"Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản"-Điểm mới của Luật hôn nhân và gia đình năm 2015
Trên cơ sở kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định để điều chỉnh kịp thời những quan hệ xã hội mới đang nảy sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập một số nội dung mới lần đầu tiên được Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 điều chỉnh, đó là sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và xác định cha mẹ cho con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản
Luật Hôn nhân và gia đình là một văn bản luật quan trọng trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quy định về chế độ hôn nhân và gia đình, đó là toàn bộ những quy định của pháp luật về kết hôn, ly hôn; quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, giữa cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình; cấp dưỡng; xác định cha, mẹ, con; quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài và những vấn đề khác liên quan đến hôn nhân và gia đình. Ngoài ra, Luật Hôn nhân và gia đình còn quy định về chuẩn mực pháp lý cho cách ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, Nhà nước và xã hội trong việc xây dựng, củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam.
Về cơ cấu, Luật Hôn nhân và gia đình được Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2015, bao gồm 9 chương và 133 điều (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có 13 chương và 110 điều, như vậy, so với Luật năm 2000 số điều tăng thêm 23 điều, về số chương có sự cơ cấu, sắp xếp lại cho hợp lý nên đã rút gọn còn 9 chương).
Về nội dung, trên cơ sở kế thừa Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và sửa đổi, bổ sung rất nhiều quy định để điều chỉnh kịp thời những quan hệ xã hội mới đang nảy sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, trong phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập một số nội dung mới lần đầu tiên được Luật Hôn nhân và gia đình điều chỉnh như sau:
Một là, Quy định về "sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản".
Sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được hiểu là việc sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Phương pháp này mở ra cơ hội làm cha làm mẹ cho những cặp vợ chồng hiếm muộn và những phụ nữ độc thân (là những phụ nữ không lập gia đình nhưng muốn có một đứa con mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày từ trong trứng nước để cảm nhận ý nghĩa thiêng liêng của tình mẫu tử).
Thực tế, trên thế giới, việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là tinh hoa của nhân loại, là một thành tựu khoa học, y học.
Lịch sử của thụ tinh trong ống nghiệm và cấy phôi được biết đến sớm nhất là vào năm 1890 khi Walter Heape, một giáo sư - bác sĩ tại Đại học Cambridge, Anh, đã tiến hành nghiên cứu về sinh sản ở một số loài động vật, báo cáo trường hợp đầu tiên được biết đến của cấy ghép phôi thai ở loài Thỏ, rất lâu trước khi các ứng dụng cho khả năng sinh sản của con người được đề nghị.
Năm 1978: Đứa trẻ đầu tiên (Louise Brown) ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm ở Oldham, Anh vào ngày 25 tháng 7 năm 1978.
Tính đến năm 2012, hơn 5 triệu trẻ em đã được sinh ra trên toàn thế giới nhờ thụ tinh trong ống nghiệm. Khoa học đã mở đường cho hàng triệu gia đình, mang đến hy vọng cho hàng triệu người khó có khả năng mang thai tự nhiên sẽ được làm cha, làm mẹ (1)
Ở Việt nam, ngày 30/4/1998, ba trẻ thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên của nước ta chào đời. Đây là một trong những thành tựu xuất sắc của nền y học Việt Nam. Theo Bác sĩ Trần Đình Vinh - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cho hay, ở Việt Nam hiện nay, mỗi năm có khoảng 18.000 trường hợp thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và các kỹ thuật liên quan. Con số có thể tăng khoảng 10% mỗi năm.
Thụ tinh trong ống nghiệm được triển khai thành công từ năm 1998. Đi sau thế giới 20 năm, nhưng kỹ thuật này đã nhanh chóng phát triển và có những bước tiến vượt bậc. Tính đến năm 2016 đã có 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản được thành lập, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ở miền Trung, một trung tâm ở Bệnh Viện Phụ sản Thanh Hóa, một ở Bệnh viện Trung ương Huế, một ở Bệnh viện Đại học Y - Dược Huế và IVF Đà Nẵng. Đặc biệt, Việt Nam được xem là nước thực hiện số chu kỳ hỗ trợ sinh sản nhiều nhất khu vực Đông Nam Á. Với phương pháp này, các cặp vợ chồng hiếm muộn càng có thêm nhiều hy vọng để có con.(2)
Như vậy, trên thực tế, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đã được ứng dụng ở nước ta khá sớm, đem lại niềm hạnh phúc, niềm vui cho các cặp vợ chồng hiếm muộn và những phụ nữ độc thân. Tuy nhiên, vấn đề này lần đầu tiên được quy định trong luật Hôn nhân và gia đình năm 2015. Đây là một bước tiến lớn trong công tác lập pháp của nước ta, là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan, các tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các quyền và nghĩa vụ liên quan đến vấn đề này. Quy định trên phù hợp với xu thế phát triển khoa học - kỹ thuật của thời đại, phù hợp với thực tiễn đời sống hiện tại của Việt Nam; đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi chúng ta đang tích cực thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 21 tháng 02 năm 2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Xây dựng gia đình Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" và Quyết định số 629/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về "Chiến lược phát triển gia đình Việt nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030".
Hai là, Xác định cha mẹ cho con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Vấn đề xác định cha, mẹ cho con đã được quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, (vì đây là một nội dung quan trọng của luật). Tuy nhiên, khi luật điều chỉnh việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, đòi hỏi phải có những quy định về việc xác định cha mẹ cho con trong trường hợp này. Do đó, các nhà làm luật đã kịp thời bổ sung quy định mới về "Xác định cha mẹ cho con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản".
Tại Điều 93 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2015 quy định:
"Trong trường hợp người vợ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì việc xác định cha, mẹ được áp dụng theo quy định tại Điều 88 của Luật này. (Nội dung Điều 88 như sau: Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng. Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân. Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng. Trong trường hợp cha, mẹ không thừa nhận con thì phải có chứng cứ và phải được Tòa án xác định).
Trong trường hợp người phụ nữ sống độc thân sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản thì người phụ nữ đó là mẹ của đứa con được sinh ra.
Việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra".
Vấn đề xác định ai là cha, mẹ của đứa con gắn liền với tình thương và trách nhiệm của những người được làm cha, mẹ đối với con. Với quy định mới về việc xác định cha, mẹ cho con trong trường hợp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là căn cứ pháp lý quan trọng để đảm bảo quyền nhân thân của cha, mẹ và con; đó cũng là căn cứ pháp lý để giải quyết những tình huống tranh chấp về cha, mẹ đối với đứa con có thể xảy ra trong đời sống thực tế; vì theo quy định của điều luật thì việc sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản không làm phát sinh quan hệ cha, mẹ và con giữa người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi với người con được sinh ra.
Để thực hiện quy định trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10/2015/NĐ-CP ngày 28/01/2015 Quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Quy định xác định rõ việc cho và nhận tinh trùng, noãn, phôi phải là tự nguyện, không mang tính chất thương mại; đồng thời quy định trách nhiệm của các cơ sở y tế có thẩm quyền thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm phải đảm bảo tính bí mật của người thực hiện hành vi cho tinh trùng: "Tự nguyện cho tinh trùng, cho noãn và chỉ cho tại một cơ sở khám, chữa bệnh được Bộ Y tế công nhận được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng".
Hơn nữa, không phải tất cả các cơ sở y tế trên phạm vi lãnh thổ quốc gia đều có quyền được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, mà chỉ những cơ sở y tế có đủ điều kiện, tiêu chuẩn được Chính phủ quy định mới được thực hiện hoạt động nhân đạo trên. Hiện nay, theo quy định của Chính phủ, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm: "Cơ sở phụ sản, sản - nhi của Nhà nước từ tuyến tỉnh trở lên; Bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, khoa sản - nhi; Bệnh viện chuyên khoa phụ sản, chuyên khoa sản - nhi tư nhân; Bệnh viện chuyên khoa Nam học và hiếm muộn".
Như vậy, những quy định về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và các quy định khác có liên quan trong Luật Hôn nhân và gia đình đã tạo cơ hội cho những cặp vợ chồng hiếm muộn, những phụ nữ độc thân thực hiện được quyền làm cha, làm mẹ, để có được những đứa con thân thương là niềm hạnh phúc, là niềm vui, là niềm hy vọng, là cầu nối, là sợi dây tình cảm ràng buộc, gắn kết cha và mẹ, vợ và chồng; là một trong những tiền đề để xây dựng mỗi gia đình Việt nam ấm no, tiến bộ, hạnh phúc./.
(1). Theo http://www.ivf-worldwide.com/ivf-history.html)
(2). Theo VnExpress Sức khỏe
Lượt xem: 1500
◆V/v đề xuất, đặt hàng nhiệm vụ KH&CN, BVMT năm 2025
◆V/v triển khai và thực hiện văn bản
◆V/v hưởng ứng, tham gia cuộc thi trực tuyến "Tìm hiểu pháp luật về xử lý vi phạm hành chính"
◆Triển khai và thực hiện văn bản
◆Phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 27/3/2023 của UBND tỉnh
◆Về việc tiếp nhận hồ sơ xét chọn danh hiệu "Trí thức KH&CN tiêu biểu"