• Tin tiêu điểm
Khoa học & Công nghệ › Khoa học XH & NV5/2/2025 15:45

Bốn lý do ChatGPT làm giảm năng suất của tôi

ChatGPT, cũng như các ứng dụng AI khác, không phải "cây đũa thần" có thể giải quyết mọi vấn đề.


AI đang dần trở thành một “trợ lý” đắc lực trong nhiều hoạt động học thuật. Nguồn: q3tech.com

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của AI tạo sinh, đặc biệt là ChatGPT, đã mở ra nhiều cơ hội cho hoạt động nghiên cứu. Ở góc độ quan sát thực tiễn, có thể thấy AI đang dần trở thành một “trợ lý” đắc lực trong nhiều hoạt động học thuật: từ phát hiện mối quan hệ phức tạp giữa các khái niệm, hỗ trợ phân tích dữ liệu (đặc biệt trong nghiên cứu định lượng), đến việc soạn thảo, hiệu đính văn bản, tạo bảng, biểu đồ…

Chúng tôi và các đồng nghiệp bắt đầu sử dụng ChatGPT 4.0 trong các nghiên cứu của mình vài tháng trở lại đây bởi chỉ phiên bản này mới cho phép chúng tôi tải bài báo khoa học lên để AI hỗ trợ đọc, tổng hợp, phân tích nội dung. Chúng tôi kỳ vọng ChatGPT sẽ giúp rút ngắn thời gian làm tổng quan tài liệu (literature review) – một khâu rất quan trọng trong quá trình nghiên cứu. Mặc dù vậy, trải nghiệm cho đến hiện tại với phần mềm AI này cho thấy chúng tôi đang bị… giảm năng suất. Các bạn không nhầm đâu: Vâng, giảm năng suất. Để hiểu rõ hơn, mời mọi người cùng đọc phân tích bốn lý do khiến điều này xảy ra.

1. ChatGPT 4.0 vẫn chưa thể kết nối trực tiếp với đường link bài báo khoa học mà chúng tôi cần đọc. Vì vậy, nếu muốn nhờ ChatGPT đọc giúp một bài báo, chúng tôi phải tải bài báo đó xuống, sau đó mới đẩy lên ChatGPT (hoặc tải lên Google Drive mà chúng tôi đang dùng để đăng ký với ChatGPT). Theo cách làm thông thường trước khi có ChatGPT, chúng tôi có thể đọc trực tuyến hầu hết các bài báo trên trình duyệt web. Như vậy, với ChatGPT, chúng tôi mất nhiều thời gian hơn ở khâu tải bài báo xuống rồi lại đẩy bài báo đó lên ChatGPT.

2. Do phải nhờ ChatGPT đọc và tổng hợp nội dung, mạch tư duy của chúng tôi khi nghiên cứu bị chuyển từ cơ chế liên tục, tuyến tính sang cơ chế ngắt quãng và nhảy cóc. Cụ thể, nếu theo cách đọc bài truyền thống, chúng tôi sẽ đi sâu vào từng bài báo. Khi đó, tư duy về vấn đề nghiên cứu phát triển dần dần, có lúc nhanh, có lúc chậm tùy tình huống, tùy vấn đề và khả năng tiếp nhận với từng bài báo. Nhưng khi có ChatGPT hỗ trợ, chúng tôi thường nhận được các “gói” tóm tắt kiến thức ngắt quãng, cố định, ví dụ: “Giới thiệu”, “Phương pháp nghiên cứu”, “Kết quả”, “Kết luận”. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn mất đi cơ hội để não bộ được “tự điều chỉnh” nhịp suy nghĩ - chậm lại hoặc đẩy nhanh hơn tùy bối cảnh. Chính sự linh hoạt chậm - nhanh này mới quyết định việc chúng tôi có thể chuyển hóa thành công kiến thức từ bài báo vào trong đầu mình hay không.

3. Khi sử dụng ChatGPT, chúng tôi luôn có cảm giác “bất an” do phải đọc tài liệu thứ cấp thay vì nguyên gốc. Dù biết phiên bản 4.0 của ChatGPT đã rất mạnh và chính xác, nhưng việc không trực tiếp đọc tài liệu gốc khiến chúng tôi không thực sự yên tâm về những nội dung do ChatGPT tổng hợp.

Cảm giác này cũng tương tự như việc một số đồng nghiệp trong ngành lịch sử hay văn học chỉ được đọc tài liệu thứ cấp thay vì nguyên bản. Để dễ hình dung, bạn hãy tưởng tượng tình huống một nhà nghiên cứu muốn phân tích tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Rõ ràng nếu nhà nghiên cứu có cơ hội đọc bản gốc bằng tiếng Hán thì sẽ yên tâm hơn nhiều so với chỉ đọc bản dịch tiếng Việt. Tình huống sử dụng ChatGPT cũng tương tự, các bài báo được ChatGPT tổng hợp, tóm tắt giống như bài thơ được dịch sang ngôn ngữ khác. Để vượt qua cảm giác “bất an” này, nhiều khi chúng tôi lại phải đọc và đối chiếu lại giữa bản tóm tắt của ChatGPT với bản gốc. Và tất nhiên, điều này một lần nữa làm tốn thêm thời gian và giảm năng suất của chúng tôi.

4. Hiện nay, các tạp chí khoa học trên thế giới không cấm việc tác giả sử dụng ChatGPT nói riêng và các công cụ AI nói chung trong quá trình viết bài. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề còn quá mới, các chính sách về việc sử dụng AI của ban biên tập các tạp chí vẫn chưa thật rõ ràng, nên có nhiều “điểm mờ” về mặt quy định và đạo đức. Chẳng hạn, có tạp chí yêu cầu trích dẫn cụ thể ChatGPT (như một dạng tài liệu), nhưng có tạp chí chỉ xem ChatGPT là “công cụ hỗ trợ” và không nhất thiết phải trích dẫn. Có nơi đề nghị minh bạch tỷ lệ nội dung do AI “viết hộ”, nhưng nơi khác chỉ yêu cầu xác nhận “có sử dụng AI” là đủ. Các vấn đề về quyền tác giả, kiểm chứng độ chính xác và trách nhiệm khi phát hiện nội dung “bịa” (hallucination) từ AI cũng chưa có hành lang quy chuẩn thật rõ ràng. Điều này có thể đặt các nhà nghiên cứu vào tình huống vô tình vi phạm nguyên tắc liêm chính học thuật. Chúng tôi cũng lo sợ rơi vào tình huống mà chúng tôi nghĩ mình sử dụng AI và ChatGPT đúng nguyên tắc, nhưng ban biên tập tạp chí lại cho rằng chúng tôi làm sai; từ đó dẫn đến việc bị đánh giá về mặt liêm chính, đạo đức học thuật.

Với bốn lý do kể trên, rõ ràng, ChatGPT đang làm giảm năng suất nghiên cứu của chúng tôi. Nhìn rộng hơn, chúng tôi hiểu ChatGPT, cũng như các ứng dụng AI khác, không phải “cây đũa thần” có thể giải quyết mọi vấn đề. Để ChatGPT đi vào thực tiễn cuộc sống một cách hiệu quả và bền vững, ngoài nỗ lực của các đơn vị công nghệ xây dựng và phát triển công cụ AI, rất cần sự chung tay của các bên liên quan: các cơ quan quản lý cần ban hành quy định rõ ràng hơn về việc sử dụng AI; các cơ sở giáo dục cần đào tạo giáo viên và người học không chỉ biết cách sử dụng AI mà còn hiểu cách sử dụng AI đúng đắn, có trách nhiệm.

Về mặt cá nhân, với tư cách người dùng, chúng tôi vẫn tiếp tục sử dụng ChatGPT (cũng như các ứng dụng AI khác) hằng ngày. Bởi chúng tôi biết rằng mình đang sống trong thời đại mà “con người và AI” chung sống với nhau như một lẽ hiển nhiên. Chúng tôi cũng tin rằng chính ChatGPT và các công cụ AI khác sẽ ngày một hoàn thiện hơn, hiểu người dùng hơn, và các quy định, nguyên tắc về việc sử dụng AI cũng sẽ ngày một minh bạch, rõ ràng hơn.
Theo khoahocphattrien.vn

Lượt xem: 16

Tin mới nhất:

Văn bản chỉ đạo điều hành

Quyết định Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 12 Quy chế xét chọn, tôn vinh danh hiệu “Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu” trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang ban hành kèm theo Quyết định số 15/2021/QĐ-UBND ngày 24 tháng 9 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang

V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025

Quyết định trao giải thưởng Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Tuyên Quang năm 2023

V/v triển khai và thực hiện văn bản

V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"

Triển khai và thực hiện văn bản

Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh

Kế hoạch Thực hiện Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Thông báo công khai danh sách đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu "Trí thức Khoa học và Công nghệ tiêu biểu" năm 2023

Về việc triển khai và thực hiện văn bản của MTTQ tỉnh về  lấy ý kiến nhân dân với dự thảo Luật đất đai sửa đổi

Thông báo Về việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký tham gia xét chọn danh hiệu "Trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu" tỉnh Tuyên Quang

Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"

Chưa có video
Số lượt truy cập: 2071973- Đang online : 480