vực mà nó áp dụng. Chẳng hạn như đằng sau VinBrain – một ứng dụng AI trong việc chẩn đoán bệnh, trở nên nổi tiếng sau khi được Nvidia mua lại là hàng ngàn giờ các bác sĩ dùng nghiên cứu và kinh nghiệm của mình để huấn luyện AI, nâng tính chính xác của nó.
Theo khoahocphattrien.vn

Lượt xem: 20

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 2021983- Đang online : 879